1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kêu gọi đầu tư hạ tầng đô thị bằng chính sách hỗ trợ

(Dân trí) - “Một trong những cản trở lớn nhất cho mục tiêu trở thành nước CNH-HĐH của Việt Nam vào năm 2010 chính là kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực, trong đó kết cấu hạ tầng đô thị cần vốn rất lớn và chúng ta cần phải kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này”.

Ông Trương Văn Đoan - Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cuộc chia sẻ với báo chí nhân hội nghị kêu gọi đầu tư lĩnh vực hạ tầng đô thị mới diễn ra tại Hà Nội.

Ông đánh giá thế nào về khả năng thu hút đầu tư cho hạ tầng đô thị của Việt Nam trong thời gian tới?

Năm 2008, Việt Nam đã được thành quả to lớn trên lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài với tổng mức vốn đầu tư đăng ký lên tới hơn 64 tỷ USD, thậm chí có những dự án quy mô đầu tư lớn cỡ chục tỷ USD đã được triển khai thực hiện. Điều đáng mừng là mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các nhà đầu tư vẫn quan tâm và đặt niềm tin trong việc đầu tư vào Việt Nam, nơi có nền kinh tế ổn định, môi trường đầu tư hấp dẫn và cởi mở.

Thực tế hiện nay, việc trông chờ vào ngân sách và tài trợ ODA của chúng ta chỉ ở mức độ vì tới đây thu nhập bình quân của Việt Nam là 1.000 USD/đầu người. Do đó, viện trợ có tính ưu đãi sẽ ít đi. Và để có thể đạt mục tiêu trở thành nước CNH-HĐH vào năm 2010 thì cần có sự quan tâm, góp sức của toàn xã hội, của các nhà tài trợ ODA, các tổ chức tài chính quốc tế và đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.

Nhưng thực tế, các doanh nghiệp chưa mặn mà với đầu tư hạ tầng đô thị…?

Thực ra, không hoàn toàn như vậy. Đã có những doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng nhưng ở mức độ khá khiêm tốn. Ví dụ như trong việc xử lý nước thải rắn, vấn đề cấp thoát nước... hiện nay đã có doanh nghiệp nước ngoài làm nhưng hạn chế về vốn và quy mô.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ, có vốn hạn chế thì sẽ gặp khó khăn vì lĩnh vực này đòi hỏi vốn lớn và vấn đề hoàn vốn là không đơn giản. Vì vậy, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới hấp dẫn được họ.

Theo ông, chúng ta cần có những đột phá gì trong kêu gọi đầu tư?

Chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cần tập trung vào các hình thức BOT, BTO, BT vì đó là cơ hội để doanh nghiệp đầu tư, có sự lựa chọn tốt hơn và chủ động hơn. Bên cạnh đó, cần có có sự cam kết của Nhà nước, đây là vấn đề mà các doanh nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Tại hội nghị kêu gọi đầu tư lĩnh vực hạ tầng đô thị lần này, xin ông cho biết, Việt Nam muốn ưu tiên những dự án nào?

Đó là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị quan trọng và cấp thiết trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với tổng mức vốn dự kiến khoảng 12 tỷ USD. Đây là các dự án thuộc lĩnh vực giao thông đô thị, cấp nước sạch, thoát nước, xử lý chất chất thải rắn; phát triển khu đô thị… đã được các cơ quan thẩm quyền trung ương và địa phương chuẩn bị và đề xuất.

Xin cảm ơn ông!

Lan Hương