1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kết thúc thu phí sớm, TPHCM phải bù hàng trăm tỷ đồng

(Dân trí) - Để sớm kết thúc thu phí tại trạm Xa lộ Hà Nội (XLHN) và Kinh Dương Vương, TPHCM phải bù cho chủ đầu tư dự án theo hợp đồng chuyển nhượng quyền quản lý, thu phí giao thông đường Điện Biên Phủ và đường Hùng Vương nối dài (nay là Kinh Dương Vương).

Kết thúc thu phí sớm, TPHCM phải bù hàng trăm tỷ đồng
Từ ngày 1/6, trạm XLHN sẽ ngừng thu cho dự án Điện Biên Phủ mở rộng, quay sang thu cho dự án cầu Rạch Chiếc; tức là mọi việc không có gì thay đổi

Thu 12 năm vẫn thiếu 170 tỷ đồng

Theo hợp đồng chuyển nhượng trên, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) sẽ được thu phí tại 2 trạm trên từ ngày 5/9/2001. Thời gian kết thúc thu phí trạm Kinh Dương Vương là ngày 31/8/2014 và tại trạm XLHN là ngày 31/12/2013.

Khi sắp kết thúc thời gian thu phí cho 2 công trình trên, UBND TP đồng ý cho CII tiếp tục đầu tư xây dựng cầu Rạch Chiếc trên XLHN theo phương thức BOT (Xây dựng – Khai thác – Chuyển giao). Theo hợp đồng này, khi kết thúc việc thu phí cho dự án mở rộng đường Điện Biên Phủ sẽ chuyển sang thu phí cho cầu Rạch Chiếc ngay tại trạm XLHN.

Tháng 7/2012, cầu Rạch Chiếc đã hoàn thành và cho thông xe, vượt tiến độ 9 tháng. Tuy nhiên, điều này làm nảy sinh gánh nặng cho thành phố là trả lãi phát sinh trong thời gian chờ thu phí và chi phí bảo trì công trình lên đến 150 tỷ đồng/năm. Trước tình hình đó, UBND TP đã kiến nghị HĐND TP cho phép kết thúc sớm việc thu phí cho công trình Điện Biên Phủ mở rộng và Hùng Vương nối dài vào ngày 31/3/2013.

Do kết thúc thu phí sớm nên theo tính toán, đến hết quý I/2013, 2 trạm này mới thu được hơn 1.950 tỷ đồng trên số phải thu theo hợp đồng là gần 2.200 tỷ đồng. TPHCM phải bù cho chủ đầu tư con số chưa đạt đó. Theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP, số tiền TP phải bù cho chủ đầu tư là khoảng 170 tỷ đồng để kết thúc thu phí sớm hơn vài tháng.

Theo chủ trương của HĐND TP tại thời điểm chuyển quyền thu phí cho CII là chấp thuận thu phí giao thông trên vị trí này để thu phí hoàn vốn cho việc đầu tư xây dựng công trình đường Điện Biên Phủ mở rộng và Hùng Vương nối dài, đồng thời có tích lũy để tiếp tục xây dựng các công trình phúc lợi khác. Tuy nhiên, TP “bán” cho CII 2 dự án này với giá 1.000 tỷ đồng; sau 12 năm thu phí, TP vẫn phải bù lại cho CII khoảng 170 tỷ đồng mà không dư được đồng nào để đầu tư cho công trình khác.

Lại thu thêm 12 năm cho công trình khác

Ngày 27/5, CII đã tổ chức họp báo công bố quyết định của UBND TP cho phép CII kết thúc việc thu phí giao thông cho dự án Điện Biên Phủ mở rộng và Hùng Vương kéo dài tại trạm Kinh Dương Vương từ 12h ngày 31/3/2013 (đã thực hiện), tại trạm XLHN từ 24h ngày 31/5/2013.

Tuy nhiên, bắt đầu ngay từ 0h ngày 1/6/2013, trạm thu phí XLHN sẽ thực hiện thu phí hoàn vốn cho dự án cầu Rạch Chiếc nên thực tế là trạm này không hề dừng một phút nào. Mức thu cho dự án mới này vẫn bằng mức cũ. Có 1 điểm khác là các xe đi về hướng cảng Cát Lái sẽ không được hoàn phí nữa. ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho biết: “Bất cứ phương tiện nào sử dụng cầu Rạch Chiếc đều phải phải đóng phí tại đây”.

Cũng theo ông Bình thì thời gian thu phí tại trạm XLHN cho dự án cầu Rạch Chiếc tạm tính là 12 năm. Ông cho biết: “Thời gian thu phí có thể thay đổi theo lưu lượng giao thông thực tế”.

Tại buổi họp báo, Dân trí cũng chất vấn chủ đầu tư khoảng phí thu trong 2 tháng vừa qua tại trạm XLHN được tính vào đâu? Bởi theo tính toán ban đầu, việc dừng thu phí tại trạm này sẽ thực hiện từ ngày 31/3/2013, nhưng do 1 số lỗi phát sinh nên thực tế là đến ngày 31/5 mới kết thúc. Trong 2 tháng này, số thu tại trạm cũng khoảng 20 tỷ đồng.

Trả lời Dân trí, ông Lê Quốc Bình cho biết: “Khoảng thu này sẽ tính vào hợp đồng cũ (tức là dự án mở rộng đường Điện Biên Phủ - PV)”. Ông Ngô Hải Đường, Phó phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TPHCM) giải thích thêm: “Trong quyết định của thành phố cũng đã giao cho Sở Tài chính làm việc với chủ đầu tư để đàm phán lại việc kết thúc hợp đồng cũ”.

Tùng Nguyên