Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là thước đo sự cống hiến của lãnh đạo cấp cao
(Dân trí) - Tổng kết nhiệm kỳ 5 năm của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu bật hoạt động giám sát, trong đó có việc lấy phiếu tín nhiệm những lãnh đạo giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn…
Báo cáo công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp 11 diễn ra sáng nay, 24/3/2021.
Thước đo hiệu quả và động lực cống hiến
Về hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội khái quát, trong nhiệm kỳ, đây là nội dung được tăng cường, có sự đổi mới, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri đánh giá cao.
Các khía cạnh được tập trung giám sát là việc xem xét báo cáo của các cơ quan để đảm bảo tổ chức và thực hiện Hiến pháp, luật, các nghị quyết của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội đã đi sâu phân tích, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém để có giải pháp khắc phục.
Giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, lựa chọn "trúng" và "đúng" vấn đề.
Một khía cạnh khác, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, là nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và người dân cả nước. Các nhóm vấn đề chất vấn được xem xét, cân nhắc lựa chọn kỹ, là những vấn đề lớn, bức xúc nổi lên trong đời sống. Cách thức chất vấn và trả lời chất vấn được cải tiến theo hướng "hỏi nhanh, đáp gọn", đã tạo điều kiện để tăng số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, nâng cao chất lượng câu hỏi và câu trả lời, làm rõ được trách nhiệm của người được chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề cập việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Hoạt động này, theo lãnh đạo Quốc hội, được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số 85 năm 2014 của Quốc hội, góp phần tiếp tục phát huy dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử cũng như trong đời sống xã hội.
Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành nghiêm túc, công khai, minh bạch, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Việc thảo luận, đánh giá thận trọng, khách quan, công tâm.
"Kết quả lấy phiếu tín nhiệm không chỉ là "thước đo" hiệu quả hoạt động của người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; mà còn là nguồn động lực để những người được tín nhiệm cao tiếp tục phát huy, cống hiến, những người chưa được tín nhiệm cao phấn đấu khắc phục khuyết điểm, nâng cao hiệu quả công việc" - Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Ngoài ra, hoạt động giám sát của UB Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các UB của Quốc hội, các đoàn đại biểu cũng như của cá nhân các đại biểu quốc hội tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến rõ rệt. Hoạt động giám sát hướng tới những vấn đề "nóng", mới, thiết thực phát sinh trong đời sống người dân.
Thành công toàn diện
Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua đã có 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được thông qua. Kết quả này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tổng số 494 đại biểu được bầu từ đầu nhiệm kỳ đã cơ bản bảo đảm yêu cầu về số lượng, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định. Thời điểm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội còn lại 481 đại biểu do 5 người đã được cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu, 5 người từ trần, 2 người mất quyền đại biểu và 1 người phải bãi nhiệm.
5 năm qua Quốc hội cũng xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, phát triển vùng miền núi đồng bào dân tộc, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội đề cao việc bảo đảm tính tổng thể, gắn kết chặt chẽ giữa yêu cầu nhiệm vụ với nguồn lực thực hiện khi xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, hệ thống kế hoạch trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.
Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Quốc hội vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã thành công với những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước đến ngoại giao nghị viện đã góp phần đưa đất nước vững bước vượt qua khó khăn, tạo ra những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân, đóng góp lớn vào những thành tựu vô cùng ý nghĩa của công cuộc gần 35 năm đổi mới, làm giàu thêm truyền thống 75 năm vẻ vang của Quốc hội.
"Mỗi đại biểu Quốc hội có quyền tự hào về những thành tựu đó cũng như những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ của mình. Thành quả và niềm vinh dự lớn nhất đối với đại biểu Quốc hội chúng ta chính là sự ghi nhận, tin tưởng, chia sẻ, ủng hộ, đồng hành xuyên suốt của cử tri, Nhân dân trong mọi hoạt động của Quốc hội thời gian qua" - Chủ tịch Quốc hội nói.