Kết luận thanh tra đất đai tại Đà Nẵng, Bộ Tư pháp khẳng định: Đủ cơ sở pháp lý
Sau khi rà soát, Bộ Tư pháp có công văn báo cáo Thủ tướng, tiếp tục khẳng định những kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm đất đai của Đà Nẵng là có đủ cơ sở pháp lý.
Tại nhiều dự án, UBND TP Đà Nẵng đã giao cho BQL dự án, các Cty (làm trung gian) ký hợp đồng chuyển nhượng cho các nhà đầu tư - ảnh: Thanh Hải
Bộ Tư pháp vừa có Công văn (số 1547/BTP-PLDSKT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc rà soát tính pháp lý đối với một số nội dung của kết luận (số 2852/KL-TTCP, ngày 2/11/2012) của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, thanh tra một số dự án đầu tư tại Đà Nẵng...
Theo đó, khẳng định các kết luận của TTCP là đủ cơ sở pháp lý.
Trước đó, khi TTCP công bố kết luận về hàng loạt sai phạm đất đai tại Đà Nẵng, gây thất thoát ở 6/46 dự án thanh tra với số tiền lên trên 3.400 tỉ đồng; nhiều chủ trương, quyết định của UBND TP Đà Nẵng liên quan đến việc giao đất, cấp đất, giảm 10% tiền sử dụng đất cho một số đối tượng... là trái pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo một số bộ, ngành Trung ương vào cuộc để rà soát, tiếp tục làm rõ. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Văn Hữu Chiến (ngày 8/1/2013) cũng lập tức có công văn phản hồi, bác bỏ hàng loạt nội dung của kết luận TTCP. Ông Chiến khẳng định một số chủ trương, chính sách của Đà Nẵng thực hiện là đúng luật pháp.
Tuy vậy, sau khi rà soát, tại công văn báo cáo Thủ tướng của Bộ Tư pháp lần này, lại tiếp tục khẳng định những kết luận của TTCP về sai phạm đất đai của Đà Nẵng là có đủ cơ sở pháp lý.
Việc Đà Nẵng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với 44 dự án (TTCP kiểm tra, phát hiện) là trái với khoản 2 điều 61 Nghị định 181 CP. Cho nên kết luận của TTCP là có cơ sở pháp lý. Việc sử dụng hình thức ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, UBND TP.Đà Nẵng giao cho các ban quản lý dự án hoặc các Cty (làm trung gian) ký hợp đồng chuyển nhượng cho các nhà đầu tư là trái với quy định của pháp luật tại khoản 1 Điều 4 Luật Đất đai năm 2003. Hành vi này của UBND TP.Đà Nẵng còn vi phạm khoản 4 Điều 37 Luật Đất đai năm 2003 - cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, không được phép uỷ quyền cho người khác.
Tương tự, các vấn đề về việc giao đất, cho thuê đất; thời gian công khai trước khi tiến hành đấu giá đất; việc UBND TP.Đà Nẵng quyết định giá thu tiền sử dụng đất thấp hơn bảng giá đất do UBND TP ban hành; việc giảm tiền sử dụng đất cho một số đối tượng (10%)... là trái với pháp luật. Vì vậy, kết luận của TTCP về những sai phạm đất đai ở Đà Nẵng (tại kết luận số 2852/KL-TTCP, ngày 2/11/2012) là đủ cơ sở pháp luật.
Theo Thanh Hải - Duy Hưng
Lao Động