1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kết luận của Cục Hàng không có bênh “người nhà”?

(Dân trí) - Trong vụ lùm xùm trên máy bay, Cục Hàng không khẳng định HLV Lê Minh Khương gây rối và phạt hành chính còn tiếp viên, nhân viên mặt đất và an ninh sân bay được xác nhận là “vô tội”. Dư luận đặt câu hỏi, liệu có chuyện bênh “người nhà” trong vụ việc này?

Chiều 24/5, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định xử phạt hành chính 2 triệu đồng đối với ông Khương và khẳng định sẽ cưỡng chế nếu ông Khương không thi hành.

Dư luận xã hội lại một lần nữa xôn xao với nhiều nghi ngại sau khi quyết định xử phạt ông Khương được công bố. Những câu hỏi xung quanh về sự công bằng, khách quan của Cục Hàng không được đặt ra trong vụ việc liên quan đến “người nhà”.
 
Kết luận của Cục Hàng không có bênh “người nhà”? - 1

Cục Hàng không kết luận ông Khương vi phạm nhưng quên đi trách nhiệm của mình?

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam “dự liệu”, có thể kết luận này không làm vừa lòng tất cả cộng đồng công chúng đông đảo, nhưng Cục Hàng không đã tiến hành thanh tra đúng quy trình quy định. “Chúng tôi không chịu bất kỳ áp lực hay yếu tố nào chi phối. Chúng tôi đã làm việc rất nghiêm túc để đưa ra kết luận cuối cùng như đã công bố một cách khách quan và công bằng” - Phó Cục trưởng Lại Xuân Thanh trao đổi.

Theo Luật hàng không Việt Nam, máy bay lăn bánh trên đường băng tức là đã bắt đầu bay. Chuyến bay VN1169 đêm 18/4, theo tường trình của tiếp viên trưởng Nguyễn Thị Hoa, sau khi nhân viên mặt đất thông báo đã hoàn tất tài liệu thủ tục cất cánh, tiếp viên này nhìn thấy khoang khách mọi thứ đều ổn và báo cáo cơ trưởng cho máy bay khởi hành.

Khi máy bay đang lăn bánh (tức là đã bắt đầu bay - PV) để chuẩn bị ra đường băng cất cánh, tiếp viên kiểm tra khoang khách mới phát hiện hành khách Lê Minh Khương ngồi trên khoang hạng thương gia. Ông Khương đã không chấp hành yêu cầu trở về chỗ của mình ở khoang Y với lý do đòi thẻ lên tàu của mình đã đưa cho nhân viên mặt đất.

Nhiều ý kiến cho rằng việc to tiếng của hành khách (nếu có) có nguyên nhân từ sự dồn nén những ức chế của ông Khương khi không nhận được cách giải quyết thỏa đáng.

Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân nhận xét: “Tôi đã theo dõi vụ việc này từ đầu và thấy rằng kết luận Cục Hàng không đưa ra không thuyết phục”.

Luật sư Trần ĐìnhTriển phân tích, mấu chốt của sự việc là cái thẻ lên tàu bay. Rõ ràng nhân viên hàng không có lỗi vì làm mất thẻ của ông Khương nhưng không hề bị xử phạt hay chí ít là cảnh cáo, đó là điều không công bằng.
 
Kết luận của Cục Hàng không có bênh “người nhà”? - 2
Luật sư Trần Đình Triển (ảnh: Internet)

Ngoài ra, việc cưỡng chế của an ninh sân bay đối với ông Khương cũng chưa cần thiết phải dùng biện pháp mạnh, hành vi an ninh dứ dứ bộ đàm vào mặt ông Khương vô hình chung cũng là 1 hành vi đe dọa.

Quá trình lật lại vụ việc, ông Khương đã trông chờ, bấu víu vào cơ quan quản lý Nhà nước là Cục Hàng không để mong tìm được công bằng nhưng kết luận ông ấy nhận được là sự thất vọng. Cục Hàng không chỉ “định tội” hành khách mà quên đi trách nhiệm của những người khác liên quan, quên đi trách nhiệm của chính mình nên đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.

“Theo tôi, nếu ông Khương có khiếu nại, khiếu kiện về kết luận và quyết định xử phạt của Cục Hàng không thì cần thiết phải có sự can thiệp của một cơ quan độc lập khác thì mới công bằng và khách quan. Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ nên xem xét về sự việc này” - Luật sư Trần Đình Triển nhận xét.

Quỳnh Anh