Kết cục buồn của những lao động nghèo
(Dân trí) - 5 chiếc quan tài nằm xếp hàng trong khói hương nghi ngút gần những lò gạch cũ nát. Những người chồng mất vợ, con mất mẹ và cụ già mất con vật vã bên những quan tài suốt đêm. Ngoài bờ đê, những chiếc xe tang đã đợi sẵn, nhưng họ vẫn chưa thể đưa người nhà đi mai táng.
Tai nạn kinh hoàng
Ngày 8/1, cả xã Châu Can (Phú Xuyên, Hà Tây) như chìm trong bầu không khi tang tóc. Hàng trăm người dân trong xã đã tập trung ở khu vực lò gạch để chia buồn với gia đình có người nhà bị nạn.
Nỗi kinh hoàng vẫn chưa hết trên khuôn mặt những người chứng kiến tai họa chiều 7/1. Anh Bắc, một trong số những người đến sớm nhất kể lại: “Khoảng 3 giờ 10 thì nghe một tiếng ầm khủng khiếp. Toàn bộ bức tường phía Đông của chiếc lò gạch chiều dài khoảng 10m cao 6m với sức nặng lên đến hàng chục tấn đã đổ sập vào phía trong lò gạch. Chúng tôi vội chạy lại bới đống gạch để cứu nạn. Nhưng cũng phải mất một lúc lâu mới đưa ra được những thi thể đã bầm dập".
Có mặt tại hiện trường sau 12 giờ đồng hồ kể từ khi tai nạn xảy ra, chúng tôi nhận thấy: Trong đống gạch non vỡ vụn còn nguyên những đôi quang gách, và những chai nước của những nạn nhân. Ngay dưới khoảng đất trống dưới chân lò, 5 nạn nhân xâu số đã được khâm liệm trong 5 chiếc quan tài xếp thành hàng trong chiếc lều bạt không che hết ánh nắng. Tiếng những cụ già khóc con, những đứa trẻ kêu gào vì mất mẹ xen lẫn tiếng kèn, tiếng nhị càng làm cho không khí thêm ai oán.
Lúc bức tường đổ, trong lò có khoảng chục phụ nữ cặm cụi lao động, 5 người đã bị gạch đè chết tại chỗ, 6 người khác phải đi viện trong tình trạng bị thương nặng, một người đã chết ngay trên đường đi viện.
Chị Nguyễn Thị Ninh, người may mắn thoát nạn vì làm việc bên ngoài kể: “Tôi chỉ kịp nghe thấy âm thanh kêu “ầm” rất to, ngước nhìn lên thì cả bức tường vỏ lò gạch cao chừng 6m sụt xuống dưới. Bụi bay mù mịt, cùng lúc đó là tiếng kêu gào thảm thiết của các nạn nhân bên trong. Em hô hoán cho mọi người sống xung quanh biết để cứu… Nhưng do gạch quá nặng nên những người bên trong đều tử nạn”.
Cháu Bùi Văn Thắng, con trai của nạn nhân Hoàng Thị Nền (43 tuổi) nghẹn ngào: “Hôm qua, cháu vừa đi học về đến nhà thì cô cháu chạy đến báo tin sập lò gạch chỗ mẹ cháu làm, cháu chạy ra đến nơi thì thấy cả người mẹ cháu đã thấm đầy máu và bụi gạch”.
Cháu Bùi Văn Thắng với khuôn mặt thẫn thờ vì mất mẹ. |
Anh Bùi Văn Lợi, chồng chị Nền cho biết, "thi thể của vợ tôi bị vùi sâu trong đống đổ nát, đầu vỡ hết, xương chân tay gẫy hết, người bê bết máu”. Anh Lợi còn cho biết, "nhà 5 miệng ăn quanh năm chỉ trông vào mấy sào ruộng. Tôi thì yếu không làm được, chì có “mẹ nó” là tần tảo nuôi cả gia đình. Hết mùa vụ là lại ra lò gạch gánh thuê kiếm tiền về cho con đóng học. Tai nạn giáng xuống bất ngờ quá, cha con tôi biết phải làm sao bây giờ".
Ngồi thẫn thờ bên chiếc quan tài của người con dâu xấu số (chị Nguyễn Thị Mai, 29 tuổi), ông Nguyễn Văn Thạc (65 tuổi) kể giọng buồn buồn: “Chồng nó từ khi nhìn thấy xác vợ bê bết máu, không chịu nổi ngất ngay tại chỗ, hai đứa con đứa 9 tuổi, đứa mới 7 tuổi thơ dại không biết gì…Tôi lại phải vác thân già ra đây ngồi với nó cho đỡ lạnh lẽo”.
Anh Nguyễn Văn Tiến, con trai của nạn nhân lớn tuổi nhất (bà Vũ Thị Loan, 52 tuổi) nói trong nước mắt: “Mẹ em khổ lắm anh ơi! Cả đời vất vả vì các con, đến khi qua đời cũng không có ai bên cạnh…Đến lúc em chạy ra đến nơi thì khuôn mặt của mẹ đã bi gạch đè nát hết cả”.
Anh Nguyễn Văn Tiến ngồi lọt thỏm giữa hai chiếc quan tài khóc mẹ. |
Chưa thể mai táng
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, tất cả các nạn nhân thiệt mạng đều có hoàn cảnh hết gia đình hết sức khó khăn, họ là những lao động chính trong gia đình. Người ít nhất cũng có đến 5 năm làm nghề gánh gạch. Họ đều là những lao động làm thuê dưới hình thức hợp đồng miệng với anh Nguyễn Văn Đủ, sinh năm 1972, ở xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên. Trong số 6-7 lò ở khu vực này thì lò ông Đủ lớn nhất với tổng 22 phụ nữ làm công.
Công việc của họ cũng vô cùng vất vả, chủ yếu là gánh gạch. Hết vào lò lại ra lò. Tiền công được trả theo ngày với số tiền rất rẻ mạt từ 25 - 35 nghìn đồng/9 tiếng lao động quần quật. Biết là vất vả nhưng vì ở quê chẳng biết làm gì nên họ đành cố.
Một người có kinh nghiệm trong nghề làm gạch cho biết, chiếc lò này đã xuống cấp nhưng chủ lò vẫn cố sử dụng nên tai nạn đã xảy ra.
Hiện nay, chủ lò gạch là Nguyễn Văn Đủ đang bị tạm giữ hành chính tại Công an huyện Phú Xuyên. Vụ tai nạn kinh hoàng này do Sở LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với lực lượng công an điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Nhưng theo xác minh ban đầu do lò gạch này được xây dựng từ khá lâu (2002), bên trong than lò không hề có thép hay gỗ giằng. Tường vỏ lò gạch yếu, chủ yếu được xây bằng bùn. Thời tiết hanh khô, tính kết dính của bùn không chịu được trọng lượng của hàng vạn viên gạch nên đã sập đổ…”.
Đến chiều ngày 8/1, các gia đình có người nhà bị chết đã nhận được 3 triệu đồng trợ cấp của tỉnh, 2 triệu của huyện và 1 triệu đồng của xã. Các gia đình có người nhà bị thương đã nhận được 1 triệu, huyện 1 triệu và xã 500.000đ. Về phía chủ lò gạch, vẫn chưa có thông tin chính thức về trách nhiệm cũng như tiền bồi thường cho các nạn nhân. Một đại diện cho các người nhà nạn nhân bức xúc: “Chúng tôi yêu cầu đích thân người chủ phải đứng ra nhận trách nhiệm, ký vào biên bản đền bù cho gia đình nạn nhân. Nếu không chúng tôi sẽ tiếp tục để người nhà nằm ở đây”.
Trao đổi với báo chí, ông Chu Phú Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, đây là tai nạn rất nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn về con người. Sáng ngày 8/1 Công an tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh kết hợp ngành lao động đang điều tra để đưa ra kết quả, trên cơ sở đó sẽ đưa ra biện pháp xử lý nghiêm theo pháp luật. Hiện tại, trên địa bàn huyện có khoảng 50 lò gạch vi phạm các quy định về đê điều và an toàn lao động đang hoạt động.
Danh sách các nạn nhân tử nạn
1. Nguyễn Thị Mai (29 tuổi), ở thôn Cổ Trai, Đại Xuyên, Phú Xuyên, Hà Tây.
2. Nguyễn Thị Lấn (40 tuổi), ở thôn Tư Can, Châu Can, Phú Xuyên, Hà Tây.
3. Vũ Thị Loan (52 tuổi), ở làng Dâu, Châu Can, Phú Xuyên, Hà Tây.
4. Hoàng Thị Nền (43 tuổi), ở thôn Tư Can, Châu Can, Phú Xuyên, Hà Tây.
5. Nguyễn Thị Thi (44 tuổi), ở thôn Tư Can, Châu Can, Phú Xuyên, Hà Tây.
6. Trần Thị Tập (46 tuổi) ở thôn Tư Can, Châu Can, Phú Xuyên, Hà Tây. |
Thái Bình