1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Kết cấu hạ tầng ngày càng quá tải

(Dân trí) - Ngày 4/10, Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa IX, nhiệm kỳ 2010-2015 bước vào phiên trù bị. Trong dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội, Ban chấp hành Đảng bộ thẳng thắn thừa nhận tình trạng kết cấu hạ tầng của TP ngày càng quá tải, gây bức xúc cho nhân dân.

Kết cấu hạ tầng ngày càng quá tải - 1
TP phát triển mạnh nhưng quy hoạch chưa theo kịp dẫn đến quá tải hạ tầng

Quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển
 
Ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị

3 trong 6 chương trình đột phá của nhiệm kỳ tới do Ban chấp hành Đảng bộ TP đề ra, đều liên quan đến phát triển hạ tầng đô thị.

Chương trình đầu tiên là giảm ùn tắc giao thông.
Mục tiêu chính là phát triển mạng lưới giao thông và vận tải hành khách công cộng. Chương trình thứ 2 là giảm ngập nước với quyết tâm giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm TP (khoảng 100 km2). Chương trình thứ 3 là giảm ô nhiễm môi trường tập trung kiểm soát và khắc phục những nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng; cải thiện mảng xanh đô thị…
Trong phần kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP khóa VIII, nêu rõ: “Quản lý và phát triển đô thị đạt một số kết quả nhất định, góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại”.
 
Những thành tựu chính yếu trong công tác phát triển đô thị thời gian qua là nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, làm cơ sở để tiến hành đồng bộ các giải pháp xử lý căn cơ kết cấu hạ tầng đô thị về giao thông, cấp nước, thoát nước, cải thiện môi trường; phát triển khu đô thị mới được tiến hành đồng thời với chỉnh trang đô thị hiện hữu; Công tác quản lý, bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường được chú trọng…
 
Tuy nhiên, trong phần hạn chế, Ban chấp hành Đảng bộ TP thẳng thắn thừa nhận: “Kết cấu hạ tầng ngày càng quá tải, gây bức xúc cho nhân dân, cản trở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện dân sinh; quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển”.
 
Trong đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý đô thị chưa đáp ứng yêu cầu. Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố, quy hoạch chi tiết quận - huyện còn chậm, chất lượng chưa cao; tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng tại nhiều công trình kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và cuộc sống người dân…

Việc đầu tư xây dựng kết cầu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm, các công trình kết cấu hạ tầng nối kết với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thực hiện chậm, thiếu đồng bộ.

Ngoài ra, sự gia tăng dân số cơ học và phương tiện giao thông cá nhân quá nhanh dẫn đến sự quá tải kết cấu hạ tầng vốn đã yếu kém, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường,… ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội, cản trở tăng trưởng kinh tế, cải thiện dân sinh và bảo vệ môi trường.

Hướng đến phát triển đô thị bền vững
 
Từ thực tế trên, Ban chấp hành Đảng bộ TP đề ra nhiệm vụ phấn đấu xây dựng TPHCM trở thành một thành phố Xã hội chủ nghĩa Văn minh, Hiện đại; tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển bền vững trong thời gian từ nay đến năm 2015 và phấn đấu đến năm 2020.

Để làm được điều đó, ngoài việc phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của TP để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa – giáo dục, quốc phòng – an ninh... thì phát triển đô thị bền vững là một mục tiêu lớn mà Đảng bộ TP yêu cầu phải đẩy mạnh trong thời gian tới.

Trong đó, mục tiêu đầu tiên là tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch – kiến trúc, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị gắn với quy hoạch, kế hoạch và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đảng bộ TP cũng đề ra mục tiêu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu đô thị mới (Thủ Thiêm, Tây Bắc và Hiệp Phước) và các chương trình đột phá liên quan kết cấu hạ tầng để giải quyết vấn đề bố trí dân cư và nhà ở cho nhân dân, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường...

Hướng chính trong phát triển sắp tới là nâng cao chất lượng các dịch vụ đô thị theo hướng xã hội hóa. Chủ động phối hợp với các bộ - ngành Trung ương và các địa phương liên quan có giải pháp hiệu quả để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng...

 Tùng Nguyên

Bình luận (0)
để gửi bình luận