"Chạy đua" với Sơn Tinh: Kéo thuyền lên đường, hạ mái xuống đất
(Dân trí) - Bão số 3 hay còn gọi là bão Sơn Tinh đang di chuyển nhanh và được dự báo sẽ đổ bộ trực tiếp vào đất liền khu vực Nam Thanh Hóa, Bắc Nghệ An. Các địa phương ven biển đang gấp rút chuẩn bị ứng phó với bão. Sầm Sơn, Cửa Lò vốn đông nghịt khách du lịch hôm nay đã vắng bóng người tắm.
Tính đến 7h ngày 18/7, mưa lũ đã khiến hơn13.000 ha lúa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngập úng gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, diện tích lúa ngập trắng trên 4.230 ha.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thành lập đoàn công tác do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền làm trưởng đoàn xuống các huyện có diện tích lúa bị ngập lớn để kiểm tra, chỉ đạo công tác tiêu úng, ứng phó với diễn biến của mưa lũ.
Cũng theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa: mưa lũ trong những ngày vừa qua đã làm 2 ngư dân bị mất tích; gần 1.000 ha hoa màu và hơn 100 ha thủy sản bị ngập.
Cùng với đó, các địa phương ven biển của tỉnh Thanh Hóa cũng đang gấp rút đưa tàu thuyền lên bờ, vào nơi trú ẩn an toàn. Nhiều tài sản cũng đã được di chuyển đến nơi an toàn phòng khi bão đổ bộ.
Ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã trực tiếp đến huyện Tĩnh Gia để thị sát và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3.
Các hàng quán ven biển thu dọn khẩn trương.
Biển hôm nay đã vắng bóng du khách, chỉ còn những người dân hối hả chống bão.
Thuyền được kéo lên cao.
Ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo công tác phòng chống bão tại huyện Tĩnh Gia.
Tại khu vực ven biển TX Cửa Lò và Cửa Hội cũng như các vùng phủ cận như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai… (Nghệ An), các hộ dân cũng đang hối hả chằng néo nhà cửa, dùng bao tải cát để che chắn đối phó với bão số 3.
"Hàng trăm ki ốt bán hàng của chúng tôi dọc bãi biển đều phải dỡ mái tôn để tránh bão, nếu gió có quật mạnh thì cũng đỡ hư hỏng. Hy vọng bão vào nhỏ thôi", một người dân thị xã Cửa Lò cho biết.
Tại huyện Diễn Châu, trong 3 ngày qua, tổng lượng mưa ở đây đạt trên 200mm, gây ngập úng trên 3.000 ha cây trồng. Do trên sông Bùng đang xây dựng cống ngăn mặn, phải đắp đê quai ngăn nước thi công nên lượng nước dồn về rất lớn.
Để đảm bảo an toàn cho công trình và cứu lúa bị ngập lụt, huyện Diễn châu đã tiến hành phá 2 đê quai ngăn nước và đưa vào vận hành cống Diễn Thành để tiêu nước. Trong quá trình vận hành, do dòng chảy lớn đã làm sạt khoảng 300m3 đất đá thuộc bờ nam của cống.
Để khắc phục tình trạng này, UBND huyện Diễn Châu đã khẩn trương chỉ đạo đơn vị thi công tiến hành đổ gần 300m3 đá hộc vào vùng bị sạt, đồng thời làm việc với chính quyền địa phương 2 xã Diễn Thành và Thị trấn cùng với 5 hộ dân nằm gần vùng sạt lở, tiến hành di dời 1 hộ và có giải pháp để di dời các hộ còn lại.
Theo báo cáo, thì huyện Diễn Châu sẽ di dời 312 hộ dân vùng xung yếu thuộc 5 xã ven biển dự kiến xong trước 15h ngày hôm nay.
Ông Chu Thế Huyền - Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho PV Dân trí biết: "Chúng tôi đang theo dõi diễn biến của bão số 3. Sẽ sơ tán 312 hộ ngoài đê với 745 người gồm các xã như: Diễn Hải, Diễn Kim, Diễn Thành, Diễn Thịnh và Diễn Trung".
Những bao tải cát được để che chắn trước các ki ốt.
Duy Tuyên - Nguyễn Duy