Kẽo kẹt phu đêm

(Dân trí) - 2h sáng, chợ đầu mối Phú Hậu bắt đầu hoạt động. Người buôn kẻ bán từ các ngả đường kéo về. Những chuyến xe tải từ Hà Nội vào, từ Đà Lạt ra mang theo hàng tấn rau quả dần tập kết. Đây là thời điểm bắt đầu công việc của các cửu vạn.

Nhọc nhằn phu đêm

Kẽo kẹt phu đêm - 1

 
Ở thành phố Huế, Đông Ba và Phú Hậu (tổ 12, phường Phú Hậu, TP Huế) là hai chợ đầu mối lớn. Trước đây chỉ có chợ Đông Ba hoạt động; từ tháng 5/2006, chợ được chuyển về vùng bãi Dâu thuộc phường Phú Hậu nhằm hạn chế ô nhiễm cho thành phố. Lưu lượng hàng hóa tập kết và chuyển đi lớn nên rất cần đến lực lượng phu chở hàng, bốc vác.

 

Anh Lưu, một phu hàng cho biết, thường có 2 tổ trên 30 người thuộc nghiệp đoàn bốc vác chia ca bốc dỡ hàng ở chợ Đông Ba và Phú Hậu. Các thành viên chỉ việc bốc hàng cho các quầy trong chợ và báo lại với bộ phận thu tiền. Số tiền thu vào buổi sáng sẽ được chia đều cho từng thành viên trong nghiệp đoàn.

 

Hỏi thăm những phu bốc vác, tôi biết còn rất đông bộ phận phu hàng là những người không vào “biên chế”. Họ là những người không có việc làm ổn định, nhà nghèo phải chấp nhận làm phu bám chợ kiếm sống qua ngày.

 

Ông Nguyễn Văn Hoạt, 68 tuổi, chủ một quán nước bên chợ, kể: “Cả chợ này ước ra cũng phải gần 100 người làm phu kéo hàng, già trẻ, gái trai chi cũng có, phần đông là phu tự do”.

 

Không khó để nhận ra các phu kéo hàng trong khu chợ đông đúc này. Với một chiếc xe kéo tay, khuôn mặt hốc hác vì thức đêm và làm việc nặng, áo quần nhếch nhác, họ luôn chân luôn tay trong những hẻm chợ. Trong ánh đèn nhập nhoạng, họ bốc rau quả từ các xe tải xuống, chất đầy một chiếc xe nhỏ, kẽo kẹt kéo, luồn lách trên những con đường nhỏ nhầy nhụa bùn đất...

 

Hàng qua tay họ mới về được chợ Phú Hậu và từ chợ này ra các chuyến xe xuôi về các vùng quanh Huế, Quảng Trị, Ba Đồn… Hàng cần vận chuyển gần chợ đã có phu tay, những lô hàng chở về các chợ lân cận thường cần đến xích lô hoặc xe thồ. Vì vậy, xung quanh chợ cũng có rất đông lực lượng này tập trung kiếm việc làm.

 

Anh Lê Văn Tí, một tài xích lô, cho biết: “Ban ngày chở khách, đến sáng, tui tranh thủ về chợ chạy hàng kiếm thêm thu nhập, cực nhưng mà có cái ăn cho gia đình”.

 

Làm phu chợ đêm có không ít những phụ nữ tuổi đã quá 50, cũng có những cô gái mới đôi mươi. Phan Thị Ngân 21 tuổi, phu nữ trẻ nhất trong chợ, tâm sự: “Em theo bác trai đi làm đã mấy ngày nay, nhà em ở khu chung cư Phú Hậu, trước mẹ em đi làm nhưng mấy hôm nay bị ốm nên em phải đi thay”. Dứt lời Ngân nhanh tay cõng mấy bì củ cải to bằng người xuống xe. Tay yếu, mấy lần cô gái bị cả bì tải nặng đè gập người xuống.

 

Với mỗi chuyến hàng cực nhọc như thế, họ được từ 3-5 ngàn đồng. Số tiền ít ỏi đó là nguồn sống cho chính của những gia đình nghèo. “Tranh thủ từ đêm đến sáng có khi cũng kiếm được gần 50 ngàn, chắt bóp chi tiêu vừa đủ nuôi mình và hai đứa con đang đi học”, chị Nguyễn Thị Thoại tâm sự.
 
Kẽo kẹt phu đêm - 2
Các phu cửu vạn bốc rau quả trên chuyến xe từ Đà Lạt ra.

 

“Ai kéo đê..ê..ê!”

 

Chị Thoại làm cửu vạn ở chợ đêm đã được gần 5 năm. Chồng mất vì tai nạn giao thông để lại cho chị 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Đứa con đầu đang học đại học, đứa sau học lớp 8. Toàn bộ chi tiêu trong gia đình và tiền ăn học của con đều phụ thuộc vào đôi tay chị. Ngày đi làm phụ hồ, chờ sang canh lại đi làm cửu vạn ở chợ đêm, cuộc sống của chị cứ hối hả nhọc nhằn như vậy suốt 365 ngày.

 

Quệt mồ hôi sau một chuyến bốc hàng cho xe ra Đông Hà, chị kể: “Nhà có ba mẹ con, giờ  nghỉ ngày nào là đói ngày ấy, mình chịu cực không sao chứ để con thất học rồi lại ra làm như ri khổ lắm!”.

Ông Trần Văn Sáng, Trưởng Ban quản lý chợ đêm Phú Hậu, cho biết tại chợ này có gần 100 người làm nghề bốc vác chủ yếu là phu tự do, phần đông là phụ nữ. Họ là những người không có việc làm ổn định, nhà nghèo phải chấp nhận làm phu bám chợ kiếm sống qua ngày.

Mỗi phiên chợ như vậy chị Thoại kiếm được khoảng 30-50 ngàn. Có những đêm ít người thuê, số tiền kiếm được chỉ đủ du di một bữa cơm trưa.

 

4h sáng, chợ đêm đông đúc, chen lẫn trong những tiếng eo sèo là những âm thanh ngân dài lạc giọng: “Ai kéo đê..ê..ê!”. Ngoặt sang gian hàng rau gần cửa chợ ra đường Ngô Kha, chị Thoại được một chủ hàng gọi chở ra chuyến xe lên A Lưới. Hai chuyến rau, bí, bắp cải nặng trĩu được trả 6.000đ. Chở xong chị lại lật đật cùng những phu khác vào chợ, sục ủng trong những vũng nước ứ đọng bốc mùi tìm người gọi chở hàng.

 

Bên ngoài chợ, những chuyến xe xích lô đầy ắp rau quả cũng đang chuyển bánh chạy về các chợ vùng quê. Rít sâu điếu thuốc, anh Tí căng chân đạp mạnh chiếc xe nặng về chợ Bao Vinh. Chuyến này của hai chị tiểu thương thuê anh 30 ngàn. Những chuyến hàng về chợ lẻ thường ít nên hai ba người gom lại thuê một xích lô chở, vừa tiện, giá lại phải chăng.

 

Sau chuyến hàng này, anh Tí phải về nhà lau chùi xe để sáng ra còn đi chở khách. Hỏi anh như thế lấy thời gian đâu mà ngủ nghỉ, anh chỉ cười: “Chỉ sợ không có việc thôi, khi nào không ai gọi thì mình đậu xe rồi tranh thủ chợp mắt là được”.

 

Lao động về đêm có không ít nguy hiểm chờ chực. Anh Tí nhớ lại: “Có đêm chở hàng về chợ Quảng Thành, đường tối, trời mưa xối xả, mắt nhập nhoạng nên không kịp né vũng sâu, thế là cả chuyến hàng nặng đổ xuống, may mà nhảy xuống kịp chứ không là gãy mất ống chân”.
 
Kẽo kẹt phu đêm - 3
Chị Nguyễn Thị Thoại đã gần 5 năm gắn bó với nghề bốc vác tại chợ đêm Phú Hậu. (Trong ảnh: Chị Thoại cố nốt những chuyến hàng cuối cùng để kịp về lo cho con đi học)

 

Những phụ nữ làm công việc dầu dãi này cũng ốm đau luôn. Song vì sự mưu sinh, họ ốm mà không dám nghỉ. Chị Thoại kể: “Mấy hôm trước tui ốm, nhà hết tiền nên liều ra chợ kiếm cái ăn, được một hôm thì bị nặng hơn, may mà được mấy chị thương gom tiền giúp mua thuốc uống mới đỡ lại”.

 

Trời dần trở sáng, mưa mùa đông ở Huế xối xả và nặng hạt hơn. Những phu chợ đêm lục tục với chiếc xe kéo về nhà. Trên chiếc sọt có một bó rau và mớ cá tươi, chị Thoại hớn hở về nhà kịp làm bữa sáng cho con đi học…

 

 

Hoàng Thanh Nhân