Kéo đổ tượng đồng “Hai Hình” - Tiếng vang Cách mạng tháng 8 ở Sóc Trăng
(Dân trí) - Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những sự kiện trọng đại nhất của dân tộc Việt Nam. Thời điểm này, ở Sóc Trăng cũng diễn ra nhiều hoạt động đã được ghi vào lịch sử.
Kéo đổ tượng “Hai Hình” giữa lòng tỉnh lỵ
Bức tượng đồng "Hai Hình" (tên đúng là “Đài chiến sĩ hận vong trong chiến tranh 1914 - 1918”) do nhà cầm quyền thực dân Pháp dựng lên sau Chiến tranh thế giới thứ nhất tại một quảng trường rộng rãi ở trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng (trước Bưu điện tỉnh Sóc Trăng hiện nay).
Người dân Sóc Trăng gọi là tượng đồng “Hai Hình” vì bức tượng này được đúc bằng đồng và có tạc hình 2 người lính (một người lính Pháp và một người lính bản xứ đứng sát bên nhau) chân đạp lên con diều hâu, tượng trưng cho nước Đức đang giãy giụa quay mỏ mổ chiếc giày của người lính Pháp. Phía sau lưng bức tượng có khắc danh sách lính Việt Nam chết trận.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp ở Sài Gòn và tiến chiếm Sóc Trăng ngày 14/3/1945. Ngày 15/3/1945, Ủy ban cai trị được thành lập, do Đốc phủ sứ Võ Văn Đảnh làm Chánh hội trưởng. Thành phần của ủy ban này đều là những quan chức cũ của bộ máy cai trị người Pháp. Trước tình hình đó, một số công chức trong bộ máy chính quyền Pháp trước đây nhưng có ý thức yêu nước bày tỏ sự phản đối và chủ trương thành lập Đội thanh niên bảo an.
Ngày 17/3/1945, Đội thanh niên bảo an tổ chức cuộc mít tinh và tuyên bố đội là lực lượng bảo vệ an ninh trật tự tỉnh lỵ, kiên quyết đấu tranh chống những tên tay sai thân Pháp; đồng thời giương cao khẩu hiệu độc lập dân tộc.
Hoạt động sôi nổi của Đội thanh niên bảo an thể hiện tinh thần yêu nước, mong muốn bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, giữ vững nền độc lập tự do của quê hương nhưng còn rất mơ hồ về chính trị.
Trước tình hình trên, Tỉnh ủy lâm thời Sóc Trăng giải thích sự thật chính sách lừa bịp, mị dân của phát xít Nhật, đồng thời hướng dẫn Đội thanh niên bảo an đi theo đường lối của Đảng.
Ngày 25/3/1945, tại quảng trường “Hai Hình”, Đội thanh niên bảo an tổ chức cuộc mít tinh với hơn 1.000 người tham gia. Tại khán đài, các diễn giả thanh niên tiến bộ đứng ra diễn thuyết, kêu gọi thanh niên đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước.
Trên khán đài xuất hiện một nhóm thanh niên, anh Lưu Trọng Quyền chỉ tay về phía bức tượng đồng “Hai Hình” và hét lớn: “Đây là tàn tích của thực dân Pháp, chúng ta phải phá bỏ”. Những tiếng hô vang hưởng ứng từ bốn phía. Liền sau đó, quần chúng nhân dân hăng hái xông tới, người thì dùng búa đập, kẻ thì dùng dây cột vào cổ bức tượng người Pháp, cùng nhau kéo xuống. Tượng đồng “Hai Hình” bật ra khỏi đế dựng và rơi ầm xuống đất.
Việc nhân dân Sóc Trăng phá bỏ tượng đồng “Hai Hình” đã gây tiếng vang lớn, tạo sự phấn khích trong các tầng lóp nhân dân và làm cho bọn tay sai Pháp - Nhật phải hoảng sợ. Việc phá bỏ bức tượng này là một điểm son khởi đầu cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở tỉnh Sóc Trăng.
Khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra suôn sẻ
Theo sử liệu, chiều ngày 24/8/1945, Tỉnh ủy lâm thời Sóc Trăng họp để thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc. Tỉnh ủy quyết định kế hoạch tổng khởi nghĩa giành chính quyền được tiến hành 2 bước. Bước thứ nhất, để giảm bớt khó khăn, căng thẳng và tránh đổ máu, Tỉnh ủy bố trí cho các ông Nguyễn Văn Nghĩa (Thanh tra Giáo dục tỉnh), Vương Hồng Sển (thư ký Tòa bố) là những người có cảm tình với cách mạng, đang giữ những trọng trách của chính quyền địch, có uy tín với tỉnh trưởng, cùng với thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong đến gặp Tỉnh trưởng Võ Văn Đảnh vừa thuyết phục, vừa tác động buộc tên Đảnh phải chấp nhận giao chính quyền cho cách mạng.
Bước thứ hai, sáng 25/8/1945, nhân dịp chính quyền địch tổ chức mít tinh đón tiếp khâm sai đại thần Nguyễn Văn Sâm, ta vận động quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Quần chúng ở các làng ven tỉnh lỵ hàng ngũ chỉnh tề, giương cao cờ đỏ sao vàng rầm rập tiến vào tỉnh lỵ. Chính quyền và quân đội địch tuy có vũ khí trong tay nhưng hoàn toàn bất lực truớc sức mạnh của cả vạn quần chúng.
Trên lễ đài, ông Dương Kỳ Hiệp (đại diện Ủy ban hành chính lâm thời) báo tin thắng lợi của cách mạng ở các nơi và long trọng tuyên bố: “Kể từ hôm nay, ngày 25/8/1945, bãi bỏ chính quyền thực dân, phong kiến cấp tỉnh, quận đến tổng, làng. Bãi bỏ mọi chính sách của chính quyền Pháp, Nhật. Chính quyền thuộc về cách mạng, mà tổ chức lãnh đạo là Mặt trận Việt Minh”.
Lá cờ đỏ sao vàng của chính quyền cách mạng tung bay trước khán đài. Mọi người tràn ngập niềm vui sướng, tự hào trong giờ phút lịch sử này.
Sau đó, ông Dương Kỳ Hiệp tiến vào Tòa bố tiếp nhận chính quyền. Ban tổ chức kêu gọi nhân dân tham dự mít tinh, biểu tình tuần hành có vũ trang, đoàn biểu tình tiếp tục đi qua các ngả đường tiếp thu các công sở của địch. Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Sóc Trăng diễn ra suôn sẻ không gặp sự kháng cự nào.