“Kênh chết”… bốc cháy vì ô nhiễm
Một người dân xã Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) mô tả: Nếu cầm một hòn gạch to ném ra giữa kênh tạo thành một miệng hố, rồi dùng mồi lửa châm vào miệng hố đó thì thấy bốc cháy đùng đùng…
Chúng tôi vừa tìm về xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, để tìm hiểu chuyện lạ có thật này tại dòng kênh ô nhiễm trầm trọng ở ngoại thành Hà Nội.
Đường vào xã Sơn Đồng rộng thênh thang, nhiều cây xanh rất thoáng đãng, nhưng bên dưới là một dòng “kênh chết” chạy qua các khu dân cư được bao phủ bằng một màu đen kịt, sủi bọt, ruồi muỗi bay vo ve… thường xuyên bốc mùi hôi thối đáng sợ.
Chị Nguyễn Thị Thoa ở thôn Đồng (Sơn Đồng), sống ngay cạnh con kênh T2, bức xúc: “Mỗi khi trời mưa, nước đen ở kênh theo nước mưa chảy đen sì, mùi khí hôi thối bốc lên nồng nặc. Thậm chí, có những hôm tôi còn đốt lửa cháy ở trên mặt nước ô nhiễm… Gia đình sinh hoạt, ăn uống đều phải chịu cảnh chung với thứ mùi khó chịu này, cho dù đã đóng kín cửa”.
Theo anh Trần Quốc Hùng, nhà cũng ở sát kênh T2, đặc biệt vào mùa này, mặt kênh sủi bọt, khi trời nắng to, bọt trên mặt kênh khô cứng lại, con chó mấy cân chạy băng qua kênh mà không bị chìm (!)…
Về chuyện lạ kênh bốc cháy, anh Hùng mô tả: “Nếu cầm một hòn gạch to ném ra giữa kênh tạo thành một miệng hố, rồi dùng mồi lửa châm vào miệng hố thì thấy bốc cháy đùng đùng…”
Anh Hùng giải thích có thể là vì một lượng khí mêtan đọng lại ở dưới đáy kênh ô nhiễm lâu ngày không thể thoát đi đâu được, khi có một tác động, tạo ra một lỗ thủng nhỏ, khí độc bốc lên gặp lửa thì phát cháy.
Đi ngủ phải đeo… khẩu trang
Không những bị tra tấn bởi mùi khí độc hàng ngày, hàng giờ, các hộ dân sống cạnh những dòng kênh ô nhiễm trầm trọng này còn bị muỗi, côn trùng hoành hành mỗi khi trời tối.
Gia đình anh Nguyễn Bá Dũng - chị Nguyễn Khánh Liên sống ngay sát “kênh chết” đang phải chịu chung cảnh sinh hoạt trong ô nhiễm. Hàng ngày anh Dũng ở nhà mà phải đeo khẩu trang. Chiều tối phải đóng kín cửa nhà tránh mùi khó chịu cũng như nạn muỗi, côn trùng. Anh Dũng tả, “mùi khó chịu” như mùi phân lợn, nếu bỏ khẩu trang ra một lúc sẽ rất tức ngực, khó thở…
Còn anh Trần Quang Hùng, do hít mùi khó chịu nhiều năm nên giờ đây bị viêm xoang, đỏ mắt. Anh cho biết: “Vào mùa này, cứ khoảng 4-5h chiều, mùi khó chịu lại bốc lên xông vào nhà. Mặc dù đã đóng kín cửa nhưng gia đình tôi sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ… đều bị ảnh hưởng, mỗi thành viên trong nhà đều sắm chiếc khẩu trang đeo hạn chế ô nhiễm...”
Ngoài ra, nhiều người dân khác, phổ biến nhất là trẻ nhỏ, người già ở đây thường có chứng bệnh ngoài da, đau mắt, viêm phế quản… không biết nguyên do tại sao. Các loại cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng, năng suất thấp do môi trường ô nhiễm.
Đáng lo ngại là đợt mưa lũ vừa qua, nguồn nước ô nhiễm ở kênh tràn vào ruộng rau của các hộ khiến người dân hái rau về sử dụng đều bị tiêu chảy…
Người dân sống chung với mùi khó chịu nồng nặc đến nay đã gần 10 năm, kêu mỏi mòn các cơ quan chức năng, nhưng không thấy câu trả lời. Chính vì vậy, hầu như các hộ đều hạn chế sử dụng nước giếng khoan ăn uống, sinh hoạt mà chủ yếu sử dụng nước mưa…
Số người chết do ung thư tăng
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Lợi, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cho biết: Nguyên nhân ô nhiễm dòng kênh T2 trên địa bàn là do các làng nghề miến Dương Liễu, Cát Quế phía trên đầu kênh dùng hoá chất tẩy rửa rồi xả nước thải xuống. Khi chảy xuống địa phận Sơn Đồng thì nước đọng lại lâu ngày, cùng với rác thải, gây ô nhiễm trầm trọng.
Khi được hỏi về việc xử lý ô nhiễm, ông Lợi nói: “Việc này vượt quá thẩm quyền của UBND xã Sơn Đồng chúng tôi. Xã cũng đã kiến nghị qua các buổi tiếp xúc cử tri lên UBND huyện, Sở TN&MT Hà Tây (cũ), Bộ TN&MT về đây kiểm tra, nhưng đến nay chưa thấy hồi âm”.
Ông Lợi còn cho biết, xã Sơn Đồng là một vùng ô nhiễm khá nặng. Toàn xã có gần 2.000 hộ với trên 8.000 khẩu, đặc biệt là vào mùa này đến 2/3 dân cư trên địa bàn bị ảnh hưởng ô nhiễm. “Chúng tôi chưa thống kê tỷ lệ người dân mắc bệnh do hít thở phải mùi khí độc, nhưng mấy năm gần đây số người dân chết do mắc bệnh ung thư trên địa bàn tăng đáng kể, tính đến nay có hơn 30 trường hợp chết do mắc bệnh ung thư gan, phổi… chưa biết nguyên nhân tại sao”, ông than thở.
“Vừa qua, Trung tâm Y tế huyện cũng đã về Sơn Đồng lấy các mẫu tóc, khám bệnh… cho người dân khu vực ô nhiễm. Nếu sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm có thể bị sẩn mụn, gai nhọn ở bàn tay, bị sừng hoá, lâu ngày bị rụng tóc, ở người sức khoẻ đề kháng kém có nguy cơ bị ung thư. Mong muốn của UBND xã và người dân là các cơ quan chức năng sớm khảo sát, tìm ra nguyên nhân và có giải pháp khắc phục, để người dân không phải sống trong hoang mang, lo lắng trong ô nhiễm”, ông Lợi kiến nghị.
Được biết, vài năm trước, UBND huyện Hoài Đức cùng Công ty thuỷ nông Đan Hoài khắc phục ô nhiễm bằng cách dùng biện pháp đơn giản là bơm nước từ nơi khác vào kênh để pha loãng nước ô nhiễm, đồng thời khơi thông dòng chảy... Nhưng thời gian gần đây, mùi ô nhiễm của dòng kênh chết lại “hồi sinh” với nồng độ đậm đặc hơn và hàng trăm người dân ở xã Sơn Đồng chỉ còn cách mỏi mòn chờ cơ quan chức năng “giải cứu” và chấp nhận sống chung với nạn ô nhiễm.
Theo Hiếu Nguyên
VTC News