1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kẻ khóc, người cười mùa hoa Tết

(Dân trí) - Mỗi dịp Tết đến xuân về, người trồng hoa Tết lại tất bật chau chuốt từng cành cây, cánh hoa mong hoa khoe sắc đúng dịp xuân. Nhưng thời tiết giá lạnh kéo dài khiến hoa và người đều “tê tái” khi ngày xuân đến gần.

Trời phụ công người

 

“Hơn 20 năm trồng hoa, chưa có năm nào thời tiết lại nghiệt ngã như năm nay, trời mưa và lạnh thế này thì cây nào ra hoa được đâu. Nhìn vườn hoa xanh mượt, lòng tôi như quặng thắt khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết”, ông Đào Màu (70 tuổi, ngụ TP Quảng Ngãi) tâm sự.

 

Du ngoạn vườn hoa của ông nông dân Đào Màu, hầu hết các cây, chậu hoa chỉ mới hé nụ. Toàn vườn hoa hơn 1.000m2 chỉ có thể bán được khoảng 50% số chậu hoa gồm phượng vỹ, hoa mẫu đơn, thược dược, thọ, cúc,.. Để có được vườn hoa tươi tốt, ông Màu chăm chúng như báu vật của đời người trồng hoa, thế nhưng thời tiết lạnh kéo dài đã hạn chế chậu kiểng ra hoa.
 
Kẻ khóc, người cười mùa hoa Tết - 1

Những chậu bông thọ mini không thể kịp đón xuân

Kẻ khóc, người cười mùa hoa Tết - 2

Loại chậu hoa thược dược lỗi hẹn dịp xuân Nhâm Thìn 2012

 

Ven các làng hoa nằm bên bờ Nam sông Trà Khúc, họ lại chuyên canh trồng hoa lay ơn trên đất phù sa màu mỡ mà dòng sông bồi đắp. Tận hưởng lợi thế phù xa từ thiên nhiên, nhưng cũng đành nhổ bỏ hoa lay ơn vì thối gốc và vàng lá. Đắng lòng với sự thật hẩm hiu, bà Nguyễn Thị Mai (65 tuổi, ngụ thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa) rầu rĩ: “Trồng gần 800m2, hiệu quả trổ hoa không có nên chúng tôi đành nhổ bỏ hết một nửa, xem như mất không 10 triệu đồng, chưa kể công làm đất”.

 

Bà Mai phân tích: Lẽ ra đến đầu tháng chạp âm lịch, lay ơn phải được 5 lá, vậy mà bây giờ chỉ có 3-4 lá. Trong khi đó, đến thời điểm này, thời tiết âm u không có ánh sáng nên không dám bón phân, vì vậy, hoa trổ không kịp để bán tết là chắc chắn.

 

Theo người trồng hoa lay ơn ở xã Nghĩa Hà, đây là loài hoa không chịu được mưa cũng như nắng gắt. Thời kỳ cây con tốt nhất là bón vào ngày nắng, lúc đất ráo nước vào khoảng 3-4 giờ chiều nhưng hiện tại không bón được vì trời âm u kéo dài. Trong khi đó, từ khi hoa có lá thứ 3 đến lá 6 và 7 (thời kỳ phân hóa và hình thành hoa) thì phải đủ ánh sáng để đảm bảo chất lượng hoa.
 
Kẻ khóc, người cười mùa hoa Tết - 3
Ông Từ cần mẫn chăm sóc vườn mai để kịp bán trước Tết.

 

Theo UBND xã Nghĩa Hà, toàn xã có trên 60 ha với gần 200 hộ chuyên trồng hoa tết. Tất cả thu nhập và mua sắm tết đều trông chờ vào các ruộng hoa. Thế nhưng hiện có khoảng ½ diện tích ở đây đã bị hư hại do thời tiết mưa, trời lạnh kéo dài nên hoa không kịp trổ bông để bán tết.

 

Mai, cúc khoe sắc xuân

 

Trái ngược với tình hình ảm đạm của các loại hoa khác, năm nay hoa mai và hoa cúc lại về đích đúng dịp xuân Nhâm Thìn 2012.

 

Đến khu vườn hoa rộng hơn 500m2 của ông Mai Văn Từ (62 tuổi, ngụ ở xóm Bông, thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), sắc xuân phủ kín nơi đây và chủ nhân vườn hoa nở nụ cười tươi đón năm mới thành công.

 

Ông Mai Văn Từ cho biết: “Đến thời điểm này, vườn mai của tôi có khoảng 2.000 chậu đã làm nụ. Nhiều chậu mai có vài cánh hoa đã e ấp xòe cánh vàng nõn nà dưới tiết trời se lạnh. Tết năm trước, tôi chỉ bán khoảng 300 chậu mai, còn năm nay mai ra búp đúng dịp tết, tôi hy vọng sẽ bán hết được số mai này”. Theo giá cả dự kiến, ông Từ ước bán ít nhất là 300.000 đồng/chậu, còn nhiều từ 600.000 đến 2,5 triệu đồng/chậu.

 

Hòa theo câu chuyện kể về thuyết chơi hoa mai, mai có 3 loại gồm mai thịnh, mai giảo và mai tình. Loại mai thịnh là loài mai do một người tên Thịnh ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) ghép thành công, đóa hoa có năm cánh nở tươi vàng, năm cánh sít chặt, không hở như loài mai khác nên người chơi mai đặt là mai thịnh.
 
Kẻ khóc, người cười mùa hoa Tết - 4
Nụ cười rạng ngời trên khóe môi người phụ nữ bán hoa Trần Thị Hận

 

Còn loại mai giảo cũng được đặt tên do người tên Giảo ghép thành công, có ngọn màu đỏ, đóa hoa có 12 cánh. Loại mai thịnh thì độc đáo hơn bởi đây là cây mai đột biến, được một người tên Tình ở xã Nghĩa Hòa (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cắt ghép, có ngọn màu xanh, đóa hoa nở to như hoa cúc, có từ 7-8 cánh. Điều đặt biệt nữa là, gieo hạt sẽ không bao giờ mọc, mặc dù các chuyên gia về hoa mai đã thử đủ cách thức nhưng không thành công. Người chơi “mai tình” phải kỳ công ghép, tỷ lệ thành công không nhiều. Chính vì vậy loại “mai tình” có giá gấp đôi “mai thịnh” và “mai giảo” và giới sành chơi mai tết lùng sục.

 

Khó trồng là vậy, nhưng với kinh nghiệm hơn 30 năm chơi hoa mai và trồng hoa mai tết, đến nay ông Từ đã ghép, trồng và lưu được 300 chậu mai tình, ước tính tài sản mà ông Từ sở hữu có giá trị hàng tỷ đồng.

 

Ở cái xóm Bông này, mô hình vườn mai kiểng chơi tết có giá trị từ hàng trăm triệu đến tỷ đồng như ông Từ rất nhiều. Nơi đây được xem như “kinh đô” trồng hoa của người dân trong vùng, nhờ đó cuộc sống của họ được đổi đời với nhà cao cửa rộng. Vì thế, tên xóm cũng lấy để làm địa danh có từ xa xưa là xóm Bông.

 
Kẻ khóc, người cười mùa hoa Tết - 5
Các loại hoa đều tắt nụ, nhưng loại phượng vỹ góp phần tô điểm sắc xuân rực rỡ trong vườn hoa ông Đào Màu
 

Vui mừng cùng hoa mai, chị Trần Thị Hận (ngụ ở xóm 4, thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp) phấn khởi được mùa cúc cho biết: “Năm nay thời tiết cho người trồng hoa cúc rất thuận lợi. Nhờ vậy, 1.200 chậu hoa cúc trên 1.000 m2 của gia đình tôi ít bị sâu, rầy nên đến thời điểm này hoa rất đẹp”. Trong đó, chị Hận trồng 800 chậu hoa cúc lớn, bán ra 100.000 đồng/chậu; còn chậu nhỏ là 400 cái, bán khoảng 50.000 đồng/chậu. Đó là chưa kể, có vài trăm chậu cúc dự định chiết cành bán nữa.

 

Nhờ trời, hàng trăm người dân ở thôn Hải Môn “bội thu” cho mùa tết năm nay. Nếu tiêu thụ hết số cúc trong mỗi vườn, chủ vườn hoa thu lợi từ hàng trăm triệu đến tỷ đồng. Hứa hẹn một mùa bội thu đón xuân Nhâm Thìn 2012.

 

Hồng Long