1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

"Kẻ ăn mày" và ước mơ phủ sách khắp thiên hạ

Nguyễn Quang Thạch luôn nói: "Giúp cho tất cả người dân nông thôn có sách đọc là khát vọng duy nhất của đời tôi" và tự nhận: "Tôi là kẻ ăn mày để một số người dân không trở thành ăn mày."

Anh Nguyễn Quang Thạch trong một buổi quyên góp sách. (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)
Anh Nguyễn Quang Thạch trong một buổi quyên góp sách. (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)

Được mệnh danh là "kẻ ăn mày sách," Nguyễn Quang Thạch đang nỗ lực thực hiện dự án "Sách hoá nông thôn," nhằm gây dựng văn hóa đọc tại những vùng quê nghèo trong cả nước.

Từ cú sốc tình người

Nguyễn Quang Thạch sinh năm 1975 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Lớn lên trên mảnh đất nghèo, anh từng làm ruộng và nhiều công việc chân tay để đỡ đần kinh tế cho gia đình. Anh thấu hiểu việc thoát nghèo chỉ có thể đi theo con đường làm giàu tri thức.

Bố mẹ anh là những nhà giáo nghèo nên từ nhỏ, anh may mắn được đọc những cuốn sách bố mẹ sưu tầm. Đến năm 18 tuổi, anh tích luỹ cho mình trên 800 đầu sách và bước vào cổng trường đại học Vinh. Ước mơ lúc bấy giờ của chàng thanh niên 18 tuổi là "được làm thủ tướng".

Năm 21 tuổi, một sự kiện xảy ra trong một chuyến xa nhà đã thay đổi cuộc đời anh. Khi đó, để đưa một người đang hấp hối trở về quê hương, anh đã cầu khẩn sự giúp đỡ của rất nhiều người qua đường nhưng họ đều từ chối.

"Đó là một cú sốc về tinh thần đối với tôi. Tôi đã nghĩ, một đất nước ngày càng vô cảm như thế này thì không thể tiến bộ cùng nhân loại được," anh Thạch nói.

Đối với anh, tình thương, sự rung cảm bắt đầu từ những cuốn sách và anh quyết tâm trở thành nhà cách mạng thư viện. Anh bắt đầu nghiên cứu, xây dựng các mô hình thư viện, quyên góp sách và chia sẻ cách xây dựng tủ sách cho nhiều gia đình. Tủ sách đầu tiên anh thực hiện nằm trong dự án "Tủ sách dòng họ" năm 2007, song song đó, vào năm 2010 anh khởi động dự án "Tủ sách phụ huynh."

Theo anh Thạch, việc đọc giúp con người có cảm quan về khoa học tự nhiên, xã hội rất tốt. Đọc sách sẽ giúp chúng ta sống nhân văn hơn, sáng tạo hơn, giàu tri thức hơn. Anh mong muốn trong tương lai thể gặp các bạn trẻ đọc sách trên xe buýt, tại bến chờ... tạo ra văn hoá đọc ở mọi nơi.

Đến "Sách hóa nông thôn"

"Từ những trải nghiệm trong cuộc sống, tôi suy nghĩ rằng chỉ có tri thức mới giúp cho đất nước mình nói chung và người dân nông thôn nói riêng có đời sống vật chất lẫn tinh thần tốt hơn," anh Thạch chia sẻ.

Anh Nguyễn Quang Thạch đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát cho thấy: trẻ em ở nông thôn mỗi năm trung bình đọc được từ 5 - 10 đầu sách, trong khi đó, cùng trang lứa, tại các thành thị, trẻ em đọc được từ 80 - 120 đầu sách/năm.

Thương người dân những vùng quê nghèo, với mong muốn chia sẻ bớt sự chênh lệch về nguồn tri thức, anh đã cống hiến cho tiến trình "Sách hóa nông thôn" đến nay là 14 năm bằng cả những tài sản cá nhân.

Sau 10 năm nghiên cứu mô hình thư viện và sau 6 năm thực hiện các dự án, đến nay, anh đã gây dựng được tổng cộng 1.130 tủ sách. Trong đó, bằng sách và tiền quyên góp từ cộng đồng, anh đã xây dựng 1.004 tủ sách ở nông thôn 9 tỉnh khác nhau giúp 40.000 người dân nông thôn có cơ hội đọc sách, đặc biệt khoảng 29.000 học sinh được đọc ít nhất 50 đầu sách/năm thay vì 1 - 5 đầu sách/năm như hàng chục năm trước đây.

"Các em khát sách lắm. Có những nơi tôi đưa sách về, các em tranh nhau xem, có em còn giấu chục cuốn sách trong bụng. Thế mới thấy, khát khao được đọc sách, được có sách của các em lớn như thế nào. Những hình ảnh như vậy khiến tôi vô cùng xúc động," anh Thạch chia sẻ.

"Tôi vẫn sẽ dành toàn thời gian cho việc đưa sách về nông thôn với mục tiêu mỗi tháng xây dựng hai tủ sách dòng họ và 12 tủ sách phụ huynh để giúp ít nhất 3.000 người dân có sách đọc/tháng," anh Thạch nói.

Chia sẻ về dự kiến những hoạt động trong những năm tới, anh Thạch cho biết, anh sẽ thực hiện chuyến đi xe máy giới thiệu Tủ sách phụ huynh (tủ sách đặt tại lớp học) đến tất cả các sở giáo dục trên cả nước (2013) và đạp xe vòng quanh thế giới “Vì sách cho nông thôn Việt Nam và các nước đang phát triển” (2014-2015).

"Hy vọng rằng hai chuyến đi của tôi sẽ tạo cảm hứng cho 170.000 người Việt góp sách tự xây dựng 170.000 Tủ sách phụ huynh, mỗi tủ có từ 50 đến 90 đầu sách đồng thời vận động khoảng 2.500 người Việt Nam hành động để các em nhỏ vùng nông thôn được đọc ít nhất 500-800 đầu sách từ lớp 1-12, một con số ngang bằng với học sinh Hà Nội và các thành phố khác trên cả nước," anh Thạch quả quyết.

Theo Quỳnh Trang
Vietnam+

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm