1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Im lặng khiến người vợ gánh hậu quả nặng nề từ bạo hành”

(Dân trí) - Vụ bạo hành gia đình dã man vừa xảy ra ở Hà Nội lại khiến dư luận… giật mình. Bên lề kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội, Trương Thị Mai đã bày tỏ quan điểm xung quanh vấn đề “vẫn đang gây lo ngại” này.

Thưa bà, vụ việc một phụ nữ bị chồng bạo hành suốt 12 giờ với những thủ đoạn hết sức dã man vừa xảy ra ngay tại Hà Nội đã khiến nhiều người thấy… “sốc”? 

Sáng 21/7 tôi có xem trên truyền hình thông tin về trường hợp bị bạo hành này. Người phụ nữ bị thương tích rất nặng và hiện người chồng đã bị cơ quan công an tạm giữ… Thực ra, vấn đề bạo lực gia đình đã có những trường hợp như thế này xảy ra. Thậm chí cô dâu của chúng ta đi lấy chồng nước ngoài cũng có những trường hợp bị bạo hành như vậy.

Các vụ việc này bao giờ cũng gây ra cho dư luận sự phẫn nộ và đau xót cho những nạn nhân. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh là cần phải thực thi pháp luật một cách tốt hơn. Thứ hai, tăng cường thêm vai trò tham gia của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư.

Với vụ việc này, theo bà hướng xử lý phải như thế nào?

Những trường hợp như vậy thì chắc chắn phải xử lý hình sự. Anh gây thương tích đã rõ ràng như thế thì không thể khác được.

Thưa bà, chúng ta có hệ thống chính quyền, đoàn thể ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan này trong việc phòng chống bạo lực gia đình đã được quy định trong luật, nhưng sự tham gia của chính quyền cơ sở và đoàn thể còn rất hạn chế. Vấn đề nằm ở đâu?

Luật có quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương trong những vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình, tuy nhiên tôi nghĩ thực tế không có sự đồng bộ trong thực hiện. Có những chính quyền địa phương quan tâm, nhưng cũng có những chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm và khi sự việc xảy ra rồi người ta mới vào cuộc và cùng với các cơ quan pháp luật giải quyết.

Tôi nghĩ rằng, nhân những sự việc như thế này, các cơ quan thông tin đại chúng có thể tăng cường thêm việc tuyên truyền để làm sao các cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương cùng tham gia giải quyết.
 
“Im lặng khiến người vợ gánh hậu quả nặng nề từ bạo hành” - 1
Bà Trương Thị Mai: "Đến một mức độ nào đó thì không được im lặng" (Ảnh: Việt Hưng)

Về sự tham gia của chính quyền, tôi nói như Đà Nẵng, đồng chí Bí thư Thành ủy gặp những người chồng bạo lực để trao đổi và yêu cầu họ làm bản cam đoan. Nếu Đà Nẵng làm được thì tôi nghĩ nhiều địa phương trong cả nước cũng làm được. Điều này cũng ngăn chặn được những vụ bạo lực có thể xảy ra với xã hội.

Những người hàng xóm chung quanh các gia đình có bạo hành cũng có thể tham gia. Người chồng bạo lực với vợ mà kéo dài thì không thể hàng xóm không biết, tổ dân phố không thể không cảm thấy có vấn đề gì được. Nếu khi có vấn đề như thế mà hội phụ nữ, mặt trận, tổ dân phố tham gia thì có lẽ chúng ta cũng ngăn chặn bớt.

Bà vừa nói đến sự tham gia của hàng xóm, tổ dân phố, nhưng thực tế trong vụ việc vừa rồi và cả nhiều vụ việc khác, nạn nhân của các vụ việc lại hoàn toàn im lặng nên những người sống bên cạnh cũng không hay biết về vụ việc?

Đây đúng là vấn đề ảnh hưởng từ văn hóa Á Đông. Rất nhiều người phụ nữ im lặng để bảo vệ hạnh phúc gia đình, nhưng tôi nghĩ, cần khuyến khích người ta, đến một mức độ nào đó thì không được im lặng. Hội phụ nữ ở đó cũng phải khuyến khích người ta không được im lặng. Im lặng như trường hợp vừa rồi ở Hà Nội, hậu quả là rất trầm trọng với người phụ nữ.

UB các vấn đề xã hội khi làm luật Phòng chống bạo lực gia đình, ở mức độ nào đó cũng đã khuyến khích người phụ nữ có thể trao đổi. Không phải việc gì cũng đi thưa gửi với chính quyền địa phương, nhưng có thể nói chuyện để nhờ cha mẹ can thiệp hoặc có thể nhờ một người bạn, một người tin cậy trong cộng đồng dân cư…

Tùy theo điều kiện, người phụ nữ đó có thể cân nhắc để lựa chọn việc của mình có thể nhờ ai.

Dường như thỉnh thoảng lại có một vụ bạo lực bị phát giác với những tình tiết khiến dư luận không khỏi không bàng hoàng. Bà đánh giá như thế nào về thực trạng của vấn đề này hiện nay?

Từ khi luật phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực, đến nay nhiều vấn đề bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em được đưa ra dư luận và như vậy cũng là tạo điều kiện để chúng ta giải quyết được vấn đề tốt hơn. Tuy nhiên, thực trạng của vấn đề này, tôi không nói là tăng hay giảm, nhưng đang ở hướng gây lo ngại cho xã hội.

Tôi nghĩ pháp luật không thể đầy đủ được đối với vấn đề này mà phải nâng cao nhận thức xã hội, đặc biệt là đối với các gia đình. Tôi nghĩ các cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương cần dành sự quan tâm nhiều hơn cho những vấn đề này thì chúng ta mới có thể có được những bước tiến bộ và đạt được những kết quả tốt hơn.

Nói chung, chúng ta phải chung tay, nếu không lâu lâu lại rộ lên một vụ việc như thế này.

Xin cảm ơn bà!

Cấn Cường (thực hiện)