1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Tĩnh:

Hy sinh gần 30 năm chưa được công nhận liệt sỹ

(Dân trí) - Có đầy đủ giấy báo tử, biên bản đề nghị công nhân liệt sỹ của đơn vị… nhưng suốt gần 30 năm qua, chiến sỹ Lê Văn Định (SN 1961 tại xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn) vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ.

Theo tài liệu của gia đình anh Định cung cấp thì tháng 3/1979, anh nhận lệnh nhập ngũ được biên chế về C14-E760-F316, thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 4.

Ngày 26/9/1979, C14 nhận lệnh hành quân về tập kết tại cầu Nghĩa Đàn (Nghệ An) bằng đường thủy. Sông sâu, nước lớn, nhiều ghềnh thác, một số bè gỗ, nứa của C14 bị nước cuốn trôi và anh Định đã anh dũng hy sinh trong khi vật lộn với sóng nước để cứu đồng đội và tài sản của đơn vị.

Nhiều đồng đội vẫn nhớ rất rõ sự hy sinh cao cả của anh Định. Trong bản tự thuật của mình thiếu uý, chính trị viên C14 Hoàng Minh Sơn và hạ sĩ Nguyễn Văn Bình (tiểu đội trưởng tiểu đội 4) ghi cụ thể: “Bè thứ nhất do đồng chí Nguyễn Văn Bình (A trưởng) chỉ huy, trong đó có 2 chiến sỹ, đồng chí Đông và đồng chí Lê Văn Định đi đầu đội hình đại đội, chúng tôi hành quân đến thác vực Trống, bè đồng chí Bình đâm phải đá nên đã tan bè. Ba đồng chí đã dũng cảm cứu bè, cứu tài sản của đơn vị, nước thác cuốn mạnh, đồng chí Lê Văn Định đã hy sinh vào hồi 12h ngày 26/9/1979”.

Cũng tại biên bản đề nghị cấp chế độ liệt sỹ do đơn vị C14 lập ngày 21/10/1979 xác định: “Đồng chí Lê Văn Định đã anh dũng hy sinh trong điều kiện đơn vị làm nhiệm vụ. Chúng tôi đã thống nhất đề nghị cấp trên giải quyết chế độ liệt sỹ cho đồng chí Lê Văn Định. Biểu quyết 100%”.

Gần 1 năm kể từ ngày anh Lê Văn Định hy sinh, gia đình ông Lê Văn Trường và bà Nguyễn Thị Hồng (bố, mẹ anh Định) nhận được giấy báo tử, thư chia buồn, biên bản đề nghị xác nhận liệt sỹ của E760-F316.

Trong giấy báo tử số 01/BT-E760-F316 ngày 16/11/1979 do Thiếu tá Nguyễn Tiến Tứ - Thủ trưởng đơn vị ký, ghi rõ: “Đồng chí Lê Văn Định đã anh dũng hy sinh ngày 26/9/79, trong trường hợp làm nhiệm vụ, được công nhận là liệt sỹ. UBND xã Sơn Trường và đại diện của đơn vị đã tổ chức lễ truy điệu liệt sỹ Lê Văn Định tại địa phương và bàn giao hồ sơ, di vật liệt sỹ cho gia đình”.

Trường hợp anh Định hy sinh đã có các bằng chức rõ ràng, nhưng không hiểu vì sao đến ngày 5/1/1981, ông Trường lại được thông báo của Phòng LĐTB-XH huyện Hương Sơn đề nghị xã ngừng cấp các chế độ đối với liệt sỹ Định.

Cùng thời gian này, gia đình lại nhận được Quyết định số 2833/QĐ-LS của Ty Thương binh xã hội tỉnh Nghệ Tĩnh về việc trợ cấp cho gia đình ông Lê Văn Trường một số tiền là 300 đồng (tuất 1 lần). Thời gian sau đó, bà Hồng nhiều lần lên Phòng TBXH huyện, xuống Sở LĐTB-XH tỉnh, hỏi chế độ liệt sỹ cho con nhưng không có kết quả.

Mới đây, sau khi tìm hiểu ở Phòng Nội vụ-LĐTB-XH huyện Hương Sơn không có bộ hồ sơ nào liên quan đến liệt sỹ Lê Văn Định nên chúng tôi đã phải tìm đến đến Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh. Thật may mắn là bộ hồ sơ của anh Lê Văn Định đã được tìm thấy trong kho lưu trữ của Sở.

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao một chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, có đầy đủ giấy tờ hợp pháp từ đơn vị đến chính quyền nhưng anh Lê Văn Định lại không được công nhận liệt sỹ suốt gần 30 năm qua, một cán bộ phòng CS-NCC Sở LĐTB-XH cho rằng: “Anh Định không được công nhận liệt sỹ là do các văn bản trước đây!”.

Tuy nhiên, vị cán bộ này cũng cho biết, hiện tại, theo Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTB-XH về hướng dẫn bổ sung việc thực hiện ưu đãi đối với người có công với cách mạng có nhiều thay đổi, ngành sẽ xem xét về trường hợp anh Lê Văn Định một cách nghiêm túc.

Văn Dũng - Chính Cương