1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hy sinh 30 năm vẫn chưa được công nhận liệt sỹ

(Dân trí) - Gần 30 năm đã trôi qua nhưng quân nhân Lê Đức Thắng, người đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ ở khu vực Biên giới Tây Nam vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ, dù gia đình đã nhiều lần gửi đơn thư kiến nghị đến các cơ quan chức năng.

Trong ngôi nhà nhỏ ở ngõ Giếng Mứt, phường Trương Định (Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội), hằng ngày nhà giáo ưu tú Lê Đắc Phong, bố ruột của quân nhân Lê Đức Thắng thường ngồi trầm ngâm bên đống giấy tờ liên quan đến người con trai hy sinh tại chiến trường Biên giới Tây Nam năm 1979.

 

Vợ ông, bà Lê Thị Nhàn, trước khi mất đi chỉ có một mong ước: Sự hy sinh của con trai được ghi nhận xứng đáng!

 

Uẩn khúc từ giấy báo tử

 

Năm 1978, anh Lê Đức Thắng nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, đủ tiêu chuẩn để đi nước ngoài. Cùng lúc này, anh cũng nhận được giấy triệu tập lên đường nhập ngũ. Anh Thắng tạm gác lại chuyện học hành, lên đường nhập ngũ vào tháng 8/1978, là chiến sỹ Trung đoàn 471, sư đoàn 47, Binh đoàn 16, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia.

 

Năm 1979, gia đình ông Phong nhận được giấy báo tử số 577/HN của Quân khu Thủ đô ghi quân nhân Lê Đức Thắng là tử sỹ, vì “tai nạn rủi ro”. Tuy nhiên, trong giấy báo tử này lại ghi sai tên mẹ của anh Thắng nên gia đình ông thắc mắc.

 

Ngay sau đó, cơ quan này gửi đến gia đình ông một giấy báo tử khác không ghi số và lý do tử nạn lại ghi là “bản thân gây nên”, song ở giấy báo tử này lại vẫn ghi sai tên mẹ.

 

Tuy nhiên vào ngày 12/7/1996, gia đình ông được UBND xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội giao cho bằng Huân chương Chiến công hạng 3 ghi nhận quân nhân Lê Đức Thắng đã “anh dũng hi sinh trong khi làm nhiệm vụ” (theo lệnh số 201/LCT ngày 21/12/1979 và đã ghi sổ số 339T/3277-QP của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký ngày 21/12/1979).

 

Hy sinh 30 năm vẫn chưa được công nhận liệt sỹ - 1
 Huân chương Chiến công hạng Ba ghi nhận sự hy anh dũng của quân nhân Lê Đức Thắng.

 

Rồi thông qua Hội cựu chiến binh TP Hà Nội, gia đình ông đã tìm được mộ của anh Thắng đang được an táng ở vị trí trang trọng trong nghĩa trang liệt sỹ Bến Cầu, Tây Ninh (giáp Campuchia). 

 

Hành trình đi tìm sự thật

 

Thắc mắc tại sao con trai mình được Chủ tịch nước tặng huân chương song vẫn lại không được công nhận là liệt sỹ, gia đình ông Phong đã tìm đến các cơ quan có trách nhiệm gửi đơn đề nghị. 

  

Bắt đầu từ ngày 16/7/1996, gia đình ông đã gửi nhiều đơn lên Ban quân sự huyện Đông Anh, phòng chính sách Quân khu Thủ đô, Cục chính sách Bộ quốc phòng để giải quyết tiếp chế độ cho anh Lê Đức Thắng.

 

Sau khi được Cục chính sách Bộ quốc phòng hướng dẫn, gia đình ông đã gửi đơn đến Tư lệnh Quân đoàn 4.

 

Sau khi xem xét và xác minh, ngày 6/5/1998, thủ trưởng đơn vị cũ của anh Thắng đã có công văn ghi rõ: “Đ/c: Lê Đức Thắng chiến sỹ, thuộc C20 của trung đoàn, đang cùng  đơn vị làm nhiệm vụ chuyển cứ, ở khu vực Công-Pông-Chư-Pư (Căm-Pu-Chia) ngày 26/1/1979 hy sinh do tai nạn lật xe trên đường làm nhiệm vụ chuyển cứ ở khu vực Công Pông Chư Phư”.

 

Bên cạnh đó, công văn cho biết thêm: Đơn vị đã xác nhận anh Thắng là Liệt sỹ, Huân chương Chiến công do đơn vị đề nghị.

 

Chờ đợi quá lâu không được Quân khu Thủ đô trả lời chính thức, gia đình ông đã gửi đơn và hồ sơ lên Bộ LĐTB&XH, UBND TP Hà Nội xem xét giải quyết.

 

Ngày 19/10/1999, UBND TP Hà Nội có công văn trả lời do không quản lý được hồ sơ gốc nên đã đề nghị xác nhận đồng chí Lê Đức Thắng là liệt sỹ, và khi phát hiện sai sót nên cho thu hồi công văn đề nghị trên và thông báo đến gia đình về trường hợp tử nạn của anh Thắng.

 

Không hài lòng với câu trả lời đó, gia đình ông tiếp tục gửi đơn đề nghị lên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, lên đồng chí Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng và đều nhận được câu trả lời là đã chuyển hồ sơ sang Cục chính sách - Bộ Quốc phòng. 

 

Kể từ đó đến nay, gia đình ông không hề nhận được bất kì câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng.  

 

Chờ câu trả lời thỏa đáng

 

Theo thầy giáo Lê Đắc Phong, công văn của Thủ trưởng đơn vị E141-F47 về việc con trai thầy hy sinh ngày 26/1/1979 là hoàn toàn phù hợp với lệnh số 201/ LCT ngày 21/12/1979 của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, thưởng Huân chương chiến công cho Lê Đức Thắng về thành tích “Anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ”.

 

Mặt khác, phần mộ của Lê Đức Thắng đang được đặt ở Nghĩa trang Liệt sỹ Bến Cầu - Tây Ninh và có trong sổ mộ liệt sỹ mà Cục Liệt sỹ Bộ LĐTB&XH đang cất giữ.

 

Quyết định số 301-CP do Hội đồng Chính Phủ ban hành ngày 20/9/1980 bổ sung về tiêu chuẩn để xác nhận là liệt sỹ ghi rõ: "Người bị ốm đau, tai nạn dẫn đến bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Căm-Pu-Chia hoặc nước khác đều được công nhận là liệt sỹ".

Qua nghiên cứu tài liệu chúng tôi còn phát hiện, nếu giả sử quân nhân Lê Đức Thắng chết vì “tai nạn rủi ro” là đúng thì anh vẫn được công nhận là Liệt sỹ theo nghị định số 301-CP.

 

Như vậy, việc quân nhân Lê Đức Thắng đến nay không được công nhận là liệt sỹ là do đâu? Cơ quan nào sẽ là nơi trực tiếp chịu trách nhiệm giải quyết chế độ cho anh? Đây là những câu hỏi cần sự trả lời thoả đáng từ các cấp chính quyền, có như vậy hương hồn của anh và mẹ anh mới có thể ngậm cười nơi chín suối.

 

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm