Hy hữu vụ tranh chấp… hài cốt
Hai bên đương sự tranh chấp một bộ hài cốt, ai cũng bảo đó là hài cốt của cha mình.
Bỗng nhiên mất mộ cha
Bỗng nhiên đến ngày 16/5 âm lịch năm 2010, ông T.M.H.H, ngụ quận 11 (TPHCM) lại ngang nhiên đến bốc mộ của cha ông L. và lấy cốt đem về an táng tại nghĩa trang Đa Phước. Lúc đó, ông H. nói với chính quyền địa phương là… nằm mơ thấy cha mình chôn cất tại đây, nhiều năm lạnh lẽo, không có con cháu hương quả. Ông H. còn viện lẽ là có nhà ngoại cảm chỉ cho biết rằng cha của ông được chôn cất tại đúng địa điểm này.
Phát hiện ra sự việc, ông L. làm đơn đề nghị chính quyền xã Thạnh Trị can thiệp. Xã không giải quyết mà chuyển hồ sơ lên TAND huyện Mộc Hóa. Cho rằng vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình, tòa lại chuyển hồ sơ sang UBND và công an huyện. Các nơi này cũng không đứng ra phân xử mà chỉ khuyên ông L. là đi tìm ông H. mà thương lượng.
Là cha chung?
Ông L. đi tìm và gặp được người chị của ông H. Đến đây thì xảy ra một chuyện bất ngờ làm ông rất ngỡ ngàng: Chị của ông H. nhận ông là… anh em cùng cha khác mẹ.
Theo bà này, cha của ông L. cũng là cha của họ dù sử dụng hai tên khác nhau. Người cha lúc sống có hai vợ. Chị em bà là con của một người, còn anh em ông L. là con của người còn lại. Lúc mẹ bà mất, có di nguyện để lại là được chôn cất cạnh chồng nên chị em bà mới cố gắng đi tìm hài cốt của cha đưa về đặt cạnh mộ mẹ tại nghĩa trang Đa Phước.
Ông L. không tin vào chuyện này và nhất định đòi lại hài cốt cha đưa về an táng chỗ cũ. Phía ông H. cũng cương quyết không chịu. Vì thế, ông L. đã khởi kiện ông H. ra TAND quận 11 nơi ông H. cư ngụ, yêu cầu tòa buộc ông H. phải hoàn trả hài cốt, đồng thời bồi hoàn chi phí 2 triệu đồng và công khai xin lỗi.
Tại tòa, ông L. khẳng định lại một lần nữa là ông H. không có quan hệ họ hàng thân thuộc gì với mình cả. Cha của ông tên là N.V.L, còn cha ông H. tên là T.V.K, khác nhau hoàn toàn nên không thể là cùng một người. Việc ông H. ngang nhiên tự ý bốc mộ của cha ông là hoàn toàn bất hợp pháp bởi ông vẫn thường xuyên đến tảo mộ, bồi đắp nên đây không phải là mộ hoang...
Vụ kiện hy hữu này đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết.
Không phạm tội xâm phạm mồ mả, hài cốt?
Trước khi khởi kiện ra TAND quận 11, ông L. đã từng làm đơn tố cáo phía ông H. ra Công an huyện Mộc Hóa về hành vi xâm phạm mồ mả, hài cốt.
Theo xác minh của Công an huyện Mộc Hóa, ngày 25/5/2010, ba chị em ông H. có làm đơn gửi UBND xã Thạnh Trị xin bốc mộ cha ruột là ông T.V.K. UBND xã chưa trả lời thì chị em ông H. đã tự ý bốc mộ ông N.V.L (cha ông L.) đưa về TPHCM chôn cất.
Công an huyện cũng đã lấy lời khai của một số người dân xung quanh. Các nhân chứng đều kể rằng trước đó, chị em ông H. có tìm đến hỏi là có biết mộ của ông T.V.K cha họ ở đâu không. Ai cũng lắc đầu nhưng khi chị em ông H. nói cha họ là “ông Cà rem”, đã thất lạc 48 năm nay thì mọi người chỉ mộ của cha ông L. bởi “Cà rem” là một trong những tên gọi khác của cha ông L. Nghe vậy, chị em ông H. đã mượn nhà một người dân ở đây đãi tiệc mời mọi người, xem như tạ lễ rồi bốc mộ đi.
Dựa trên địa chỉ của chị em ông H. để lại, Công an huyện Mộc Hóa đã liên lạc nhưng không tìm được. Cuối cùng, Công an huyện Mộc Hóa kết luận không khởi tố vụ án.
Theo công an huyện, việc bốc mộ là có nhưng chị em ông H. thực hiện công khai, mục đích là cải táng hài cốt của người đã mất mà họ cho là thân nhân của họ. Ngoài ra, họ cũng không có hành vi nào khác xâm phạm mồ mả, giữa hai bên lại không có mâu thuẫn trước đó. Đây là quan hệ dân sự chứ không phải hình sự. Phía cơ quan công an cũng nhận định khả năng chị em ông H. bốc nhầm mộ là rất lớn vì các tình tiết về bối cảnh, thời gian.
Về mặt pháp lý, một thẩm phán TAND TPHCM đồng tình với quyết định này của cơ quan công an. Theo thẩm phán này, hành vi của chị em ông H. chưa đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo Điều 246 BLHS.
Bởi lẽ xét về mặt khách quan, tội này thể hiện ở hành vi như đào phá mồ mả để chiếm đoạt đồ vật trong mộ như vàng, bạc, đá quý hoặc để chiếm đoạt hài cốt. Thủ đoạn thực hiện thường là lén lút nhằm che giấu hành vi.
Về mặt chủ quan, người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, tức là nhận thức được hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó và mong cho hậu quả xảy ra.
Vị thẩm phán cho rằng trong vụ kiện của ông L., nếu tòa giải quyết tới cùng thì phải xác định ADN để biết hài cốt đó là thân nhân của bên nào. |
Theo Hoàng Yến
Pháp Luật TPHCM