Huyện, xã đều có thể ký thỏa thuận quốc tế, lãnh đạo lo ngại
(Dân trí) - Chủ thể ký thỏa thuận quốc tế được đề xuất mở rộng tới cấp huyện, xã. Phó Chủ tịch nước băn khoăn hướng kiểm soát trong trường hợp các thỏa thuận “lắt léo”, có lồng ghép các mục đích không tốt…
Tiếp tục phiên họp thứ 46, chiều 13/7, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án luật Thỏa thuận quốc tế.
Chủ nhiệm UB Đối Ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, thảo luận tại kỳ họp thứ 9, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ hơn khái niệm thoả thuận quốc tế để có thể phân biệt được với điều ước quốc tế và tránh chồng lấn với luật Điều ước quốc tế.
Tại dự thảo mới nhất, khái niệm “thoả thuận quốc tế”được tiếp thu theo hướng “Thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài, không mang tính ràng buộc pháp lý theo pháp luật quốc tế”.
Một trong những nội dung vẫn còn ý kiến khác nhau là quy định về “bên ký kết Việt Nam”.
Thảo luận tại kỳ họp thứ 9, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc không nên mở rộng chủ thể ký kết thoả thuận quốc tế đến UBND cấp huyện, UBND cấp xã.
Một số ý kiến cho rằng, nếu mở rộng đến cấp huyện, cấp xã thì chỉ nên khoanh lại đối với các huyện ở khu vực biên giới, các xã ở khu vực biên giới và có giới hạn phạm vi lĩnh vực cụ thể được ký kết.
Có ý kiến đề nghị chỉ nên mở rộng đến cấp huyện, vì băn khoăn về năng lực, khả năng thực thi của cấp xã.
Theo Chủ nhiệm UB Đối ngoại, việc ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện và UBND cấp xã, đặc biệt ở các huyện, xã ở khu vực biên giới thời gian qua đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu, trao đổi văn hóa, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới .
Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế trong tình hình mới, dự thảo quy định ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện, UBND cấp xã chỉ áp dụng đối với khu vực biên giới.
Và để bảo đảm phù hợp với năng lực, bảo đảm chặt chẽ về mặt quốc phòng, an ninh quốc gia, dự thảo Luật giới hạn một số nội dung về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Dự thảo cũng quy định gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi quyết định về việc ký thoả thuận quốc tế của UBND cấp huyện, xã ở khu vực biên giới.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm: “Trước đây ông huyện, ông xã đều ký các thỏa thuận như này. Giờ trình độ cán bộ huyện, xã nâng lên rồi, tiếp cận công nghệ thông tin cũng tốt hơn mà sao lại hạn chế thẩm quyền ký thỏa thuận. Ban soạn thảo cần giải trình rõ xem thời gian qua có xảy ra chuyện gì không. Tôi thấy hơi lạ”.
Đồng tình với ông Phúc, Chủ nhiệm UBTài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị xem xét cả chủ thể ký kết là các thành phố trực thuộc tỉnh, vì thực tế lâu nay quan hệ hợp tác của một số thành phố này với các thành phố ở các nước khác rất tốt.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng cho rằng không nên thu hẹp chủ thể ký kết thoả thuận quốc tế. Tuy nhiên bà Thịnh chia sẻ băn khoăn, nếu ký kết với mục đích tốt thì không sao nhưng với một số ký kết có lồng ghép mục đích khác thì có quy định quyền của cấp trên tổ chức ký kết có quyền đình chỉ thực hiện ký kết đó hay không?
Tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến trước khi thông qua luật Thỏa thuận quốc tế.
Phương Thảo