Huyền thoại về băng cướp Cánh Buồm Đen
Hàng trăm năm, nạn cướp biển đã lộng hành trên vùng biển Tây ngoài khơi Hà Tiên, làm cho nơi này bị chết danh là “quần đảo Hải Tặc”. Đến đầu thế kỷ 20, cướp biển vẫn còn hoạt động ở đây với băng cướp lừng danh có tên Cánh Buồm Đen. Băng cướp này tan rã cũng đặt dấu chấm hết cho huyền thoại “hải tặc” trên biển Hà Tiên. Huyền thoại về băng cướp Cánh Buồm Đen đã đi vào văn học bởi ngòi bút của nhà văn Sơn Nam.
Cánh Buồm Đen - đời thực và trong văn học
Theo các tài liệu xưa, băng cướp Cánh Buồm Đen là nhóm hải tặc hoạt động mạnh nhất trên vùng biển Hà Tiên giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đến đầu thế kỷ 20, băng Cánh Buồm Đen gần như thống trị vùng biển này, thâu tóm hầu hết các băng cướp biển khác trong vùng. Khi đi “hành nghề”, băng cướp Cánh Buồm Đen không lén lút như những băng cướp khác mà đường hoàng trương trên cột buồm tàu hình cây chổi màu đen thật lớn, như muốn nói là sẵn sàng quét sạch các băng cướp khác và tàu bè qua lại!
Cũng là “ăn cướp”, nhưng băng cướp Cánh Buồm Đen được người đời nhắc tới với sự ngưỡng mộ chứ không miệt thị, khinh khi như đối với những bọn cướp khác, bởi băng cướp Cánh Buồm Đen chủ yếu hướng vào sự giàu có của những tàu buôn nước ngoài, chứ ít khi cướp bóc ngư dân đánh cá tại chỗ. Nhất là khi băng cướp Cánh Buồm Đen chọn các tàu buôn của Pháp làm đối tượng chính để tấn công, điều đó như đem lại chút an ủi cho nhiều người dân Nam bộ trong cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược. Thậm chí, một người vốn là đầu đảng của Cánh Buồm Đen đã tham gia kháng Pháp, được nhà văn Sơn Nam - người được xem là “nhà Nam bộ học” - viết thành truyện “Cánh Buồm Đen” từng làm say mê nhiều thế hệ độc giả ở miền Nam trước năm 1975.
Câu chuyện kể về chàng thanh niên tên Sáu Bộ thuở nhỏ đã bỏ nhà lên núi Cô Tô học đạo cứu đời, nhưng không đạo nào cầm chân anh được lâu dài. Học hết đạo Ớt, anh qua đạo Đất. Từ giã ông đạo Đất, anh đến thọ giới tại am cốc của ông đạo Nằm. Không thấy gì hứng thú với ông đạo Nằm, anh đi lang thang qua núi Dài để tìm “minh chủ”… Tình cờ, anh gặp một cao nhân vốn là nghĩa binh của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (người đốt cháy chiến hạm Esperance của Pháp và bị giặc Pháp chặt đầu tại Rạch Giá năm 1868).
Sau 5 năm được sư phụ truyền đạo và dạy võ nghệ, Sáu Bộ từ giã thầy xuống núi, mang theo cây roi trắc dài một thước tám. Với cây roi ấy và đường quyền Lưu Thủy, Sáu Bộ đổi tên thành Tư Hiền và đi hành hiệp ở vùng Hà Tiên. Tình cờ gặp một ghe buôn nhỏ bị đánh cướp, Tư Hiền đã ra tay nghĩa hiệp, một mình đánh cho bọn cướp biển Cánh Buồm Đen tan tác. Hành xử đúng luật giang hồ, chúa đảng cướp Cánh Buồm Đen đã nhường cho Tư Hiền làm đảng trưởng.
Dưới tay Tư Hiền, băng cướp Cánh Buồm Đen được chỉnh đốn lại, các bộ hạ ngày đem luyện tập võ nghệ tinh thông, cấm tuyệt không được xâm phạm tài sản của người chài lưới ở ven biển. Hai đối tượng đánh cướp không nương tay là tàu buôn của Tây và ghe buôn lậu Hải Nam. Một phương châm nữa của chúa đảng Tư Hiền là chỉ cướp của cải, chứ không giết người, không hãm hiếp phụ nữ.
Băng cướp Cánh Buồm Đen thời Tư Hiền đã khiến bọn Tây và ghe buôn lậu Hải Nam kinh hoàng bạt vía. Sau khi gây ra hàng loạt vụ cướp lừng danh trên biển Hà Tiên, Tư Hiền lỡ tay đánh chết một người. Bị dằn vặt bởi mặc cảm tội lỗi, Tư Hiền quyết giải nghệ, trở về sống lương thiện, sống bằng nghề câu cá và ẩn danh với cái tên Năm Lập. Băng cướp Cánh Buồm Đen tồn tại thêm một thời gian rồi cũng tan rã. Khoảng năm 1946, ông già Năm Lập cùng nhân dân tham gia đánh Pháp ở Hà Tiên. Đường roi Lưu Thủy ngày nào được ông truyền lại cho thế hệ con cháu đánh giặc cứu nước. Mấy năm sau, do tuổi cao sức yếu, ông Năm Lập đã chết tại vùng đất này, trước ngày thực dân Pháp bị đánh bại, phải rút khỏi nước ta.
Hậu nhân của đảng cướp Cánh Buồm Đen
Nhiều người tin rằng, “nghề” cướp biển trên biển Hà Tiên có tính cha truyền con nối, thế hệ này truyền cho thế hệ sau, kéo dài mấy trăm năm. Cho đến khi băng cướp Cánh Buồm Đen tan rã, đặt dấu chấm hết cho nạn hải tặc ở đây, hẳn có rất nhiều cướp biển hoàn lương, trở về sống ẩn dật đâu đó trên quần đảo Hải Tặc. Bà Nguyễn Thị G, nay đã gần 90 tuổi, là một trong những người cao tuổi cố cựu trên quần đảo Hải Tặc, chính là con gái của một hải tặc khét tiếng một thời. Bà G cho biết, cha bà là ông Nguyễn Thanh V, ngày xưa từng là thành viên của băng cướp Cánh Buồm Đen. Đó là chuyện của cả trăm năm trước, khi đó bà còn là đứa trẻ và không hề biết cha mình là cướp biển. Đến khi chị em bà khôn lớn, cha bà tuổi đã già, có lần ông kể về chuyện tình của ông và mẹ bà, từ đó mới hé lộ những câu chuyện một thời ngang dọc của ông thời trai trẻ.
Trong trí nhớ của bà G vẫn chưa phai mờ câu chuyện tình của cha mẹ bà: Khi đó, nhiều tàu thuyền ngang qua vùng biển Tây rất nể sợ một băng cướp biển có biểu tượng “cánh buồm đen”. Băng cướp này có địa bàn hoạt động rất rộng trên khắp vùng vịnh Thái Lan, chuyên đánh các tàu của thương buôn nước ngoài qua lại vùng biển này. Trong băng cướp Cánh Buồm Đen, ông V là người trẻ tuổi nhất, nhưng võ nghệ không thua kém ai. Ông cùng với các đồng đảng hàng ngày đi đánh cướp các tàu buôn nước ngoài ở biển khơi trong vùng biển Hà Tiên.
Vào những lúc sóng to gió lớn, tàu bè ít qua lại vùng biển Hà Tiên, ông V cùng băng Cánh Buồm Đen có khi sang tận lãnh hải của Thái Lan và những vùng biển xa hơn nữa để “làm ăn”. Trong một lần đi cướp xa như vậy, ông V đã đem lòng yêu một cô gái người Thái Lan. Sức mạnh của tình yêu đã khiến ông V thức tỉnh, ông quyết từ bỏ nghề cướp biển, lén trốn băng đảng đưa người yêu tìm về một bãi biển hoang vắng trên đảo Phú Quốc, cất một căn nhà nhỏ, sống ẩn dật.
Bà G được mẹ kể lại rằng, khi mới về định cư trên đảo Phú Quốc, có lần cha bà phải tái xuất giang hồ, giở lại món võ nghệ để đánh tan tác một nhóm côn đồ định ức hiếp người mới đến. Từ đó, chẳng có tên lưu manh nào dám bén mảng đến quấy rầy nơi ông sinh sống. Về già, ông V tìm về sống trên đảo Hòn Tre thuộc quần đảo Hải Tặc, trong một ngôi nhà nhỏ, cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng ngay trên hoang đảo này.
Bà cũng cho biết, nhiều thành viên của băng cướp Cánh Buồm Đen lừng lẫy một thời, trước khi chết cũng tìm trở lại đảo Hải Tặc để sống những ngày tháng cuối đời và trút hơi thở cuối cùng tại đây. Anh chị em bà G được sinh ra và lớn lên tại đảo Phú Quốc. Khi chị em bà dựng vợ gả chồng hết thì cha bà tìm về quần đảo Hải Tặc sống những ngày tháng cuối đời. Thời đó đi lại khó khăn, vì vậy mà khi ông qua đời, không có anh chị em bà bên cạnh. Mãi đến năm 1956, vợ chồng bà G mới dong thuyền từ Phú Quốc về sinh sống trên đảo Hòn Tre.
Bà đã chọn bãi Bắc để cất nhà, vì từ đây có thể nhìn về cố hương đảo Phú Quốc, nơi bà đã gửi bao kỷ niệm buồn vui trong đời. Bà G cho biết, bà đã biết đến đảo Hòn Tre từ trước, trong những lần theo thuyền vào Hà Tiên mua sắm gạo, muối. Trên đường về đảo Phú Quốc, gặp sóng to, gió lớn đã vài lần ghé vào đảo Hòn Tre trú tạm. Khi đó nơi này vẫn còn là đảo hoang, chưa có bóng người. Khoảng năm 1955 - 1956 ở Phú Quốc bị quản thúc dữ quá nên vợ chồng bà dắt theo đứa con lớn chạy vào đây lánh nạn. Lúc ấy, trên bãi Bắc chỉ có vài căn nhà, còn cả đảo vài chục gia đình định cư.
Bà G nhớ lại: Khi biết bà là hậu nhân của băng cướp Cánh Buồm Đen, nhiều người xung quanh tỏ ra nghi ngờ mục đích tìm đến vùng đảo hoang của gia đình bà, cho rằng có liên quan đến kho tàng nào đó đã được cướp biển chôn giấu ở đây từ hàng trăm năm trước. Song, bà khẳng định, gia đình bà chỉ muốn tìm đến chốn yên bình để nương thân, sinh sống chứ không vì lý do nào cả. Bà muốn để quá khứ ngủ yên, tất cả rồi sẽ đi vào quên lãng và xem bà như bao nhiêu người dân khác trên quần đảo này.
Hồi bà G mới đến Hòn Tre, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn, bao nhiêu nhu yếu phẩm đều phải vào Hà Tiên mua bán hoặc trao đổi. Ngày trước, chưa có ghe máy như bây giờ, muốn vào đất liền thì căng buồm, đợi gió nam rồi rời bến. Có khi mua được đồ rồi mà đi cả tuần lễ chưa về tới đảo Hòn Tre chỉ cách Hà Tiên 18 cây số, bởi vừa có gió thuận hướng đảo Hòn Tre, mọi người căng buồm vượt sóng, nhưng đi được nửa đường thì gió đổi chiều, bị đẩy ngược lại Hà Tiên, cứ như vậy đi năm bảy lần mới ra tới đảo.
Bà G có 8 người con, nhưng hiện chỉ có 1 người sống trên đảo Hòn Tre, một người đã chết, còn lại đều sống ở xa, có người ở lại Phú Quốc, có người sống ở nước ngoài. Các con bà G giờ cũng có người khá giả muốn đón bà về chung sống nhưng bà không đồng ý. Bà chỉ muốn ở lại nơi này để mỗi ngày được nghe biển hát và hương khói, trông coi mồ mả cho cha và chồng. Bà cũng thanh thản chờ đợi cái ngày được vĩnh viễn nằm lại trên trên hoang đảo giữa trùng khơi mang cái tên Hải Tặc.
Theo Tô Châu
Lao động