1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Huyền thoại cá sú vàng

Cá sú vàng mới trở thành thứ quý hiếm từ khoảng 10 năm trở lại đây. Trước đó, trong tiềm thức của những ngư dân, loài cá này từng được xem như “con ma” quấy nhiễu ngư dân dọc các bến sông Lam.

Lại có thời người ta đồn thổi rằng đây là một loại cá giống như con cá Ngư Ông - thần hộ mệnh cho ngư dân những chuyến đi biển dài ngày.

 

Tiếng “ma” dưới đáy sông

 

Cụ Vinh nhớ lại cái thời mà con cá sú vàng bị coi là một loại ma quỷ dưới nước, chuyên quấy nhiễu công việc đánh bắt của ngư dân. Đó là đầu những năm 70 của thế kỉ trước. Bây giờ đã gần 40 năm trôi qua,  nhưng cụ vẫn nhớ như in nỗi khiếp sợ của ngư dân nơi đây về tiếng “ma” kêu dưới dáy sông. 

 

Chính cụ Vinh cũng đã là người trực tiếp được nghe tiếng kêu lạ lùng này. “Giống tiếng trẻ em khóc, nghe mà sởn tóc gáy” - cụ kể về cái lần đầu được nghe tiếng cá sú vàng “la” ấy. “Đó là thời điểm sau một trận bão cuối tháng 8 âm lịch. Trời đã khuya, mưa sau hoàn lưu bão vẫn rả rích. Thuyền chỉ quanh quẩn gần bờ. Tui cùng với người em định rủ nhau về ngủ, thì đứa em kêu lên “Anh Vinh ơi! Có cái gì đó thục mạnh vào thuyền”.

 

Thuyền chao đảo. Tui chạy nhào ra phía mạn thuyền bên phải, không tin nổi vào mắt mình. Có vật gì đó vướng vào lưới phải to và khoẻ lắm mới làm sóng cuộn lên. Chưa hiểu ra chuyện gì thì hai anh em nghe tiếng kêu, một âm thanh lạ lùng phát ra phía trước, nơi nổi sóng. Trời tối thui không thấy được gì. Ớn quá bọn tui thúc nhau quay đầu trở vào bờ”.

 

Ròng một tháng trời, ngư dân người ta nói về tiếng kêu lạ phát ra dưới sông. Có người mê tín nói đó là tiếng thuỷ thần canh không cho bắt cá, có người lại cho đó là điềm báo tin xấu. Tuy từ lúc nghe tiếng kêu đó đến giờ chưa ai bị làm sao, nhưng lời đồn cứ lan ra khiến ai cũng sợ.

 

Vậy là dọc khắp các bến sông Lam, các ban thờ được lập ra để ngư dân hương khói, khẩn cầu thuỷ thần phù hộ độ trì cho những chuyến đi biển, cầu khấn thuỷ thần không quấy rầy cuộc mưu sinh của dân nghèo. Quả thật, theo như lời kể của cụ Vinh thì hết mùa mưa bão người ra bắt đầu nghe thưa dần tiếng kêu kỳ dị đó và sang mùa đông thì mất hẳn.

 

Nhưng lại đúng mùa mưa năm sau, người ta lại nghe tiếng kêu ngày nào. Cụ Vinh nhớ lại: “Cũng vào mùa mưa bão, không những lúc tối trời mà ban ngày thi thoảng người ta cứ nghe giữa lạch có tiếng “la” ớn cả người. Vẫn không ai biết tiếng gì. Người không mê tín cũng bắt đầu bán tín bán nghi rằng đang có một con ma dưới biển”.

 

Nỗi ám ảnh đó được xua tan cho đến một ngày, cụ Vinh cùng một người bạn chài bắt được cái con phát ra tiếng kêu đó. Con cá rất to, thân vàng óng. Vất vả lắm mới đưa được con cá khổng lồ lên thuyền. Quả nhiên đêm hôm sau không thấy tiếng “la” của con “ma” vô hình đâu nữa. Lúc đó mới biết là tiếng kêu của con cá này.

 

Cụ Vinh nhớ lại: “Đưa cá về đến nhà thì cũng đã quá đêm. Tuy nhiên do tò mò nên nhà tui chật kín người xem, ai cũng muốn thấy con cá “bằng xương bằng thịt” chứ không phải trong chuyện kể. Con cá cũng phải nặng trên 40 kg. Có người bảo nên chôn, có người bảo mổ lấy thịt mang ra chợ bán. Nhưng anh em tui quyết định mổ cá khao cả xóm.

 

Tại sao cá sú vàng lại có giá cao?

 

Một người chuyên buôn bán cá sú vàng giấu tên ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết, giá của loài cá này thường được mua từ 10 - 15 triệu đồng/kg, nhưng khi bán sang Trung Quốc giá được đội lên 25 triệu đồng/kg.

 

Theo anh Nguyễn Trung Tâm ở thôn 12 xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, người từng 2 lần bắt được cá sú vàng thì cá sú vàng không đắt ở phần thịt.

 

Xung quanh vấn đề này còn có nhiều ý kiến khác nhau. Người Trung Quốc coi cá sú vàng là biểu tượng của sự giàu sang và may mắn, nên các đại gia sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để sở hữu loại cá đặc biệt quý hiếm này, với lòng mong muốn phát tài phát lộc, làm ăn thuận buồm xuôi gió.

 

Trao đổi với chúng tôi về giá trị của loại cá này đối với y học, GS.TS Nguyễn Viết Thân -  phụ trách bộ môn Dược liệu, ĐH Y Dược Hà Nội cho biết: “Đây là một loài cá hiếm ở Việt Nam. Thịt của loại cá này cũng không có ý nghĩa gì với y học. Tuy nhiên, cá sú vàng đắt ở cái bóng cá. Bộ phận này được dùng làm chỉ tự tiêu trong phẫu thuật y học, đặc biệt dành cho những ca phẫu thuật ở những cơ quan quan trọng trong cơ thể, như mổ tim”. Vì thế, loài cá này mới có giá trị như vậy.

 

Theo Quang Thành

Gia đình & Xã hội