Huyền thoại bị “ăn thịt”
“Núi Tản Viên - Ba Vì là núi tổ của nước ta đó”, đúc kết ấy, lời hiệu triệu hùng thiêng ấy đã được cụ Nguyễn Trãi viết trong cuốn “Dư địa chí” nổi tiếng mọi thời đại. Đó là cuốn dư địa chí đầu tiên của Việt Nam ta.
Trong Tứ bất tử của tâm thức dân gian Việt ngàn đời, thánh Tản Viên - thánh Sơn Tinh là vị đứng đầu. Ngài cai quản núi Ba Vì, với hơn 300 di tích thờ tự ngài trên một vùng văn hóa cổ rộng lớn. Có vị giáo sư đã ví: Ba Vì với người Việt Nam có vai trò như một Olympeos của Hy Lạp vậy.
Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì và vùng phụ cận, với hệ cổ sinh địa tầng, với hệ động vật, thảm thực vật phong phú, còn là một kho báu thiên nhiên; đồng thời, nhiều nhà khoa học đã kiến nghị thành lập một khu bảo tồn địa chất tại đây. Tuy nhiên, tháng 3/2011, với những gì đang nóng bỏng và thậm chí vô lý tại khu vực này, thì người ta có quyền chua xót nghĩ: Huyền thoại Ba Vì đang bị “ăn thịt”.
Xây đập khổng lồ cho bà con… chết khát
Dư luận đang choáng váng với việc người ta bất chấp sự cực lực công kích của người dân, thu hồi đất cho doanh nghiệp đào xới ngay trong khuôn viên của VQG, rồi nạn đào đãi vàng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, coi thường luật pháp, gây mất niềm tin của bà con. Chuyện xảy ra ở xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, TP Hà Nội.
Đại khái như sau: Ở chân núi Ba Vì, trong khu vực quản lý của VQG hẳn hoi, người ta lập dự án xây dựng cái đập chứa nước khổng lồ, trị giá hơn 20 tỉ đồng. Việc này đã được UBND tỉnh Hà Tây cũ ra quyết định từ năm 2007 và giao cho UBND huyện Ba Vì làm chủ đầu tư. Những tưởng chuyện giao diện tích đất lớn của khu rừng đặc dụng đặc biệt quan trọng VQG này phải là quyền của Bộ NNPTNT hoặc là cấp trên nữa, việc Hà Tây (cũ) đã giao, đúng sai thế nào ta bàn sau.
Điều đáng xấu hổ nằm ở chỗ: Trước đó, bà con trong khu vực có người đã mắc vòng lao lý, chỉ vì mải mê, xả thân phản đối dự án xây đập Vai Xô (đập này đã xây xong, nằm phía trên đập Đồng Xô hiện nay) nhằm phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng và cả khu vực xã mình. Hàng trăm hộ dân cực lực phản đối, kiện cáo kéo dài.
Chuyện khó tin nhưng có thật này xảy đến, là bởi vì bà con biết rõ: Họ đang thu đất đai, ruộng rẫy, xóm mạc, nhà cửa của mình để làm cái khác, chứ không phải làm đập chứa nước phục vụ tưới tiêu. Bà con biết rõ Cty cổ phần và du lịch Bình Minh (đơn vị “trúng thầu”) là những ai, họ đang làm gì ở quê mình.
Sự thật đã diễn ra đúng như phỏng đoán của những bà con xứ Mường thật thà ấy: Đập Vai Xô xây xong, phục vụ tưới tiêu chẳng thấy đâu, mấy ông doanh nghiệp biến luôn đập thành nơi vui chơi cho khu du lịch kiểu phản sinh thái của họ.
Từ bấy, mỗi khi cần nước tưới phục vụ du lịch, là bà con lại lên xin xỏ, thậm chí “chiến đấu” với doanh nghiệp để họ mở cái van đập Vai Xô mà họ đang chiếm giữ một chút. Căng thẳng với người có “quyền” chỉ có thiệt, dòng suối từ nhiều trăm năm vẫn cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt, mùa màng và bình yên cho nhiều đời người Mường dưới chân Ba Vì, suốt mấy năm vừa rồi, đã vĩnh viễn bị chặn lại bởi một cái hồ của “tổ hợp du lịch”.
Mùa màng thất điên bát đảo, “vạn vật” chết khát liên miên. Mất đất, mất ruộng lòng một cái đập Vai Xô bà con đang ngậm đắng nuốt cay, thì nay người ta lại xây thêm một cái đập Đồng Xô khổng lồ nữa, cũng lại nói là vì mục đích... tưới tiêu cho dân.
Tháng 10/2010, khởi công dự án hồ Đồng Xô xong, người dân mới sững sờ: Người ta đào vàng suốt đêm ngày ở trong “dự án to lớn” đó. Không lẽ họ xin dự án để được đào vàng ở khuôn viên từng là “lãnh địa” của VQG, là cái mỏ vàng nổi tiếng bấy lâu nay vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt?
Bà con thám thính, chụp ảnh, các nhà báo mật phục quay phim. Đúng thế. Giám đốc VQG Ba Vì - ông Nguyễn Khắc Thành - sau khi đi kiểm tra vào tháng 3.2011, phải thừa nhận: Việc đào vàng ở khu vực xây dựng đập Đồng Xô là có thật, ông tận mắt chứng kiến điều đó, chứ không phải nghe ai báo cáo cả.
Ông Thành bảo, ông và bà con toàn bộ khu vực chả lạ gì cái việc “mỏ vàng sa khoáng” rất giàu có ở khu vực Đồng Xô từ nhiều năm nay. Có lúc bà con đã đào khoét ở đó thành hang hốc như hố bom tấn rồi. Cũng chẳng ai lạ gì ông Giám đốc của doanh nghiệp Bình Minh, ông này xuất thân buôn vàng tấm vàng cám ở chính khu vực này, rồi “phất” lên.
Các nhà báo đã đủ tài liệu để công bố trong cuộc tọa đàm vừa qua: Những chiếc rơmoóc của ôtô được tận dụng làm máng “đãi”, nước suối xả thẳng vào đống bùn đá, đất. Họ dùng máy lớn móc đá ra, bới lớp bùn rồi sàng đãi như thổ phỉ.
Họ làm ngày làm đêm, chỉ trừ những lúc các tổ canh gác báo tin là có người lạ khả nghi xâm nhập thì mới tạm dừng. Toàn bộ khu vực “bãi vàng” bị ô nhiễm nặng nề. Dù thế nào thì việc đào vàng ở khu vực dự án xây hồ kể trên cũng là sai, dù thủ phạm là ai và ai là người bảo kê đi nữa.
Nén nhang nhớ ông Giang Văn Bạo
Đáng sợ hơn, trong cuộc tọa đàm do Báo Khoa học & Đời sống tổ chức nhằm bảo vệ Ba Vì khỏi sự “xâu xé” của các người có tiền (vào tháng 3/2011), ông Nguyễn Văn Luân - đại diện cho người dân Mường ở 3 xóm Rùa, Xoan, Muồng Voi - đã thẳng thắn kể về những điều “tai quái” trong các dự án xẻ thịt huyền thoại kia: “Hiện nay, do đào xới, khai thác vàng trái phép nên bùn đất độc hại đã lấp hết dòng suối xã tôi. Sự tàn phá đó chạy dài vài cây số, hai bên ruộng vườn, ao tôm cá bị chết hết; cả trâu bò cũng không có nước uống. Môi trường đang bị hủy hoại nghiêm trọng”.
Trong “văn bản đọc tại hội nghị” này, ông Luân cũng hạ bút viết: “(Chúng) dùng thủ đoạn đi xe máy đâm chết ông Giang Văn Bạo” để nhắc lại chuyện ông Bạo (người Vân Hòa) bị chết “bí ẩn” do một tai nạn xe máy mà nhiều năm nay dư luận đều cho rằng, “thế lực” dữ dằn kia đã “khử” cái con người nghĩa hiệp đi đòi công lý đến cùng trong vụ bê bối xây dựng đập Vai Xô mấy năm trước.
Tôi - người viết bài này - là người đã trực tiếp nhận đơn và đau đớn cùng bà con xã Vân Hòa trong những ngày bà con chỉ ăn và đi kiện cái thế lực nhẫn tâm kia từ gần 10 năm trước. Bấy giờ, ông Giang Văn Bạo còn sống, bà Tập chưa mắc vòng lao lý vì “quá khích” trong phản đối dự án. Tôi không bình luận gì nhiều về cái chết của ông Bạo, chỉ biết rõ, đồng nghiệp (nhà báo) của tôi đã bị bắn tin đe dọa sẽ “khử” theo hướng mà ông Bạo đã chết (cố ý gây tai nạn).
Chỉ biết, thêm một lần nhỏ nước mắt và một nén tâm nhang, khóc thương cái con người yêu công lý và quả cảm đến tột cùng như ông Giang Văn Bạo. Ông vẫn hằng ngày đạp xe đi tìm công lý cho bà con xóm Mường... Thưa ông, sau khi ông chết, đập Vai Xô đã mọc lên như nó cần phải mọc lên; và bây giờ là Đồng Xô...
Các nhà báo và nhà khoa học đã đứng ra tổ chức tọa đàm bảo vệ núi Ba Vì, GS Nguyễn Lân Dũng - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Khoa học và công nghệ, UBTƯ MTTQVN; PGS - TS Hồ Huy Liêm - Chủ tịch LH các Hội KHKT Việt Nam - cùng nhiều “danh sĩ” khác cùng đau xót trước việc ứng xử tàn khốc với núi Ba Vì (trong đó có nạn đào đãi vàng), rồi thống nhất gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ nhằm tìm cách bảo vệ VQG Ba Vì. Trong khi các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam biết rõ “núi Ba Vì đang bị xâm hại”, tôi vô cùng thất vọng và oán trách cán bộ địa phương khi ho... hoặc giả vờ, hoặc quan liêu đến độ không biết gì.
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì (chủ đầu tư đập Đồng Xô) - bảo chưa nghe thấy chuyện đãi vàng, “phát ngôn chính thức của tôi là chưa nghe thấy!”. Phó phòng Tài nguyên môi trường huyện, thì bảo có biết và đã đề nghị xã... tìm hiểu nhưng chưa có kết quả. Bí thư Đảng ủy xã Vân Hòa không biết vì lý do gì chỉ ậm ừ loanh quanh... Sợ quá.
Quá nhiều “dự án” cày xới làm Ba Vì “chết lụi”
Trong khi lực lượng kiểm lâm tỏ ra bất lực, thì khi tiếp nhóm phóng viên tại nhà riêng ở thị xã Sơn Tây, ông Phùng Văn Hệ - Giám đốc Cty Bình Minh - trong cuộc nói chuyện chính thức về việc Cty của mình bị “tố” đào vàng trong VQG, đã nói: “Thế hỏi chúng mày (các nhà báo - PV), tao có phải là Năm Cam không? Ngày xưa có đứa chết đuối ở đấy xong rồi chúng nó bảo là tao bóp chết(...). Ngày xưa người dân biểu tình chôn tại thác. Nhiều người còn vu khống tao là Năm Cam phá rừng trên đấy”.
Xin hỏi, trên đời này liệu có ai bỏ nhiều tiền (tiền tỉ) để rồi phải nhiều năm trời “căng thẳng” với dân, kể cả “đánh đấm”, tù tội, thanh tra, thù hận... chỉ để kiên quyết được làm từ thiện kiểu xây đập nước phục vụ tưới tiêu cho chính những người đang sẵn sàng “chiến đấu” với mình và công ty của mình không(!?). Đằng sau các dự án kia là cái gì?
Vì gần như nằm trong lòng thủ đô Hà Nội, lại có kho báu VQG, với nhiều thắng cảnh đẹp và hoang sơ, đủ suối, thác, hệ động thực vật, lại từng có thông tin về việc di dời trung tâm hành chính quốc gia về đó..., nên khu vực xung quanh núi Ba Vì đã diễn ra một cuộc “xâu xé”, “xẻ thịt” đất đai và thiên nhiên môi trường khổng lồ. Các dự án sân golf và du lịch cả nghìn hécta, chi chít các “khu du lịch” na ná nhau, xấu xí, bêtông hóa đến mức chẳng biết họ làm vì sinh thái hay vì chiếm đất với mục đích gì đó. Nào là: Thác Đa, Ao Vua, Thiên Sơn - Suối Ngà, Đầm Long, Khoang Xanh...
Những điểm thờ thánh, thờ mẹ của thánh Tản thì bị cánh đồng cốt hủy hoại di tích, bôi vẽ xanh đỏ, lên đồng nhảy múa, xả rác tràn lan. Đặc biệt, khu làng cò Ngọc Nhị thì biến thành lò sát sinh chim hoang dã lớn nhất Việt Nam bằng cách ngày nào cũng giết chim cò làm tiệc đãi khách, kể cả khu Đầm Long, họ từng bắt khỉ giết thịt, đưa vào thực đơn, phục vụ cả các đoàn khách món phạt đầu múc óc Tôn Ngộ Không (hai “sự kiện” này Lao Động đều đã đăng tải).
Nhiều giá trị quý báu của núi tổ Ba Vì và vùng đất cổ hùng thiêng này đang bị chết lụi, bị xẻ thịt vì lối ứng xử chộp giật kiểu con buôn của kia.
Theo Nguyễn Thị Diệu Thanh
Báo Lao động