Trà Vinh:
Huyện nghèo quyết tâm xây dựng nông thôn mới mà không "ôm nợ"
(Dân trí) - Bí thư Huyện ủy Cầu Kè Nguyễn Thế Ngoan chia sẻ: “Quyết tâm xây dựng nông thôn mới của huyện rất cao nhưng tiền ít mình phải xây dựng công trình mang lợi cho dân trước và không để nợ đọng”.
Ngày 10/6, UBND tỉnh Trà Vinh long trọng tổ chức đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới 2019.
Huyện Cầu Kè là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Trà Vinh nhưng giàu truyền thống cách mạng. Mảnh đất này sinh ra nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út (còn gọi là Út Tịch). Người dân nhớ nữ anh hùng này qua câu nói bất hủ về ý chí đánh giặc: "Còn cái lai quần cũng đánh".
Huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, toàn huyện có trên 7.000 hộ nghèo. Khi huyện bắt tay vào xây dựng nông thôn mới vào năm 2010, hạ tầng giao thông vô cùng khó khăn; thu nhập đầu người chỉ hơn 15 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt, nhiều xã chỉ đạt 1-2 tiêu chí, trong đó, xã điểm Ninh Thới chỉ đạt 3 tiêu chí, đến 2011 đạt 6 tiêu chí. Cũng từ 2011, Đảng bộ huyện Cầu Kè vào cuộc, xác định việc xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng; Đảng viên, cán bộ phải tiên phong trong mọi công tác về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tập trung tuyên truyền để người dân cùng đoàn kết xây dựng nông thôn mới.
Từ đó, các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, điện nông thôn, trường học, y tế, môi trường… dần dần được đầu tư và hoàn chỉnh. Từ hiệu quả thiết thực, cộng với công tác tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng nhân dân để dân biết, dân làm và dân thấy được cái lợi trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nên nhân dân tham gia ngày càng hăng hái.
Khi các “tiêu chí cứng” về giao thông nông thôn, thủy lợi, hệ thống điện, nước phủ sóng từ huyện về các xã, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Cầu Kè dồn sức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân bằng việc chuyển đổi cây trồng, như: từ cây lúa sang bưởi da xanh, chôm chôm, dừa sáp, măng cụt… áp dụng mô hình trồng trọt theo chuẩn VietGap. Nhờ đó, thu nhập đầu người ở 11 xã, thị trấn năm 2019 của huyện Cầu Kè đạt trên 52 triệu đồng/người/năm. Và cuối năm 2019, huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới.
Sư cả Thạch Thảo – Chùa Majji Marama, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Kè - chia sẻ: “Cảm tưởng đầu tiên của sư về việc xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta, góp phần xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, làm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn thêm khởi sắc đi lên. Xây dựng hạ tầng nông thôn giàu đẹp và ngày càng văn minh”.
Tuy nhiên, theo Sư Thạch Thảo việc xây dựng huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới đã khó nhưng việc duy trì huyện Cầu Kè đạt chuẩn và phát triển nâng cao còn khó khăn hơn. Chính vì thế, bản thân sư sẽ tiếp tục vận động tăng ni phật tử chung tay với chính quyền xây dựng ấp, xã thêm đẹp, văn minh, sống đúng chủ trương đường lối của Đảng. Còn về phía chính quyền, sư mong cấp trung ương, tỉnh tiếp tục quan tâm cho huyện Cầu Kè để huyện Nông thôn mới có đủ điều kiện duy trì và nâng chất huyện nông thôn mới tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thế Ngoan – Bí thư Huyện ủy Cầu Kè, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Cầu Kè, chia sẻ: “Nhiệm vụ xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019 là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của cán bộ, Đảng viên. Tuy nhiên, khi nguồn lực tài chính từ ngân sách và trong nhân dân có hạn thì Ban chỉ đạo xác định việc đầu tư xây dựng phải có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, phát triển kinh tế nông nghiệp… Từ đó, cho nhân dân thấy ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới để dân biết, dân bàn và dân cùng tham gia với nhà nước. Quyết tâm các cấp, các ngành rất cao về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nhưng phải vừa sức dân, không để nợ đọng”.
Theo ông Ngoan, để đạt mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới, không có nợ đọng, các cấp, các ngành tranh thủ vận động các DN, tổ chức, người dân... chung tay bắc cầu, làm đường, lắp đặt hệ thống chiếu sáng... Trong đó có báo Dân trí phối hợp công ty May 10 đã đến xã Ninh Thới, bắc cây cầu nông thôn mang tên Dân trí có giá trị gần 400 triệu đồng.
Huyện Cầu Kè có 10 xã, 01 thị trấn (61 ấp, 6 khóm), với diện tích tự nhiên hơn 24.600ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp trên 20.000ha. Từ khi bước vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới kinh tế - xã hội huyện tiếp tục phát triển, tốc độ phát triển giai đoạn 2010 -2015 là 12,9%; giai đoạn 2016 -2019 đạt trên 13%, thu nhập đầu người năm 2019 đạt trên 52 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo chỉ còn 680/31. 534 hộ.
Hiện người dân phấn khởi khi cảnh quan môi trường toàn huyện khoác lên mình áo mới; đường làng xanh, sạch, ban đêm hệ thống chiếu sáng khắp làng quê; trường lớp, cơ sở y tế khang trang; giao thông nông thôn thông suốt đảm bảo đi lại của người dân, giao thương thuận lợi… Từ đó giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở huyện anh hùng Cầu Kè được nâng cao đáng kể.
Đặc biệt, trong ngày vui đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới 2019, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Cầu Kè “thở phào” vì không có nợ đọng.
Nguyễn Hành