1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Nam:

Huyện nghèo nhưng “dời đô” trăm tỉ ?

(Dân trí) - Trong 30 năm nhưng huyện Nam Giang lại “dời đô” đến 3 lần. Điều đang nói, Nam Giang là một trong các huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam và kinh phí “dời đô” này chủ yếu là từ ngân sách.

Xây dựng hơn 10 năm, trung tâm hành chính cũ đã bất cập

Chính quyền huyện Nam Giang đang chuẩn bị các thủ tục để tiến hành dời trung tâm hành chính (TTHC) từ Bến Giằng (xã Cà Dy) về lại thị trấn Thạnh Mỹ cách đó 12km sau hơn 10 năm sử dụng.

Cầu Bến Giằng, lối vào TTHC huyện Nam Giang hiện nay
Cầu Bến Giằng, lối vào TTHC huyện Nam Giang hiện nay

Trước đó từ năm 2000 - 2003, TTHC huyện Nam Giang chính thức chuyển về Bến Giằng. Các trụ sở của Huyện ủy, UBND huyện và Ủy ban MTTQ huyện... đồng loạt xây mới, việc này đã “ngốn” cả chục tỉ đồng.

Đó là chưa kể, khu vực Bến Giằng nằm ngay ngã ba sông, thường xuyên bị sạt lở buộc phải đổ hàng chục tỉ đồng vào xây dựng bờ kè. Thế nhưng, đến nay khi các trụ sở còn khang trang thì chính quyền địa phương lại xin chủ trương cho di dời về lại thị trấn Thạnh Mỹ.

Ông A Lăng Mai, Chủ tịch huyện Nam Giang cho biết, Tỉnh ủy Quảng Nam đã nhất trí việc di dời. Cuối năm 2013, tỉnh Quảng Nam đã có quy hoạch chung. Tháng 2/2015, tỉnh đã phê duyệt chi tiết 1/500 TTHC huyện.

Theo đó, trong giai đoạn từ 2016 - 2020, TTHC huyện Nam Giang sẽ lần lượt xây dựng tại thị trấn Thạnh Mỹ trên diện tích 85ha với tổng kinh phí đầu tư 100 tỉ đồng. Số tiền này dùng để xây dựng 3 trụ sở của Huyện ủy, UBND huyện và Ủy ban MTTQ, giải phóng mặt bằng và mở đường.

Trụ sở Huyện ủy, UBND và Ủy ban MTTQ VN huyện nằm chơ vơ trên đồi, bên dưới là sông sâu
Trụ sở Huyện ủy, UBND và Ủy ban MTTQ VN huyện nằm chơ vơ trên đồi, bên dưới là sông sâu

Theo ông Mai, các trụ sở của địa phương đóng tại Bến Giằng đã tồn tại bất cập từ hơn 10 năm qua; vị trí TTHC hiện nay tại Bến Giằng nằm trong khu vực quá chật hẹp không thể quy hoạch mở rộng để phát triển dân cư, kinh tế.

Ngoài ra, do nằm tại ngã ba sông nên khu vực này bị xói lở, ngập lụt. Bên cạnh đó, do dịch vụ không phát triển nên người dân hoặc các đơn vị đến làm việc với huyện phải đi lại nhiều lần vì không có chỗ lưu trú.

“Cán bộ, công chức huyện đều có nhà cửa ở thị trấn Thạnh Mỹ cách TTHC 12km, trong khi đó nhà công vụ thì không đủ chỗ nên hằng ngày đi làm mất nhiều thời gian...”, ông Alăng Mai cho biết.

Được biết, Nam Giang là một huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Nam với 80% là đồng bào dân tộc thiểu số trong tổng số 25.000 dân, sống phụ thuộc chủ yếu vào nương rẫy.

Chủ tịch huyện “trần tình” về việc “dời đô” trăm tỉ

Trước thông tin huyện Nam Giang (Quảng Nam) sẽ tiến hành dời trung tâm hành chính về vị trí cũ tiêu tốn khoảng 100 tỉ đồng. Chủ tịch huyện Nam Giang – ông Alăng Mai - đã có giải trình về vụ việc này.

Tại cuộc họp báo thường kỳ do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức chiều ngày 1/12, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang – ông Alăng Mai – cho rằng, TTHC của huyện hiện nay có nhiều bất cập, khó khăn. Theo ông, việc di dời này không phải bây giờ mà cách đây 5 năm, đã được Huyện ủy nhìn nhận, đánh giá thấy nhiều bất cập.

Chủ tịch huyện Nam Giang - ông Alăng Mai
Chủ tịch huyện Nam Giang - ông Alăng Mai

Ông nói: “Quy hoạch trước đây của TTHC tại Bến Giằng không phù hợp với phát triển lâu dài vì đất đai không có, xung quanh là đồi núi, dưới là dòng sông. Cơ sở hạ tầng không đảm bảo được các điều kiện vì không có nơi ăn ở, sinh hoạt nên các doanh nghiệp, cán bộ, người dân đến làm việc xong thì phải về lại thị trấn Thạnh Mỹ ăn ở sinh hoạt cách 12km”.

Ông Alăng Mai cho hay, Hội nghị Huyện ủy mở rộng để lấy phiếu trưng cầu cho ý kiến việc quy hoạch TTHC huyện Nam Giang năm 2015 – 2020 đã nhận được hơn 92% ý kiến đồng ý. Vì vậy, Ban thường vụ Huyện ủy đã báo cáo xin ý kiến Tỉnh ủy Quảng Nam và đã được Tỉnh ủy đồng ý.

“Khi xây dựng mới trụ sở, chúng tôi không phá bỏ mà chỉ chuyển mục đích sử dụng. Các trụ sở này sẽ được chuyển qua làm trường học và trụ sở xã Cà Dy ngay tại đó. Còn trụ sở của Công an huyện, Ban chỉ huy quân sự huyện vẫn còn giữ lại để lại làm việc và sau này chuyển sang làm nhiệm vụ khác khi chuyển hẳn về Thạnh Mỹ. Về lâu dài sẽ chuyển qua bán đấu giá để lấy tiền sử dụng vào mục đích khác cho huyện”, ông Alăng Mai cho biết.

Chủ tịch huyện Nam Giang cũng cho hay, khi xây dựng trụ sở mới cũng chỉ xây dựng trụ sở Huyện ủy, UBND huyện và Ủy ban MTTQ VN huyện chứ không phải xây toàn bộ.

Về cơ chế đầu tư, Chủ tịch huyện Nam Giang cho biết, đang trình xin chủ trương của tỉnh và sẽ được UBND tỉnh sẽ trình tại kỳ họp HĐND sắp tới. Nhưng mức kinh phí cấp cho việc di dời TTHC mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng.

“Vừa qua có nhiều thông tin chưa mang tính xây dựng, góp ý nhất là đối với một huyện miền núi của chúng tôi”, ông Alăng Mai “giải bày”.

Về việc này, tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Chín - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - cho biết, tỉnh đã thống nhất chủ trương. “Tốn kém thì chắc chắn là tốn rồi. Dời nhà đi thì chắc chắn tốn. Tỉnh sẽ hỗ trợ 100 tỉ để xây dựng trung tâm đô thị Thạnh Mỹ chứ không phải tiền này để đầu tư TTHC. Mỗi năm khoảng 20 tỉ. Nếu ở lại đó mà phát triển thì di dời làm chi cho tốn tiền”, ông Nguyễn Chín nói.

Công Bính

 

 

Huyện nghèo nhưng “dời đô” trăm tỉ ? - 4

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm