Huyện miền núi ở Thừa Thiên Huế có nguy cơ sạt lở
(Dân trí) - Tại huyện miền núi Nam Đông, trong buổi làm việc với lãnh đạo huyện ngày 29/10, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhận định tình hình sạt lở có nguy cơ xảy ra.
Theo đó, làm việc với lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện Nam Đông sau khi đi kiểm tra tình hình thiệt hại do bão số 9 gây ra tại huyện miền núi Nam Đông sáng 29/10, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chỉ đạo huyện cần tập trung mọi lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 gây ra.
Do ảnh hưởng của bão số 9, bắt đầu từ lúc 9h30 đến 17h ngày 28/10, trên địa bàn huyện có có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9 đã làm cho nhiều nhà dân và nhiều diện tích cây lâm nghiệp, nhất cây cao su bị gãy đổ.
Trước khi bão số 9 đổ bộ, để đảm bảo an toàn cho các hộ ở những vùng có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai, UBND huyện Nam Đông đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện sơ tán gần 1.600 hộ, với hơn 5.000 khẩu ở các vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đến các vị trí an toàn; hiện nay các hộ sơ tán đã trở về lại nhà an toàn.
Qua báo cáo nhanh của UBND huyện, thống kê sơ bộ trên địa bàn huyện có 5 nhà bị sập, hơn 400 nhà bị tốc mái, 5 trường học và trụ sở cơ quan bị hư hại. Có hơn 20 điểm tại các tuyến đường giao thông, đường dân sinh bị sạt lở, hư hỏng và 16 cầu, cống qua đường sản xuất bị nước xói lở gây hư hỏng, sạt lở đất dọc bờ sông, suối hơn 3,6km, gần 3 ha đất trồng lúa bị đất, đá vùi lấp.
Nhận định tình hình sạt lở có nguy cơ xảy ra trên địa bàn huyện, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu Huyện Nam Đông cần có khảo sát, trong đó có thể thuê chuyên gia để khảo sát tình hình địa chất tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở trên địa bàn huyện, để có giải pháp xử lý nhằm không để xảy ra tình trạng sạt lở gây thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau cơn bão, Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu UBND huyện Nam Đông tập trung khắc phục, xử lý những thiệt hại bước đầu; tiếp tục nắm bắt lại tình hình đời sống bà con nhân dân, xem có thiệt hại gì để có hướng xử lý, hỗ trợ tiếp theo; với các hộ dân khó khăn, cần huy động các lực lượng để hỗ trợ, giúp đỡ người dân sớm ổn định đời sống...
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế tính đến 11h trưa 29/10 thiệt hại bước đầu do bão số 9 gây ra, trên địa bàn tỉnh không có người chết, bị thương 14 người, có gần 900 nhà bị tốc mái, một số công trình, trường học bị hư hỏng. Gió bão đã làm gãy đổ, ảnh hưởng, hư hại khoảng 50% diện tích cây cao su ở huyện Nam Đông. Do ảnh hưởng của bão số 9, triều cường, sóng lớn làm cho bờ biển Thừa Thiên Huế tiếp tục bị xói lở nặng với chiều dài hơn 14 km, tập trung ở các đoạn xung yếu ở xã Giang Hải (huyện Phú Lộc), xã Phú Thuận (huyện Phú Vang)...