1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Huỷ chuyến bay, hàng không phải bồi thường

Dự thảo Luật Hàng không mới nhất trao quyền cho Bộ trưởng Giao thông Vận tải quy định khoản tiền phạt do chậm huỷ chuyến. Song trao đổi với báo giới sáng 15/2, Bộ trưởng Đào Đình Bình cho biết sẽ rất khó để đưa ra mức tiền công bằng cho cả khách hàng và nhà cung ứng dịch vụ.

Bộ trưởng sẽ đưa ra quy định bồi thường như thế nào khi luật được thông qua?

Trên thế giới có EU quy định phạt các hãng hàng không khi huỷ chuyến khoảng 250-600 euro tuỳ mức độ thiệt hại hành khách chứng minh được. Tuy nhiên hiện tại bản thân EU cũng bị các hãng hàng không của họ kiện ra tòa với lý do không công bằng. Ở VN, dự thảo luật quy định nếu huỷ chuyến dẫn đến thiệt hại, ngoài giải quyết nhu cầu ăn ở đi lại cho hành khách phải có một khoản tiền bồi thường.

Mức phạt này sẽ phải tính toán trên cơ sở các quy định quốc tế, phù hợp với điều kiện kinh tế của VN. Sẽ rất khó khăn để đưa ra một quy định vừa đáp ứng yêu cầu của hành khách vừa không làm hãng hàng không quá thiệt thòi. Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến cả người tiêu dùng và các hãng vận tải.

Vietnam Airlines dự kiến sẽ phát các phiếu hưởng dịch vụ thay cho bồi thường bằng tiền, nhiều khách hàng không hưởng ứng cách làm này. Bộ trưởng nghĩ sao?

Trước mắt chúng tôi không phản đối. Thực tế không thể nào thỏa mãn được tất cả yêu cầu của hành khách khi lỡ huỷ chuyến. Hành khách cũng phải thông cảm trong những hoàn cảnh như vậy có thể đến khách sạn 3 sao, đạt yêu cầu tối thiểu về vệ sinh ăn ở chứ không nhất thiết ở khách sạn 5 sao trong thành phố.

Nhiều chuyến bay hoãn tới nửa ngày nhưng khách hàng không hề được xin lỗi, vậy Bộ đã can thiệp gì để hãng cải tiến hơn?

Về phần mình Bộ không cho phép bất kỳ cung cách ứng xử nào như vậy. Bản thân hãng phải tự chỉnh đốn để năng cao khả năng cạnh tranh.

Chúng tôi cũng đã có nhiều chỉ thị hàng không phải đảm bảo thuận tiện an toàn cho hành khách. Về mặt quản lý nhà nước, Bộ chỉ quản lý chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc Vietnam Airlines.

Động thái rõ nhất là Bộ chưa khen thưởng lãnh đạo của VNA dù đã nhận được đề nghị vì chưa hài lòng với chất lượng của hãng. Còn nếu hành khách nào chưa hài lòng với cách ứng xử của nhân viên có thể góp ý, thậm chí kiện ra tòa.

Nguyên nhân sâu xa là do độc quyền gây ra, liệu sau thời hạn cam kết với Temasek, có thêm hãng nào được cấp phép?

Pacific Airlines và Temasek vẫn đang đàm phán cụ thể về việc góp vốn, điều quan trọng là Pacific Airlines vẫn đang hoạt động chứ không phải chỉ có Vietnam Airlines.

Tới đây, Nhà nước sẽ cho phép các hãng hàng không mới được thành lập để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng không VN.

Việc rút bớt đặc quyền của Vietnam Airlines có phải nhằm phục vụ chủ trương này?

Hiện tại Vietnam Airlines được phân phối giờ bay - một đặc quyền luôn được các nhà khai thác quan tâm. Đây cũng là hỗ trợ của Nhà nước để giúp hãng có điều kiện thương thảo với các đối tác khi mở đường bay mới.

Tuy nhiên trong tương lai khi hoạt động hàng không dân dụng có sự tham gia của nhiều nhà khai thác thì việc phân phối giờ cất cánh, hạ cánh sẽ do Cục Hàng không dân dụng Bộ Giao thông Vận tải thực hiện.

Theo Phong Lan
VnExpress