Hướng Đông Nam - Cánh quân đầu tiên đánh vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975

Khoa Nam Tùng Nguyên

(Dân trí) - Quân đoàn 2 phụ trách hướng Đông Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau 3 ngày đêm chiến đấu, cánh quân này đã đánh tan phòng tuyến Đồng Nai, sau đó đánh chiếm Dinh Độc Lập.

Cánh quân bắt giữ nội các chính quyền Sài Gòn

Nhân dịp kỷ niệm 46 năm Ngày toàn thắng 30/4/1975, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai tổ chức hội thảo khoa học "Hướng Đông Nam trên địa bàn Đồng Nai trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử" vào ngày 28/4 tại tỉnh Đồng Nai.

Tham dự hội thảo có Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; ông Nguyễn Phú Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Văn Hóa - Tư lệnh Quân đoàn 2; ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; Thiếu tướng Du Trường Giang - Phó tư lệnh Quân khu 7…

Hướng Đông Nam - Cánh quân đầu tiên đánh vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 - 1

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ôn lại bối cảnh lịch sử dẫn đến việc Bộ Chính trị quyết định thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nhằm giải phóng Sài Gòn - Gia Định trong tháng 4/1975.

Để thực hiện chiến dịch này, Quân đoàn 3 được tăng cường lực lượng vũ trang Tây Ninh, Sài Gòn - Gia Định phụ trách hướng Tây Bắc; Quân đoàn 1 phụ trách hướng Bắc; hướng Đông và Đông Nam có Quân đoàn 4 và Quân đoàn 2; hướng Tây và Tây Nam có Đoàn 232 và chủ lực Quân khu 8.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho biết, theo kế hoạch, trên hướng Đông Nam, Quân đoàn 2 sẽ đảm nhiệm tiến công tiêu diệt địch ở tả ngạn sông Đồng Nai, đánh chiếm căn cứ Nước Trong, căn cứ Long Bình, chi khu Long Thành, chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ… Hướng tiến công chính diện có chiều sâu 68km từ đông bắc Long Thành - Nước Trong tới trung tâm thành phố Sài Gòn.

Đông Nam là hướng được Mỹ và chính quyền Sài Gòn tổ chức lực lượng phòng ngự mạnh, gồm các đơn vị: Lữ đoàn 468 lính thủy đánh bộ; Lữ đoàn 1 và 4, Liên đoàn 33 biệt động quân; 18 tiểu đoàn bảo an, 4 thiết đoàn xe tăng và xe bọc thép, 62 khẩu pháo lớn các loại…

Hướng Đông Nam - Cánh quân đầu tiên đánh vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 - 2
Hàng trăm đại biểu đến tham dự hội thảo khoa học "Hướng Đông Nam trên địa bàn Đồng Nai trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử" vào ngày 28/4 tại tỉnh Đồng Nai.

Để phá vỡ tuyến phòng ngự Đông Nam, chủ lực của Quân đoàn 2 gồm Sư đoàn 304, Sư đoàn 325, Lữ đoàn xe tăng 203, Sư đoàn phòng không 673, Lữ đoàn pháo binh 164... được giao đột phá trên hướng chủ yếu từ điểm cao 43 đến ngã ba Phước Lộc (Nam thị trấn Long Thành) theo hướng đường 15, ngã ba Long Bình, cầu Xa Lộ vào Sài Gòn.

Mũi đột kích chủ yếu đánh vào căn cứ Nước Trong, Long Bình, cầu Xa Lộ do Sư đoàn 304 đảm nhiệm. Mũi quan trọng đột kích chi khu Long Thành, chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, Cát Lái do Sư đoàn 325 đảm nhiệm. Hướng thứ hai do Sư đoàn 3 đảm nhiệm, đột phá chi khu Đức Thạnh, các thị xã Bà Rịa và Vũng Tàu.

17h ngày 26/4/1975, cuộc tiến công trên hướng Đông Nam mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau 3 ngày đêm chiến đấu, cánh quân hướng Đông Nam đã đánh sập hệ thống phòng ngự của quân đội Sài Gòn trên địa bàn Đồng Nai, chiếm giữ các cầu Xa Lộ, Đồng Nai, Sài Gòn, sông Buông…

Từ đó, tạo điều kiện cho hướng mũi tiến công, đặc biệt là lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 nhanh chóng đánh chiếm dinh Độc Lập, bắt giữ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện trên đài phát thanh vào trưa ngày 30/4/1975.

Hướng Đông Nam - Cánh quân đầu tiên đánh vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 - 3
Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975. (ảnh tư liệu)

Vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Phát biểu tổng hợp tham luận, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đánh giá chiến tích của cánh quân hướng Đông Nam đóng góp rất quan trọng vào thành công của chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đó không chỉ thể hiện sức mạnh của Quân đoàn 2 mà còn có sự phối hợp chiến đấu trực tiếp của lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân các huyện Long Thành, Nhơn Trạch thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai ngày nay.

Cụ thể, quân và dân Đồng Nai đã phối hợp cùng Sư đoàn 304 đánh chiếm căn cứ Nước Trong, trường Thiết giáp, trường Bộ binh, trường Cảnh sát quốc gia II, tổng kho Long Bình; phối hợp Sư đoàn 235 đánh chiếm thị trấn Long Thành, sở cao su Bình Sơn, chi khu Nhơn Trạch…

"Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương còn tích cực, chủ động làm công tác binh vận vô hiệu hóa binh sĩ địch, giải phóng và làm chủ một vùng nông thôn liên hoàn, tạo hàng lang giao thông quan trọng; đồng thời, huy động hàng trăm tàu thuyền cho bộ đội vượt sông, bảo đảm cơ sở vật chất hậu cần cần thiết…", Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên phát biểu.

Hướng Đông Nam - Cánh quân đầu tiên đánh vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 - 4
Các nhân chứng lịch sử, lãnh đạo quân đội và tỉnh Đồng Nai gặp gỡ tại hội thảo.

Ông cho rằng: "Có thể khẳng định, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh nói chung, thắng lợi của Quân đoàn 2 trên hướng Đông Nam nói riêng, nhân dân và các lực lượng vũ trang tại chỗ đã nổi dậy, tạo thế, tạo lực, bảo đảm hàng lang tiến công của bộ đội chủ lực, làm tăng hiệu quả tác chiến".

"Biểu hiện cụ thể, sinh động nhất chính là lực lượng của gần một sư đoàn chủ lực Quân đoàn 2 đã được nhân dân cung cấp thuyền vượt qua sông rộng ngay dưới làn bom đạn ác liệt, hiểm nguy, kịp đưa lực lượng vào tác chiến thắng lợi trong nội đô Sài Gòn", Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Phú Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng cho biết, địa phương giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai trong kháng chiến đã ghi nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng; là nơi ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản Phú Riềng - tổ chức cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam bộ (tháng 10/1929); là nơi thành lập Trung ương Cục miền Nam ở Chiến khu Đ (tháng 10/1961); là nơi diễn ra trận đánh Mỹ đầu tiên ở miền Nam (ngày 7/7/1959) và nhiều chiến thắng vang dội khác.

"Những chiến thắng vang dội đó đã trở thành giá trị truyền thống cách mạng tốt đẹp, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân Đồng Nai vượt khó vươn lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", ông Nguyễn Phú Cường nói.

Hướng Đông Nam - Cánh quân đầu tiên đánh vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 - 5
Ông Nguyễn Phú Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định Đồng Nai là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cũng cho rằng, hội thảo hôm nay sẽ là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.

Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cũng nhận định kết quả hội thảo một lần nữa góp phần làm sâu sắc giá trị, ý nghĩa của những thắng lợi ở hướng Đông Nam trên địa bàn Đồng Nai trong chiến dịch Hồ Chí Minh; bồi đắp niềm tin, lòng tự hào về truyền thống lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, củng cố quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.

Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 80 báo cáo, tham luận của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; các cơ quan Trung ương, các địa phương; các tướng lĩnh, sĩ quan, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Các tham luận đã đề cập một cách toàn diện, phong phú, sâu sắc những vấn đề xoay quanh chủ đề hội thảo "Hướng Đông Nam trên địa bàn Đồng Nai trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử".