1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

Huế: Một xã lập kỉ lục dự án “treo”

(Dân trí) - Theo số liệu thống kê của chính quyền 5 năm trở lại đây, xã Thuỷ An (thành phố Huế) có trên 16 dự án đăng kí đầu tư nhưng còn tới hơn 10 dự án vẫn nằm trên giấy. Dự án “treo”, người dân không có đất sản xuất nên cái đói cái nghèo cứ dai dẳng.

An cư theo kiểu... tạm bợ

Qui hoạch “treo” nên cuộc sống người dân nơi đây cũng bị “treo” theo. Nhà ông Trần Hoà (số nhà 44, xóm Gióng) hư hỏng nặng cũng không dám xây dựng lại vì nằm trong diện qui hoạch. Mỗi khi trời mưa gió thì cả nhà ông lại cùng chung sức để che chắn.

“Hễ trời chuẩn bị mưa thì cả nhà tui như chuẩn bị một trận chiến, mưa to nước vào nhà như xối” - ông Hoà tâm sự. Cũng như gia đình ông Hoà, ngôi nhà của ông Mè đã có gần trăm tuổi chỉ cần một trận gió mạnh là đôi vợ chồng già lại sống trong sự hãi hùng.

Ông Mè bức xúc: “Đã nhiều lần, tui xin chính quyền địa phương được gia cố lại ngôi nhà nhưng không được chấp nhận vì đất nhà tui nằm trong diện qui hoạch”. Cũng từ quy hoạch treo, người dân nơi đây không chỉ khổ vì chuyện nhà ở mà còn khốn đốn trong việc lo miếng cơm, manh áo.

Bởi đồng nghĩa với việc mất đất sản xuất là đất bị bỏ hoang. Người dân cho hay đất đai ở đây rất tốt, trồng lúa cho năng suất cao. Nhưng kể từ khi đất nằm trong diện qui hoạch thì bị tịch thu và bỏ hoang cả. Chị Lý, một người dân bày tỏ: “Nhà tui hơn mười miệng ăn trước đây đều sống nhờ vào cây lúa nhưng nay thì phải chạy ăn từng bữa”.

Vẫn chưa hết khổ từ những dự án “treo” này, từ khi chính quyền cho đắp vành đai, ở khu qui hoạch Đại học Huế, thì vành đai này cùng dãy núi và đường sắt Bắc-Nam tạo nên bức thành che chắn bốn mặt nên khi trời mưa là cả xóm như ở trên một biển hồ ô nhiễm.

Tạm bợ đến bao giờ?

Trước tình trạng quy hoạch “treo” gây nhiều bức xúc, người dân chỉ còn cách gửi đơn thư đi khắp các cấp chính quyền kêu cứu. Ông trưởng thôn xóm Gióng bày tỏ: “Hiện tại người dân ở khu này rất cơ cực, nhà cửa xiêu vẹo, đất sản xuất thì hạn hẹp. Trong lúc đời sống người dân ở các nơi khác ngày càng đi lên thì đời sống người dân ở những vùng qui hoạch như chúng tôi, ngày càng khó khăn chồng chất”.

Còn ông Trần Hùng Nam, Chủ tịch phường An Tây, một phường mới được thành lập từ xã Thuỷ An cho biết: “Trong khi nhiều dự án chưa được triển khai thì hàng loạt dự án khác lại được đổ về đây, không chỉ người dân khổ mà chúng tôi cũng gặp không ít phiền hà trong việc quản lí hành chính”.

Thế nhưng có lẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất vẫn là người dân, họ đang từng ngày phải canh cánh nỗi lo trăm bề và không biết cuộc sống tạm bợ sẽ tiếp diễn đến bao giờ?

Viết Lam