1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Huế đón Tết bằng hoa… tứ xứ

(Dân trí) - Người Huế đón Tết bao giờ cũng phải có chậu mai hoặc cành mai. Nhưng năm nay, mưa rét kéo dài hơn một tháng khiến mai không thể kịp trổ bông, ra hoa đúng hẹn. Vậy là các gia đình Huế phải thay màu vàng của hoa mai bằng hoa tứ xứ…

Huế đón Tết bằng hoa… tứ xứ - 1

Vườn mai của Công ty Công viên cây xanh thành phố Huế không một cây ra hoa
 
Trong sân vườn của các gia đình người Huế bao giờ cũng có các loại cây đi theo bộ. Có người thích Bộ Giàu gồm: Sung - Mãng (mãng cầu) - Quang (quang âm) - Cuối (nguyệt quế). Người thích bộ Lão gồm: Sanh - Si - Đa - Đề. Nhưng phần lớn người Huế thích chơi cây theo bộ Sang: mai, lan, cúc, trúc.
 
 

Tục chơi mai ngày Tết có ở khắp cả nước bởi quan niệm hoa mai mang... cái hồn của mùa xuân, nhất là người miền trong từ vùng Huế trở vào Nam. Ở quan niệm này có thể nói đến sự khó tính của người Huế: ngày Tết phải có cho được cành hoàng mai đặc trưng, rặt gốc Huế.

Hoàng mai xứ Huế không nhiều hoa cũng không lắm cánh như loại hồng diệp gốc gác từ Nam Trung bộ và từ miền Nam. Hoàng mai Huế lượng hoa vừa phải, phần lớn mang năm cánh, thỉnh thoảng điểm vài bông sáu cánh thêm duyên.

Hoàng mai Huế hoa lớn, cánh dày, vàng tươi rực rỡ, mang hương thơm nhè nhẹ, tịnh khiết và thanh thoát mà không một loại hoa nào sánh được... Bởi vậy hễ đến ngày Tết, dù trong năm làm ăn thất bát thế nào thì người Huế vẫn cố tậu cho mình chậu hoặc nhánh hoàng mai cho nhà có chút vị xuân. Người ta đi mua hoa Tết cũng chính là đi rảo mai và mua mai là chủ yếu.

Hoàng mai là cây được nhiều người trồng trong sân vườn nhất. Ngày 30 tết, dạo quanh nhiều gia đình, chẳng còn thấy hoàng mai được “chưng diện” như thường thấy mà thay vào đó là những cành quất, đào, cúc đại đóa… Anh Đỗ Đình Dũng, người chơi mai có tiếng ở phường Phú Hiệp than thở: “Mấy trăm cây mai trong vườn tui đều “chịu chết” trước thời tiết giá lạnh kéo dài. Không một cây nào ra hoa, cây giỏi lắm cũng chỉ có được vài búp nụ”.
 
 
Ông Phan Đình Ngôn, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh thành phố Huế cũng cho biết, gần một trăm cây mai của công ty trồng cũng không một cây nào ra hoa đúng Tết. “Mai trồng được chăm sóc chuyên nghiệp, kỹ càng là thế nhưng cũng không làm sao ra hoa được. Vắng hoa mai tự dưng thấy Tết thiêu thiếu cái gì đó…”, ông Ngôn nói.
 
Ngay tại công viên Phú Xuân đang diễn ra chợ hoa truyền thống của Huế, khác với mọi năm, năm nay rất ít hàng bán cây mai. Ông Bùi Rạng, nghệ nhân trồng mai ở phường Nguyễn Du, thành phố Huế lắc đầu bảo: “Chọn lọc trong hàng trăm cây mai trồng trong vườn chỉ được vài chục cây có thể đem bán. Tết năm nay vậy là thất thu nặng rồi”. Ông Rạng dẫn tôi đến ba chậu mai có giá kỷ lục: 250 triệu, 150 triệu và một cây 100 triệu đồng. “Nếu mà thời tiết thuận lợi thì mấy cây này giá còn đắt hơn, tôi giảm giá vậy mà ai cũng chế dáng cây thì đẹp nhưng ít hoa và nụ quá”, ông Rạng cho hay.
 
Hoàng mai Huế vắng bóng, vậy là các loại hoa tứ xứ lên ngôi.
 
Huế đón Tết bằng hoa… tứ xứ - 2

Cây mai có giá 250 triệu đồng của ông Bùi Rạng phải chở lại về nhà vì không ai mua do ít hoa
 
Chùm ảnh Dân trí ghi cảnh người Huế đi mua hoa trang hoàng cho ngày Tết:
 
Huế đón Tết bằng hoa… tứ xứ - 3

Vắng mai, đào Hà Nội được dịp... hét giá
 
Huế đón Tết bằng hoa… tứ xứ - 4

Màu hồng nhạt của bông giấy được nhiều người chọn mua
  
Huế đón Tết bằng hoa… tứ xứ - 5

Những chậu  đỗ quyên rực rỡ này có giá mỗi cặp 300.000 đồng
 
Huế đón Tết bằng hoa… tứ xứ - 6

Các loại hoa phong lan ngày 30 Tết một thoáng đã bán hết veo
 
Huế đón Tết bằng hoa… tứ xứ - 7

Hoa cúc chiếm lĩnh phần đông trên các chợ hoa ngày Tết
Sông Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm