1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hợp tác Á - Âu ứng phó khủng hoảng

(Dân trí) - Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao 44 nước thành viên ASEM chính thức khai mạc tại Hà Nội chiều 25/5, trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang gây những tổn thất to lớn, thách thức toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi biện pháp ứng phó, vượt qua khủng hoảng.

Hợp tác Á - Âu ứng phó khủng hoảng - 1
 
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á - Âu lần thứ 9 (FMM9), Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các nước thành viên ASEM cùng nỗ lực, có biện pháp phối hợp để chặn đà suy thoái toàn cầu. Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, Campuchia, Czech… cũng đồng tình thể hiện quyết tâm chung của ASEM.

Cần hệ thống kinh tế tài chính bền vững

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những phân tích về bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế đang gây ra những tổn thất to lớn, đẩy thế giới vào một thời kỳ hết sức khó khăn và bất ổn. Thế giới đang phải ứng phó với những tác động tiêu cực về chính trị, kinh tế, xã hội của cuộc khủng hoảng, đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức gay gắt mang tính toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh năng lượng, chủ nghĩa khủng bố…
 
Hợp tác Á - Âu ứng phó khủng hoảng - 2
Thủ trướng Nguyễn Tấn Dũng: "Phải chung tay xây dựng một hệ thống kinh tế-tài chính mới bền vững hơn".
 
“Tình hình quốc tế hiện nay không chỉ đòi hỏi chúng ta phải hợp tác chặt chẽ hơn mà còn trao cho chúng ta trọng trách phải chung tay xây dựng một hệ thống kinh tế - tài chính mới bền vững hơn, góp phần vào những nỗ lực quốc tế để phục hồi kinh tế thế giới và giải quyết các vấn đề toàn cầu” - Thủ tướng Việt Nam đưa ra thông điệp về sự hợp tác.
 
Hợp tác Á - Âu ứng phó khủng hoảng - 3
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phạm Gia Khiêm

Theo đó, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á - Âu năm nay đặt ra vấn đề quyết tâm và trách nhiệm của từng thành viên để tạo được sức mạnh của cả cộng đồng ASEM. Khó khăn, thách thức không chỉ tác động tới riêng nước nào.

Hợp tác Á - Âu ứng phó khủng hoảng - 4
44 quốc gia thành viên ASEM mang quyết tâm hợp tác vượt qua thách thức tới hội nghị lần này.
 
"Đứng trước những thách thức to lớn, ASEM có nhu cầu và cơ hội để tăng cường hợp tác nhằm biến những ước mơ tốt đẹp của chúng ta thành hiện thực, vì sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của 2 châu lục Á - Âu và của toàn thế giới" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
 
Khôi phục lòng tin, chặn suy thoái
 
Hợp tác Á - Âu ứng phó khủng hoảng - 5
Các đại biểu trẻ tham dự Hội nghị.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á - Âu năm nay có chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu (ASEM) nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế - tài chính và các thách thức toàn cầu”. Mỗi nước thành viên tham gia đều nêu thông điệp quyết tâm, hợp tác chủ động và có trách nhiệm, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, y tế.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Czech - Chủ tịch Liên minh Châu Âu (EU), Jan Kohout nhất trí cho rằng trong bối cảnh thế giới nhiều thách thức như hiện nay, việc tăng cường hiểu biết, hợp tác là biện pháp tối ưu cho tất cả các nước thành viên để vượt qua khó khăn.
 
Hợp tác Á - Âu ứng phó khủng hoảng - 6
Bộ trưởng Ngoại giao Czech, Jan Kohout.

Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng khẳng định, thông qua đối thoại bình đẳng, cam kết tôn trọng, mở rộng các điểm tương đồng, tôn trọng chủ quyền... trên cơ sở đảm bảo lợi ích chung là vấn đề mấu chốt trong tăng cường hợp tác giữa hai khu vực. Hợp tác kinh tế - tài chính được coi là lực đẩy quan trọng góp phần giúp nền kinh tế sớm phục hồi và phát triển.

Sau phiên khai mạc, Hội nghị đã thảo luận về hợp tác ứng phó với khủng hoảng kinh tế tài chính. Các Bộ trưởng Ngoại giao của hai khu vực đã thảo luận những khuyến nghị, biện pháp của ASEM nhằm tăng cường phối hợp, đối phó với khủng hoảng; góp phần cùng với cộng đồng quốc tế khôi phục lòng tin, ngăn chặn kinh tế suy thoái.
 
Hợp tác Á - Âu ứng phó khủng hoảng - 7
Vì một cộng đồng chung bền vững, hoà bình.
 

Sáng kiến ASEM ngăn chặn dịch cúm A (H1N1)

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Á - Âu, 44 nước thành viên ASEM đã cùng công bố “Sáng kiến ASEM nhằm nhanh chóng ngăn chặn dịch cúm”. Sự kiện này được Chính phủ Nhật Bản phối hợp với quỹ Á - Âu (ASEF) tổ chức và do Chính phủ Việt Nam đăng cai. Phía Nhật đã đề xuất một dự án dự trữ 500.000 liều thuốc kháng virus và bộ thiết bị bảo vệ cá nhân tại Singapore, dưới sự giám sát của ASEF và phân phối theo sự chỉ dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương.

Một mạng lưới Y tế công cộng ASEF cũng được thành lập như một nền tảng nhằm tăng cường cộng trác trong các vấn đề liên quan tới y tế giữa Châu Á và Châu Âu. Mạng lưới sẽ hỗ trợ các đối tác đa phương chống lại các thách thức đối với an ninh y tế toàn cầu và thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên chính của 2 khu vực để “sẵn sàng đối phó với kịch bản tồi tệ nhất”.

 
Phương Thảo
Ảnh: Việt Hưng