Hợp long toàn tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông
(Dân trí) - Sáng nay (8/10), tại ga Văn Khê, phiến dầm cuối cùng của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được lao lắp thành công, đánh dấu sự hợp long toàn tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Hà Nội dài 13,05km. Đây là phần quan trọng nhất để tiến tới hoàn thành hạ tầng cho đoàn tàu chạy.
Thông suốt hạ tầng cầu cạn dài 13,05km
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đã bấm nút hợp long, kết nối phiến dầm cuối cùng với các phiến dầm đã được lao lắp, tạo nên một hệ thống hạ tầng cầu cạn xuyên suốt toàn dự án. Từ đây, dự án chuyển sang giai đoạn mới là thi công ray tàu và chuẩn bị công tác lắp ráp thiết bị nhà ga, đoàn tàu.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông bắt đầu tiến hành lao lắp dầm vào năm 2014, toàn bộ số dầm trên toàn tuyến là 806 phiến dầm. Có nhiều loại dầm được lao lắp cho phù hợp với từng vị trí cụ thể, trong đó loại dầm nhỏ nhất trọng lượng 136 tấn, dài 18m và loại lớn nhất nặng 236 tấn và dài 32m. Hoạt động thi công lao lắp dầm được thực hiện hoàn toàn vào ban đêm.
Ông Lê Kim Thành - Tổng Giám đốc Ban quản lý Dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải - cho biết: Dự án đã trải qua những bước thăng trầm trong cả giai đoạn dài thực hiện, đến hôm nay phiến dầm cuối cùng đã được lao lắp thành công. Đây là phần quan trọng nhất để tiến tới hoàn thành hạ tầng cho đoàn tàu chạy, cũng là những phần việc rất nặng nề trong quá trình thi công.
“Hầu hết các phiến dầm khi lao lắp chúng tôi phải thi công vào ban đêm vì liên quan đến công tác vận chuyển của xe siêu trường siêu trọng và cẩu lắp dầm, nếu làm ban ngày thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động giao thông trên trục huyết mạch từ Cát Linh đến Hà Đông.
Có một số điểm lao lắp dầm vô cùng khó khăn, đặc biệt là tại nút giao 4 tầng đường vành đai 3 - đường sắt Cát Linh - Hà Đông ở trên tầng cao nhất so với mặt đất tự nhiên là 18m, hay điểm ga Văn Khê với 3 đường điện 220kV cao thế và 110kV… Chúng tôi đã phải thực hiện một quy trình thi công rất ngặt nghèo để đảm bảo an toàn giao thông và an toàn lưới điện” - ông Thành cho hay.
Đánh giá về sự phối hợp giữa Tổng thầu Trung Quốc và Việt Nam, theo ông Lê Kim Thành phải nói tới cả một quá trình với những điều khác biệt giữa 2 quốc gia trong công tác triển khai dự án. Sau khi thống nhất với Tổng thầu thì đến nay mối liên hệ công việc giữa 2 bên đã thông hiểu nhau hơn và đem lại kết quả tốt hơn.
Bắt đầu chạy tàu thử nghiệm từ 1/7/2017
Về phía Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được hợp long thành công ngày hôm nay cũng là sự cố gắng rất nhiều của các đơn vị thực hiện dự án, là cơ sở để tiến hành thiết bị chạy tàu. Về vốn tín dụng cho dự án, Thứ trưởng Trường khẳng định đã hoàn toàn đầy đủ và công việc bây giờ là tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, hiện nay gói thầu thiết bị là vấn đề quyết định tiến độ của dự án, Ban Quản lý dự án đường sắt và Bộ Giao thông vận tải đang tích cực làm việc với Tổng thầu Trung Quốc để sớm chốt được gói thiết bị trong tháng 10 này. Tổng thầu Trung Quốc đã có những cam kết về tiến độ và chất lượng dự án.
Dự án bước sang giai đoạn thi công mới, Thứ trưởng Trường nhấn mạnh tất cả các lô cốt đã được dỡ bỏ giải tỏa giao thông trên trục đường, triển khai các lưới an toàn thi công nhằm không để bất cứ vật liệu thi công nào rơi xuống đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân khu vực dự án.
“Bộ Giao thông vận tải đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm nay sẽ hoàn thành việc xây lắp, hoàn thành tất cả các khối lượng bê tông, các nhà ga, đường dẫn. Bắt đầu từ 1/1/2017, Tổng thầu bắt đầu lắp đặt thiết bị, công tác này sẽ diễn ra trong 6 tháng.
Từ 1/7/2017, dự án sẽ đưa vào chạy tàu thử nghiệm và cuối tháng 9/2017 sẽ đưa vào khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông” - Thứ trưởng Trường thông tin.
Châu Như Quỳnh