1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Hơn 600 nhà văn hóa bị bỏ hoang, chờ được "giải cứu"

(Dân trí) - Sau khi sáp nhập thôn xóm, hơn 600 nhà văn hóa thôn với tổng diện tích hàng trăm nghìn m2 đất tại Hà Tĩnh đang gần như bị phế bỏ. Mặc dù rất cần xử lý khối tài sản này phục vụ cho phát triển kinh tế, nhưng các địa phương đang “bó tay” do vướng luật.

Hơn 600 nhà văn hóa thôn bị bỏ hoang

Năm 2011, thôn Võ Đa và La Ngà của xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) sáp nhập thành thôn Nam Hải. Cả 2 nhà văn hóa này không đủ điều kiện sinh hoạt cộng đồng nên xã đã quy hoạch một vị trí mới để xây hội quán thôn.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí không có, nhà văn hóa cũ lại chưa có hướng giải quyết nên từ đó đến nay, người dân thôn Nam Hải phải sinh hoạt nhờ tại nhà chống bão của xã.

Hơn 6 năm qua, nhà văn hóa cũ ngày càng hư hỏng, xuống cấp.


Nhà văn hóa thôn Xuân Nam (xã Cẩm Nhượng) bị bỏ hoang.

Nhà văn hóa thôn Xuân Nam (xã Cẩm Nhượng) bị bỏ hoang.

Ông Nguyễn Sỹ Huyền - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng - cho biết, sau sáp nhập thôn, toàn xã có tới 9 nhà văn hóa bị bỏ hoang. Do lâu năm không sử dụng, không được quản lý tốt nên nhà văn hóa ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Theo ông Huyền, Cẩm Nhượng đất chật, người đông, nhu cầu sử dụng đất ở của người dân rất lớn, trong khi địa điểm đất tại các nhà văn hóa có vị trí rất đẹp, rất dễ đấu giá. Nếu 9 nhà văn hóa được đấu giá thì địa phương cũng có ít nhất 4-4,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các nhà văn hóa ở vị trí mới.

“Địa phương đã đề xuất phương án giải quyết nhưng đến nay vẫn đang phải chờ phản hồi, hướng dẫn xử lý”- ông Huyền cho hay.

Mới chỉ một năm trước, nhà văn hóa thôn 8, xã Cẩm Quang với diện tích hơn 100 m2, có khuôn viên, sân thể thao rộng rãi là nơi sinh hoạt lý tưởng cho người dân trong thôn. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm bỏ hoang không sử dụng, nhà văn hóa đã hoang tàn, đổ nát, rêu phong…

Sau một năm bị bỏ hoang, nhà văn hóa thôn 8 xã Cẩm Quang nằm ở vị trí trung tâm thôn đã trở nên hoang phế.
Sau một năm bị bỏ hoang, nhà văn hóa thôn 8 xã Cẩm Quang nằm ở vị trí trung tâm thôn đã trở nên hoang phế.

“Sau sáp nhập thôn, địa phương đang dư thừa 5 nhà văn hóa thôn và cũng chịu cảnh hoang phế, xuống cấp nhưng chưa có hướng xử lý. Trong khi người dân có nhu cầu đấu giá làm nhà kho, xưởng sản xuất nhưng địa phương không thể giải quyết” - Chủ tịch HĐND xã Cẩm Quang Trần Công Đồng nói.

Theo số liệu thống kê, đến nay, toàn huyện Cẩm Xuyên đang dư thừa 67 nhà văn hóa thôn với tổng diện tích khuôn viên 32.717 m2.

Theo số liệu thống kê của tỉnh Hà Tĩnh, từ 2011 đến nay, toàn tỉnh đã giảm được gần 700 thôn, tổ dân phố, trong số này có đến hơn 600 nhà văn hóa thôn với hàng trăm nghìn m2 đất bị bỏ hoang. Điều đáng nói là, trong khi nhu cầu bố trí sử dụng các khu đất dư thừa là rất lớn, nhưng các địa phương không xử lý được.

Đề xuất "giải cứu"

Ông Hồ Nhật Lệ - Trưởng phòng Quy hoạch - Giao đất (Sở TN&MT Hà Tĩnh) cho biết: “Việc xử lý thu hồi đất nhà văn hóa thôn do không có nhu cầu sử dụng đã được các địa phương phản ánh từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, do vướng Luật Đất đai, cụ thể là chưa có hướng dẫn cụ thể đối với việc thu hồi đất nhà văn hóa thôn do không có nhu cầu sử dụng, nên chưa xử lý được.

Ngoài ra, theo ông Lệ, hiện Hà Tĩnh hiện mới chỉ có Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp tỉnh, chưa có cấp huyện nên việc thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Tổng cục Quản lý đất đai cũng chưa thực hiện được.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 600 nhà văn hóa thôn bị bỏ hoang như thế này cần được giải cứu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 600 nhà văn hóa thôn bị bỏ hoang như thế này cần được giải cứu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Trước những vướng mắc trong việc xử lý thu hồi đất đai đối với nhà văn hóa thôn, xóm, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã có văn bản tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương án giải cứu khối tài sản đang bị phế bỏ trên.

Theo đó, đối với các khu đất thu hồi tại địa bàn thành phố, thị xã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, lập phương án bố trí sử dụng, trình UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện theo phương án phê duyệt.

Đối với các khu đất thu hồi thuộc các địa bàn huyện thì giao cho UBND cấp xã quản lý; UBND cấp xã có trách nhiệm căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan để lập phương án bố trí sử dụng, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Các khu đất quy hoạch vào mục đích đất ở, đất sản xuất kinh doanh, thương mại, thì đề nghị thực hiện giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá.

Tuy nhiên, theo ông Lệ, đây mới chỉ là ý kiến tham mưu, đề xuất của Sở TN&MT với UBND tỉnh, còn việc xử lý cụ thể như thế nào đang chờ HĐND tỉnh xem xét, thông qua.

Hà Phương