1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hơn 500 ngày kỷ niệm, ngày truyền thống trong năm

(Dân trí)- Hiện cả nước có hơn 500 ngày truyền thống, kỷ niệm của các bộ, ban, ngành, địa phương. Làm sao để hạn chế việc “đẻ” thêm các ngày kỷ niệm, chi phí tổ chức kỷ niệm gây lãng phí nguồn lực xã hội?” – Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai hỏi.

Phiên họp thứ 14 của UB Thường vụ Quốc hội.
Phiên họp thứ 14 của UB Thường vụ Quốc hội.
 
Ngày 14/1, UB Thường vụ cho ý kiến về Nghị định quy định công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng của Việt Nam trong khuôn khổ phiên họp thứ 14.

Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị định này nêu rõ, hiện cả nước có hơn 500 ngày truyền thống, ngày kỷ niệm của các ban, bộ, ngành, các tổ chức và các địa phương. Hầu hết các ban, bộ, ngành, các tổ chức và các địa phương đều đã có ngày truyền thống, ngày thành lập, tái thành lập và ngày kỷ niệm. Việc công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm, ngày hưởng ứng thời gian qua chưa có văn bản quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Mỗi cơ quan có một phương pháp và cách làm riêng, do vậy dẫn đến tình trạng công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm, ngày hưởng ứng không có sự thống nhất.

Chính phủ đặt vấn đề quy định rõ điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm, ngày hưởng ứng để khắc phục các hạn chế hiện nay, tạo cơ sở pháp lý cho việc công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm, ngày hưởng ứng được thực hiện đúng quy định, khoa học, có hệ thống, đạt hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận xét, hiện người dân ta thán không ít về việc ngày kỷ niệm quá nhiều, tổ chức lãng phí, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng dự không xuể. Dẫn chứng hoạt động của thanh niên, ông Phước chỉ ra sự chồng chéo khi không chỉ có ngày thanh niên toàn quốc mà còn có ngày kỷ niệm của lực lượng thanh niên xung phong, ngày học sinh sinh viên… Ông Phước cho rằng, cần “thắt” quy định để mỗi ngành chỉ nên có một ngày kỷ niệm làm rộng rãi, còn lại chỉ nên làm nội bộ ở quy mô vừa phải.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tỏ ý nghi ngại, các quy định có hạn chế được việc “đẻ” thêm các ngày kỷ niệm, hạn chế tối đa chi phí tổ chức những ngày kỷ niệm này, gây lãng phí nguồn lực xã hội hay không?.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, với trình tự thủ tục được quy định rất chặt chẽ, sẽ khó có việc gia tăng số ngày kỷ niệm, từ đó sẽ hạn chế được việc chi tiêu lãng phí. Song song với nghị định này, Bộ cũng đã xây dựng nghị định hướng dẫn chi tiết việc tổ chức các ngày truyền thống, ngày kỷ niệm, hiện đang trình Chính phủ xem xét.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lật lại vấn đề, cốt lõi không phải là nhiều ngày truyền thống, mà là tổ chức kỷ niệm ngày đó như thế nào, không phải năm nào cũng tổ chức rình rang.

Cũng trong buổi làm việc, UB Thường vụ cho ý kiến với dự thảo Nghị định về hoạt động mỹ thuật.

Thẩm tra dự thảo nghị định, phần quy định về vấn đề sao chép tác phẩm mỹ thuật, UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng chỉ ra điểm bất hợp lý khi cả chương này chỉ có 1 điều khoản quy định về điều kiện sao chép tranh, tượng danh nhân, lãnh tụ. Trong khi đó, hiện tượng sao chép tác phẩm mỹ thuật đang có những diễn biến phức tạp, vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ mà chưa được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm quản lý chặt chẽ.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị, đối với việc xây dựng một số tượng đài hoành tráng, có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, cần có quy định tổ chức xin ý kiến nhân dân. Một số quy định trong dự thảo Nghị định được coi là cứng nhắc (như việc yêu cầu người chủ trì công trình hoành tráng phải có bằng đại học chuyên ngành; chủ đầu tư phải có thiết kế và bố trí tác phẩm mỹ thuật trong tất cả các công trình công cộng...).

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý lo ngại, các quy định có thể tạo ra quá nhiều loại “giấy phép con” sau này.

Phiên họp thứ 14 của UB Thường vụ QH dự kiến kéo dài đến thứ 4 (ngày 16/1) với nội dung đáng chú ý là chiều mai, luật Đất đai sửa đổi một lần nữa được đưa ra thảo luận, sau rất nhiều những tranh luận, ý kiến thiếu đồng nhất ghi nhận trong kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Sáng thứ 4, theo chương trình, UB Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, quy trình lấy phiếu, bỏ phiếu sẽ được “chốt” trong lần thảo luận này.

Để có thể áp dụng từ kỳ họp sẽ khai mạc vào tháng 5 tới của Quốc hội, thảo luận ở nội dung này ở từ phiên họp trước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu việc hướng dẫn phải chặt chẽ, và tạo điều kiện cho đại biểu đánh giá thật khách quan, công bằng và không ngược ý dân.

Về xử lý kết quả, Chủ tịch cho rằng cần phối hợp với các cơ quan của Đảng chuẩn bị sẵn nhân sự thay thế với trường hợp được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, vì khi đã đưa ra bỏ thì chắc đến 80% là “rơi”. Còn với người tín nhiệm quá thấp ngay lần đầu lấy phiếu thì phải có hướng dẫn cụ thể về việc từ chức.

P.Thảo