1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Định:

Hơn 200 hộ dân làng chài Bãi Xép thiếu nước sạch

(Dân trí) - Không chỉ ruộng đồng nứt nẻ mà các giếng khơi, nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính của hơn 200 hộ dân ở làng chài Bãi Xép (khu vực 1, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cũng cạn kiệt, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chừng hơn 10 km. Mang tiếng là người dân thành phố nhưng từ lâu người dân làng chài Bãi Xép chưa bao giờ “nhìn” thấy nước sạch về địa phương.

Làng chài Bãi Xép, có 4 giếng khơi công cộng chính là nguồn cung cấp nước ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cho hơn 200 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu. Tuy nhiên, cứ bắt đầu vào đầu mùa hè các giếng khơi này luôn trong tình trạng cạn kiệt khiến sinh hoạt người dân bị đảo lộn.

Hơn 200 hộ dân ở làng chài Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) thiếu nước sạch nghiêm trọng
Hơn 200 hộ dân ở làng chài Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) thiếu nước sạch nghiêm trọng

Theo ghi nhận, quanh các giếng khơi hàng chục chiếc máy bơm được gắn ngay trên thành giếng, người dân thì trực chờ chỉ cần thấy đáy giếng có nước là cắm điện bơm từng giọt nước quý hiếm. Mỗi lần bắt mô tơ chỉ 30 giây nước lại hết, có người trực chờ từ sáng đến trưa mà vẫn không đến lượt. Tuy nhiên, có lẽ sống với cảnh thiếu nước quen rồi nên người dân nhường nhịn nhau là chính. Nhà nào còn đủ nước nấu cơm, canh thì nhường cho gia đình chưa có nước xách trước.

Ông Phạm Tình 58 tuổi (tổ 2, KV 1, phường Ghềnh Ráng), cho biết: “Mùa hè năm ngoái còn đỡ, giếng cạn nhưng không đến nỗi thức đêm thức hôm chờ bơm nước. Năm nay mới đầu mùa hè mà nước ở các giếng đều cạn kiệt nên bà con túc trực bên giếng chờ bơm từng giọt mà dùng. Nước hiếm nên việc sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng hết sức tiết kiệm. Còn nước uống thì phải mua nước đóng bình chứ uống hoài nước này có khi cũng sinh bệnh”.

Các giếng hầu hết đều cạn kiệt
Các giếng hầu hết đều cạn kiệt

Còn chị Bùi Thị Lệ Hồng, một người dân ở đây, chia sẻ: “Thiếu gì chứ thiếu nước sinh hoạt không sống nổi nên ngày nào tôi cũng phải chờ chực đời nước dưới giếng hồ lên múc tùng gàu về dùng. Có hôm con phải chầu chực từ 11 giờ đêm mới có nước mà dùng”.

Theo người dân ở đây cho biết, ngoài khó khăn về nước sinh hoạt thì việc đến trường lớp của con em còn gian nan. Do chỉ có duy nhất trường tiểu học, nên học sinh từ cấp 2 phải đi vào thành phố Quy Nhơn học khiến việc đi lại của học sinh gặp nhiều khó khăn. “Trước đây, có nhà hảo tâm bỏ tiền thuê xe đưa đón con em vào trung tâm thành phố đi học nên bà con cũng phấn khởi nhưng được vài tháng thì bỏ. Năm học vừa qua, các sơ trong Quy Hòa hỗ trợ một phần kinh phí thuê xe đưa đón học sinh. Nhưng mỗi em một tháng cũng đóng 200 ngàn nên nhiều em từ gia đình đưa đi học đi bộ lên quốc lộ xin quá giang những người đi đường”, ông Tình nói thêm.

Các giếng hầu hết đều cạn kiệt
Quanh thành giếng có đến 15 máy bơm thay nhau hút nên nước giếng không kịp hồi cho nhu cầu của mọi gia đình

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Huy Khanh – Khu vực phó, khu vực 1, phường Ghềnh Ráng, cho biết: “Nhiều lần họp cử tri, chúng tôi đã kiến nghị, trình bày mong muốn của bà con về việc cấp nước sạch nhưng do kinh phí quá lớn nên chưa thể thực hiện. Năm 2013, công ty cấp thoát nước thành phố có cho cán bộ vào để khảo sát nguyện vọng của người dân. Tất cả bà con đều đồng ý bắt nước sạch nhưng không hiểu sao đến nay cả năm rồi mà vẫn không động tĩnh”.

Ông Khanh nói thêm, hiện tại nước ở các giếng đều nhiễm khuẩn vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Vì vậy, chúng tôi mong tỉnh quan tâm xem xét làm cách nào đó để người dân có nước sạch để dùng.

Doãn Công