1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Ninh Bình:

Hơn 1.000 hộ dân khốn đốn vì tôm chết hàng loạt

(Dân trí) - Gần 600 ha nuôi tôm của 1.053 hộ dân ở các xã bãi ngang huyện Kim Sơn (Ninh Bình) bỗng nhiên chết hàng loạt, không rõ nguyên nhân. Tôm chết đỏ ao khiến nhiều hộ nuôi tôm tiêu điều, "trắng tay" chỉ sau một đêm.

Sắp đến mùa thu hoạch tôm nuôi nhưng khung cảnh tiêu điều lại hiện rõ lên khắp các cánh đồng nuôi tôm của người dân 3 xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải của huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Nhiều nông dân giờ chỉ biết thở dài vì thua lỗ vụ tôm thiệt hại hàng trăm triệu đồng, có hộ còn méo mặt vì "trắng tay"chỉ sau một đêm.

Chúng tôi có mặt tại cánh đồng nuôi tôm của nhiều hộ dân xã Kim Đông, khác xa với không khí nhộn nhịp cho tôm ăn, bơm nước, sục khí cho tôm những năm trước là cảnh ao nuôi tôm cạn trơ đáy, mùi tôm chết hôi thối bốc lên nồng nặc.

Gặp nhiều nông dân chúng tôi không khỏi xót xa.

Hàng loạt vuông nuôi tôm của người dân huyện Kim Sơn để cạn trơ đáy vì tôm nuôi chết hàng loạt.
Hàng loạt vuông nuôi tôm của người dân huyện Kim Sơn để cạn trơ đáy vì tôm nuôi chết hàng loạt.

Anh Đào Văn Cường (xóm 6, xã Kim Đông) nói mà như khóc: "Hai mẫu nuôi tôm của gia đình tôi chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày thu hoạch, chỉ sau một đêm tôm chết hết, bao nhiêu công sức, tiền của theo tôm đổ xuống sông xuống biển hết".

Cũng theo anh Cường, vụ tôm năm nay không chỉ anh mà nhiều hộ dân trong xã hy vọng sẽ bán có lời cao. Tuy nhiên, đến ngày thu hoạch không hiểu lý do gì mà tôm chết đỏ ao.

"Tôi chưa kịp gọi thương lái đến mua vì bận công việc, cách đây ít hôm khi đang cho tôm ăn thì thấy tôm chết đỏ nổi lên mặt nước rải rác, sau đó tôm chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân. Gia đình có bao nhiêu vốn, vay mượn đầu tư vào nuôi tôm, giờ coi như trắng tay", anh Cường buồn rầu.

Tại xã Kim Trung, các hộ nuôi tôm cũng trong cảnh tương tự. Ông Trần Duy Hòa ở xóm 5 cho hay, bao nhiêu năm nuôi tôm ở đây chưa bao giờ thấy tôm chết nhiều như thế. Những năm trước tôm có chết nhưng số lượng ít, năm nay tôm chết vô cùng nhanh và số lượng lên đến 95%.

Dẫn chúng tôi ra các ao nuôi tôm của gia đình, ông Hòa lý giải: "Tôm năm nay chết cũng khác thường, thân nổi màu hồng bơi vào bờ rồi chết. 3 mẫu ao nhà tôi toàn nuôi tôm sú, thả nuôi được 50 năm ngày thì phát hiện chết rải rác. Mặc dù, tìm đủ các cách cứu chữa nhưng không thể được vì tôm chết quá nhanh".

Chỉ sau một đêm nhiều hộ dân ở vùng bãi ngang Ninh Bình trắng tay vì tôm chết đỏ ao.
Chỉ sau một đêm nhiều hộ dân ở vùng bãi ngang Ninh Bình "trắng tay" vì tôm chết đỏ ao.

Khác với công việc hàng năm là đi thu hoạch tôm cho bà con trong vùng, năm nay anh Nguyễn Văn Thuần ở xóm 4, xã Kim Trung lại có công việc mới là đi dọn xác tôm chết.

“Mấy ngày hôm nay tôm chết vô cùng nhiều nên anh em tôi phải đi làm cả ngày lẫn đêm mới kịp. Có hộ tôm chết đến 80% nên rơi vào cảnh nợ nần, khó khăn chồng chất khó khăn, không biết khi nào mới nuôi tôm trở lại được”, anh Thuần nói.

Kỹ sư Đặng Thanh Tân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn khuyến cáo, hiện nay thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ và các yếu tố môi trường diễn biến thất thường, nắng nóng, người nuôi tôm cần hết sức lưu ý.

"Đối với những ao có tỷ lệ tôm chết cao trên 70%, người nuôi tôm cần kịp thời báo với cơ quan chức năng; chủ động thu gom xác tôm chết đem chôn tại các hố cách xa ao nuôi và sử dụng Chlorrin, thuốc tím hoặc thuốc sát trùng để xử lý toàn bộ ao nuôi và khu vực xung quanh ít nhất là 7 ngày mới tháo nước ra ngoài vùng nuôi; khẩn trương tận thu tôm đã đạt kích thước thương phẩm.

Sau khi tháo cạn ao phải cải tạo ao kỹ trước khi lấy nước vào nuôi tiếp, không nên tiếp tục thả nuôi tôm súc vì thời vụ không đảm bảo. Đối với các ao nuôi có hiện tượng tôm chết rải rác thì sử dụng viên sủi Vicato hoặc chất xử lý môi trường khác để xử lý giảm các độc tố môi trường. Người dân cần bổ sung nước cho ao, đảm bảo độ sâu từ 1,2 m trở lên; tăng cường các biện pháp gia tăng ôxy hòa tan cho ao nuôi; sử dụng thức ăn đảm bảo đủ chất lượng, số lượng và phù hợp, bổ sung thêm chất khoáng và vitamin vào khẩu phần", Kỹ sư Tân nói.

Người dân rải vôi khử độc đầm nuôi tôm
Người dân rải vôi khử độc đầm nuôi tôm

Theo phản ánh của các hộ nuôi, tôm thẻ, tôm sú tiếp tục bị chết là có thể do nguồn nước lấy vào ao nuôi bị ô nhiễm, khiến tôm chết nhanh và khó kiếm soát.

Vì năm nào ngoài bãi triều (nuôi ngao), người dân cũng phun thuốc trừ hà nên khi người nuôi lấy nước vào không xử lý hết dẫn đến tôm bị ngộ độc, chết hàng loạt.

Hiện nguyên nhân dẫn đến tôm nuôi chết hàng loạt đang được cơ quan chức năng huyện Kim Sơn, Ninh Bình làm rõ.

Thái Bá

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm