1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hơn 1 triệu người đang khát nước, ĐBSCL ngóng nước “cứu trợ” về Việt Nam

(Dân trí) - Rất nhiều con số báo động về tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn được Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát báo cáo trước Chính phủ. Thông tin mới nhất, đợt nước xả từ đập Cảnh Hồng của Trung Quốc để hỗ trợ Việt Nam đã về đến Lào, cách biên giới Việt Nam 800 km. Khoảng ngày 4/4 tới, nước ngọt sẽ về đến Việt Nam.

Báo cáo trước Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 3 hôm nay, 26/3, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trong quý I, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 1,3% (chủ yếu do ngành trồng trọt âm 4,6%).Trong khi đó, dù rét đầu năm làm chết hàng nghìn trâu bò, nhưng chăn nuôi vẫn tăng trưởng.

Ngành nông nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng của tình trạng thời tiết thất thường, hạn hán, xâm nhập mặn, nặng nề là Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Thiệt hại trước hết là đối với người trồng lúa. Ở Ninh Thuận, 45% diện tích đã phải bỏ hoang, Bình Thuận cũng có tới 30% ruộng đồng phải bỏ. Toàn Nam Trung Bộ có tới 26.500 ha đất lúa để không. Gần 1 triệu tấn lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại.

Ở Tây Nguyên, 42.500 ha đất bị hạn nặng và đỉnh điểm của nắng hạn được dự báo sẽ đến vào tháng 4, tháng 5 tới, tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn. Hơn 1 triệu người ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ đang khát nước ngọt, nhà nước đang phải tổ chức vận chuyển lưu động đến các khu vực để phục vụ sinh hoạt của người dân. Thời gian tới con số đó có thể còn tiếp tục tăng lên.

Bộ trưởng Phát cho hay vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Ngoại giao và các bộ liên hệ với Trung Quốc, Lào, để họ xả nước xuống sông Mekong. Đến hôm nay, ngày 26/3, nước từ đập thủy điện Trung Quốc đã về đến Lào, cách biên giới Việt Nam 800 km, dự kiến đến 4/4 sẽ về đến Việt Nam.

Bộ trưởng Phát chỉ rõ bản đồ khu vực đồng bằng sông Cửu Long với màu đỏ sẫm thể hiện vùng nhiễm mặn vĩnh viễn, vùng tô màu nhạt dần cho tới màu vàng là “ngọt” hơn. Bộ Nông nghiệp đã chỉ đạo việc đo mặn liên tục để khi nước ngọt về tới nơi sẽ báo ngay để người dân chủ động lấy nước. Đợt nước “cứu trợ” này dự báo không giúp được nhiều cho khu vực Kiên Giang, Cà Mau nhưng các tỉnh trên lưu vực sông Tiền, sông Hậu như Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cần Thơ sẽ được lợi từ đợt xả nước liên quốc gia này.

Bộ trưởng phát cho biết, với lượng nước này, ngập mặn sẽ lui về phía biển khoảng 20 km. Ông Phát đề nghị Thủ tướng sớm phê duyệt đề án hỗ trợ khu vực vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn, tiếp tục hỗ trợ cho các tỉnh như xây đập tạm, trạm bơm tạm.

Đề cập đến dự án hỗ trợ trị giá 538 tỷ đồng đã trình lên Chính phủ, Bộ trưởng Nông nghiệp cũng mong người đứng đầu Chính phủ sớm quyết xuất cấp 10.000 tấn gạo hỗ trợ người dân các khu vực chịu thiên tai do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp đã liên hệ với các tổ chức quốc tế, tổ chức 6 đoàn đã đi các tỉnh khảo sát, kết quả đánh giá của UNDP là tình trạng rất nghiêm trọng. Liên Hợp quốc cũng đã đứng ra kêu gọi toàn cầu hỗ trợ cho các nước bị ảnh hưởng của El Nino, muốn đưa tên Việt Nam vào danh sách các nước được nhận hỗ trợ.

Kết luận về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ xem lại các đề nghị hỗ trợ cho dân bị hạn hạn, ngập mặn xem thủ tục thế nào, để ký duyệt sớm. “Tinh thần không để dân khát dân đói nhưng phải đúng địa chỉ”, Thủ tướng chỉ đạo.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm