Không khai thác hải sản tầng đáy ở 4 tỉnh ảnh hưởng vụ Formosa

(Dân trí) - “Đặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát, không để ngư dân khai thác thủy sản tầng đáy từ 20 hải lý trở vào bờ tại vùng biển của 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa, nhằm bảo vệ sự phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái, nguồn lợi hải sản ven bờ…” – ông Trần Xuân Thành, Cục phó Cục Kiểm ngư cho biết.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Xuân Thành, Cục phó Cục Kiểm ngư Việt Nam (Tổng Cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT) thông tin, triển khai thực hiện Quyết định số 11/QĐ-TCTS-KN ngày 11/3/2017 của Tổng cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT, từ ngày 10/4 đến 29/4, Cục Kiểm ngư đã phối hợp với 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vùng biển thuộc 4 tỉnh sau sự cố môi trường từ 20 hải lý trở vào với mục đích:

Phối hợp tăng cường lực lượng triển khai tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hướng dẫn ngư dân khai thác thủy sản đúng quy định, đúng pháp luật. Đồng thời kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý các hành vi cố tình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản.

Ngư dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường Formosa tiếp tục được khuyến cao không khai thác hải sản ở tầng đáy từ khoảng cách 20 hải lý trở vào bờ, nhằm nhằm bảo vệ sự phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái, nguồn lợi hải sản ven bờ. (Ảnh minh họa: Đăng Đức).
Ngư dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường Formosa tiếp tục được khuyến cao không khai thác hải sản ở tầng đáy từ khoảng cách 20 hải lý trở vào bờ, nhằm nhằm bảo vệ sự phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái, nguồn lợi hải sản ven bờ. (Ảnh minh họa: Đăng Đức).

“Đợt tuần tra này chúng tôi đặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát không để ngư dân khai thác thủy sản tầng đáy từ 20 hải lý trở vào bờ nhằm bảo vệ sự phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái, nguồn lợi hải sản ven bờ, đồng thời hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển sản xuất xây dựng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ, giữ gìn trật tự an ninh, an toàn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển” – ông Thành cho biết.

Cũng theo ông Thành, lực lượng tuần tra gồm 6 tàu trong đó có 2 tàu của Chi cục Kiểm ngư vùng 1 và 4 tàu của Chi cục Thủy sản các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế với tổng số 63 cán bộ công chức, thuyền viên tham gia. Đợt tuần tra này đã đem lại những kết quả nhất định.

Qua đợt tuần tra này, lực lượng đã cùng với các địa phương nắm được thông tin thực tế về tình hình hoạt động khai thác thủy hải sản trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã hoạt động trở lại bình thường, về sản lượng hải sản tầng đáy đạt 50 đến 60% so với cùng kỳ năm 2015, về giá cả theo thị trường và mức tiêu thụ sản phẩm đạt khoảng 90% so với thời điểm sau sự cố môi trường.

Đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra; thực hiện đúng, đủ kế hoạch, đúng các quy định của pháp luật cũng như đúng thẩm quyền. Trong thời gian tuần tra kiểm tra, kiểm soát đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng 4 tỉnh kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản tạo được sự đồng thuận, đoàn kết cao giữa các lực lượng.

“Qua kết quả đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát khẳng định rằng việc tổ chức phối hợp tuần tra giữa lực lượng kiểm ngư trung ương và kiểm ngư địa phương là cần thiết, phù hợp nhằm tăng cường và thể hiện sự có mặt của lực lượng kiểm ngư trên các vùng biển nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ và hướng dẫn ngư dân bám biển sản xuất xây dựng kinh tế góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” – ông Thành nói thêm.

Nguyễn Dương