1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hôm nay xét xử cựu ca sĩ Gary Glitter

Chiều qua (1/3), Sở Ngoại vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức buổi họp báo về phiên tòa xét xử cựu ca sĩ Gary Glitter (quốc tịch Anh) trước đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế. Có gần 70 phóng viên của các hãng thông tấn nước ngoài “đổ bộ” về thành phố du lịch này để theo dõi phiên tòa.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Sở Ngoại vụ thông báo với các phóng viên: do đây là vụ án được xét xử kín theo quy định Điều 18 Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam theo yêu cầu của bị hại là trẻ em nên ngoài những người tiến hành tố tụng (gồm chủ tọa phiên tòa, hai hội thẩm nhân dân và một đại diện của Viện Kiểm sát, cán bộ dẫn giải bị cáo) và những người tham gia tố tụng (gồm bị cáo, luật sư của bị cáo, bị hại, đại diện bị hại) thì không có bất kỳ người nào khác có mặt tại phiên tòa.

Gary Glitter tức Paul Francis Gatdd sinh năm 1944, quốc tịch Anh bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu truy tố tội “dâm ô trẻ em” theo khoản 2, điều 116 Bộ luật Hình sự.

 

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Hoàng Thanh Tùng - Phó Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bào chữa cho bị cáo Gary Glitter là luật sư Lê Thành Kính. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 2 và 3/3.

Trong ngày tuyên án (dự kiến lúc 10 giờ ngày 3/3), các phóng viên mới được vào bên trong phòng xử để tác nghiệp, lúc này phóng viên mới có quyền quay phim, chụp ảnh. Ông Hùng cũng lưu ý với các phóng viên tuyệt đối không được chụp hình, quay phim đối với người bị hại và nhân chứng vì những người này đã có yêu cầu tòa án bảo vệ quyền nhân thân của họ.

“Chúng tôi muốn có hình ảnh của căn phòng xử án, dù nó trống để có thể cho bạn đọc hình dung được cựu ca sĩ người Anh sẽ bị kết án tại nơi này” - một phóng viên nước ngoài “giải thích” yêu cầu của mình với đại diện Sở Ngoại vụ. “Tôi xin trả lời, trước khi đến đây họp báo với các bạn tôi đã trao đổi với đại diện tòa án, đề nghị họ cho phép phóng viên vào phòng xử tác nghiệp 5 phút trước khi phiên tòa bắt đầu nhưng không được chấp thuận. Việc tác nghiệp của các bạn chỉ bắt đầu khi Hội đồng xét xử công bố bản án. Ngay cả Tổng lãnh sự quán Anh gửi công hàm đề nghị được tham dự phiên tòa, chúng tôi cũng đã có công hàm trả lời và từ chối đề nghị này, vì đó là luật và nó cũng phù hợp với thông lệ quốc tế đối với một phiên tòa được xử kín” - Ông Nguyễn Ngọc Hùng đáp.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, để đáp ứng nhu cầu đưa tin của phóng viên, cuối buổi chiều ngày xử đầu tiên (2/3), Sở Ngoại vụ sẽ tổ chức họp báo để thông tin diễn biến phiên tòa và dự kiến lúc 11 giờ ngày 3/3 sẽ có thêm một cuộc họp báo khác để thông báo kết quả phiên tòa và trả lời các câu hỏi của giới truyền thông.

Theo Nguyễn Vinh
Báo SGGP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm