1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Hôm nay vi phạm trên biển, hôm sau Trung Quốc có khả năng vào đất liền”

(Dân trí) - Đó là cảnh báo của đại biểu Thích Thanh Quyết khi phát biểu trước Quốc hội về hoạt động leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông. Các đại biểu Quốc hội “thúc” chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng an ninh để bảo vệ vững chắc, lâu dài chủ quyền biển đảo.

Phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2015 chiều 8/6 tiếp tục nối dài với những ý kiến tâm huyết về vấn đề Biển Đông.
Đại biểu Hà Minh Huệ (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Hà Minh Huệ (ảnh: Việt Hưng).

Đại biểu Hà Minh Huệ bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông, nhất là về hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc. Theo ông Huệ, người dân đang chờ đợi, hi vọng vào những quyết sách của Chính phủ, Quốc hội, làm sao để toàn dân hiệp sức để bảo vệ lãnh thổ, đảm bảo ổn định để phát triển. Đại biểu cho rằng, trước hết cần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay tình trạng vi phạm này.

Đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) đề cập chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Việt Nam là một quốc gia biển, đã đặt mục tiêu vươn ra biển, làm chủ về biển, mạnh lên, giàu lên vì biển.

Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam kiến nghị, thời gian tới Chính phủ cần tập trung đẩy mạnh dân sự hóa một số đảo lớn ở khu vực quần đảo Trường Sa như một vấn đề chiến lược cơ bản lâu dài. Điều cần thiết là nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đồng bộ đặc thù để cho người dân có kế sinh nhai, lập nghiệp, ổn định ở trên đảo lâu dài, đồng thời đầu tư ở đó trung tâm dịch vụ nghề cá gắn với xây dựng ô tàu, cầu cảng vừa là trung tâm hậu cần để cung cấp hậu cần kỹ thuật cho ngư dân bám biển, đánh bắt xa bờ và thu mua hải sản của nhân dân về để chế biến, xuất khẩu. Đây cũng là trung tâm phòng, chống bão lụt, xử lý các vụ sự cố trên biển và khi có biển động thì tàu, thuyền có nơi neo đậu, bảo đảm an toàn.

“Có ngư dân bám biển, có dân sống trên đảo lâu dài, có lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư là lực lượng nòng cốt thì chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được thế trận quốc phòng an ninh, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển một cách vững chắc và huy động được sức mạnh tổng hợp để bảo vệ được chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” – ông Trường phát biểu.
Đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh). (Ảnh: Ngọc Châu)
Đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh). (Ảnh: Ngọc Châu)

Đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) so sánh sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 xảy ra năm ngoái đã tác động tiêu cực đến kinh tế đất nước với tình căng thẳng tại Biển Đông hiện tại và cho rằng, các biểu hiện đã phức tạp hơn khi Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng bồi đắp các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo ông Quyết, đây là bước leo thang hết sức nguy hiểm và nghiêm trọng, là một hình thức vi phạm tiếp theo của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam.

Đại biểu nhận định, đấu tranh bảo vệ chủ quyền là một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và phức tạp, phải bình tĩnh và tỉnh táo, phải có trái tim nóng và cái đầu lạnh. Sức mạnh của chúng ta là khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là chính nghĩa, là lương tri của loài người, là sự ủng hộ và đoàn kết quốc tế.

Dấu hiệu đáng hi vọng là thời gian gần đây tại các diễn đàn song phương và đa phương khác nhau, ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ sự bất an, bất bình về các xung đột chủ quyền ở Biển Đông, phản đối các hành vi của Trung Quốc. Các chuyên gia luật biển trên thế giới cũng đã khẳng định việc xây dựng, bồi đắp, mở mang các thực thể trên biển thành đảo nhân tạo là trái phép, không thể giúp cho Trung Quốc được hưởng quyền đặc quyền.

Đại biểu chỉ rõ, việc làm của Trung Quốc là biện pháp mang tính chất “cơ mưu như tàm thực”, tức mở rộng từ từ theo kiểu tằm ăn, hoặc kích ngoại để ổn nội, nghĩa là đánh bên ngoài để ổn định bên trong, hoặc “viễn giao cận công” - xa thì thân, gần thì đánh.

Ông Quyết nêu quan điểm đồng tình với các chủ trương, định hướng, biện pháp mà Đảng, Nhà nước tiến hành trong thời gian qua nhưng cũng cho rằng, cần phải có những biện pháp mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong thời điểm này.

Ngoài ra, đại biểu cảnh báo, cần chú trọng giữ yên bờ cõi, biên cương ở trong đất liền, vì hôm nay Trung Quốc vi phạm ngoài biển, ngày mai có khả năng quay đầu trở vào đất liền. Theo đó, ông Quyết kêu gọi, một mặt đẩy mạnh biện pháp ngoại giao, mặt khác tiếp tục củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, thúc đẩy kinh tế phát triển kinh tế biển.
 

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân: Rõ ràng có tham nhũng mới có dự án bất chấp việc lấn sông, lấn biển?

“Tham nhũng, lãng phí ngày càng diễn ra gay gắt, phức tạp, biểu hiện dưới nhiều hình thái khác nhau, một trong những biểu hiện đó là lợi ích nhóm, quyền lực ngầm mà dư luận đang rất quan tâm lo lắng. Lợi ích nhóm có nguy cơ lan rộng trong đời sống kinh tế và chính trị, đó là những biểu hiện chạy chức, chạy quyền, chạy dự án.

Hiện tượng doanh nghiệp bao cấp cho một số quan chức dưới hình thức này, hình thức nọ không phải là không có. Hơn thế nữa, họ còn lợi dụng mối quan hệ này để gây ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách, "tham nhũng chính sách". Họ được triển khai các dự án bất chấp việc lấp sông, lấp biển ảnh hưởng đến môi trường và có khi tính toán đến cả việc tác động bố trí cán bộ phụ trách.

Cần có một sự đề kháng tốt, có những giải pháp thật mạnh mẽ, ngay từ công tác bố trí, sử dụng cán bộ đến việc xây dựng các chính sách triển khai các dự án phát triển xã hội, thì việc phòng, chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm mới có hiệu quả.

Đề nghị Quốc hội cần có một cơ chế giám sát quyền lực, kiểm soát hoạt động của bộ máy công quyền, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để khen thưởng, bảo vệ người tố cáo tham nhũng nhằm tạo ra một tiếng nói chung, đồng thuận mọi người dân cùng tham gia đấu tranh gìn giữ sự trong sạch của bộ máy chính quyền”.

P.Thảo