1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hôm nay 2/7, Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện ca ghép gan đầu tiên

(Dân trí) - Mời các bạn theo dõi tường thuật trực tiếp ca ghép gan đầu tiên cho cháu Hoàng Anh Tuấn, 14 tuổi ở Hoà Bình tại BV Nhi Trung ương trên Dantri.com.vn khi cuộc phẫu thuật bắt đầu vào 6 giờ sáng 2/7.

Cháu Tuấn được chỉ định ghép gan vì bị xơ gan cổ chướng giai đoạn cuối, nôn ra máu, nếu không ghép sớm sẽ bị tử vong. Người cho gan là bố đẻ của cháu Tuấn, anh Hoàng Văn Thanh, 46 tuổi.

Hiện tại, các điều kiện để thực hiện ca ghép gan cơ bản đã hoàn tất. PGS, TS Nguyễn Thanh Liêm - GĐ Bệnh viện cho biết, bệnh viện đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, kể cả thiết bị hiện đại nhất dùng trong quá trình ghép gan là máy lọc máu ở gan.

Hiện cả người cho và người nhận gan đều đã được thực hiện hàng trăm xét nghiệm phức tạp để đảm bảo thành công cao nhất cho ca ghép gan. Hội đồng chuyên môn dành riêng cho ca ghép này cũng đã được thành lập.

Tham gia phẫu thuật, ngoài các chuyên gia của BV Nhi Trung ương còn có các chuyên gia của viện 103, BV Việt - Đức (Hà Nội) và chuyên gia BV Sam Sung (Hàn Quốc).

Đã chuẩn bị xong những thủ tục cần thiết

 

  cháu Tuấn đang bị suy gan nặng, cổ chướng, nhưng hiện tại hai bố con vẫn rất tỉnh táo, phấn khởi. Đúng 6h30 ngày 2/7 sẽ chuyển anh Hoàng Văn Thanh, bố của bệnh nhi Tuấn vào phòng mổ. Sau đó các bác sĩ sẽ gây mê cho người bố. Tiếp đến sẽ cắt một phần gan trái của người bố rồi rửa gan bằng dung dịch đặc biệt. Quá trình này kéo dài khoảng 1 tiếng. Đến 7h30 cháu Hoàng Anh Tuấn sẽ được chuyển vào phòng mổ.

 

Sẽ có 3 kíp bác sĩ mổ cho cháu Tuấn, trong đó kíp 1 lấy gan  của con; kíp 2 đưa gan của người bố ghép vào con và khâu nối mạch máu; kíp 3 sẽ tiến hành khâu nối mật ruột.

 

Mỗi một kíp mổ gồm 3 bác sĩ mổ, 1 bác sĩ gây mê và 4 y tá. Các chuyên gia Hàn Quốc tham gia vào 3 kíp mổ. Họ cũng hỗ trợ thuốc cho ca mổ, thuốc miễn dịch và sẽ có 1 bác sĩ ở lại hết ngày thứ hai sau mổ để hỗ trợ theo dõi tình trạng bệnh nhân.

 

GS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Nhi Trung ương sẽ tham gia chính vào ca mổ. Được biết, chi phí cho ca mổ ước tính hơn 700 triệu đồng. Sau khi mổ, người bố phải nằm viện 1 tháng, còn cháu Tuấn sẽ phải nằm viện lâu hơn, khoảng vài tháng.

 

Tiền bồi dưỡng cho ca mổ sẽ là 35.000 đồng dành cho bác sĩ mổ chính và 1 bữa trưa. Kíp mổ không nghỉ trưa mà sẽ chỉ nghỉ luân phiên.

Để đủ máu cho ca ghép gan, bệnh viện đã kêu gọi hiến máu. Hiện có hơn 100 người tình nguyện và khoảng 50 cán bộ, nhân viên của bệnh viện tham gia hiến máu.

Dự kiến ca phẫu thuật sẽ diễn ra trong 10 giờ.

* Lượng máu dự trữ đã có đủ

PV báo Khuyến học & Dân trí đã có cuộc trao đổi cùng TS.BS Đỗ Thị Minh Cầm - Trưởng khoa Truyền máu của BV xung quanh việc tiếp máu cho bệnh nhân.

BS Cầm cho biết: Bệnh nhân mang nhóm máu O. Tới thời điểm này, chúng tôi đã có đủ cơ số máu theo yêu cầu của chuyên gia. Hiện tại trong tủ dự trữ đã có khoảng 67 đơn vị máu (4 đơn vị máu tương đương với 1 lít).

Xin bà nói rõ hơn về công tác chuẩn bị này?

Ngày hôm qua, chúng tôi tôi đã có 42 đơn vị máu, hôm nay thêm 25 đơn vị. Ngoài ra còn có lượng máu dự trữ của Viện huyết học Truyền máu Trung ương và Viện Quân y 103. Chúng tôi dự trù một lượng máu nhiều gấp 3 lần lượng máu (dự đoán) sẽ tiếp cho bệnh nhân. 115 cán bộ công nhân viên trong BV cũng tình nguyện hiến máu. Chúng tôi đã lấy máu của 20 người, số còn lại trong diện dự bị.

Hôm qua, BV cũng tổ chức một buổi míttinh hiến máu nhân đạo rộng khắp. Tổng hợp từ các nguồn, chúng tôi có khoảng 150 đơn vị máu. Cả khoa đã đi làm tới 9-10h đêm từ hai hôm nay, và chúng tôi còn phải trực chiến tới hết chủ nhật.

Việc hiến máu cụ thể ra sao, thưa bà?

Trong khi ca phẫu thuật đang diễn ra (vào ngày mai), chúng tôi vẫn tiếp nhận hiến máu nhân đạo bình thường. Trong hai ngày nay, đã có nhiều người gọi điện cho chúng tôi, chia sẻ với bệnh nhân và bày tỏ muốn được hiến máu. Nói chung, máu đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Máu được bảo quản ra sao, thưa bà?

Phòng bảo quản luôn duy trì nhiệt độ từ 22-250C, còn tủ bảo quản thì duy trì nhiệt độ là 50C.

Xin cảm ơn bà!

Nhóm phóng viên Y tế

* * *

 

Trước khi ca ghép gan lần thứ hai tại Việt Nam diễn ra tại Bệnh viện Nhi Trung ương, báo Khuyến học & Dân trí xin điểm lại những thông tin chính nhất của ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam năm 2004.

Ngày 31/1/2004, ca ghép gan đầu tiên đã được thực hiện tại Viện quân y 103. Người được ghép gan là cháu Nguyễn Thị Diệp (10 tuổi, Hà Nam). Cháu Diệp bị teo đường mật bẩm sinh. Người cho gan là bố đẻ của cháu, anh Nguyễn Quốc Phòng, 31 tuổi. 5 giáo sư đầu ngành ghép tạng Học viện Tokyo tiến hành ca ghép gan cùng với sự phối hợp của 20 kip phẫu thuật người Việt Nam.

 

Giáo sư Makuchi (Học viện Tokyo) là người phẫu thuật chính cho ca ghép. Ngoài ra, còn có 4 giáo sư Nhật Bản chuyên cắt gan, ghép gan và gây mê hồi sức cùng tham gia. GS Nguyễn Thanh Liêm, GĐ BV Nhi Trung ương cùng một số đồng nghiệp, những người đã thực hiện thành công ca mổ tách song sinh cũng tham gia vào kíp cắt gan.

 

Để chuẩn bị cho ca ghép gan, các đồng nghiệp Nhật Bản đã giúp Việt Nam một số thiết bị chuẩn đoán, phẫu thuật hiện đại trị giá 1,2 tỷ đồng: máy cắt gan, cầm máu, hút dịch, máy siêu âm để chụp đường mật. Phía Nhật Bản cũng giúp 28/78 loại thuốc cần sử dụng trong ca phẫu thuật. Được biết, riêng chi phí mua thuốc cho ca mổ là khoảng hơn 1 tỷ đồng.

 

Lượng máu dùng cho ca mổ dự kiến khoảng 25 lít đã được 300 học viên của Học viện quân y tình nguyện hiến máu nhân đạo. Viện huyết học và truyền máu trung ương cũng đã giúp tách cách thành phần trong máu, thuận tiện cho việc truyền máu.

Dòng sự kiện: Ghép gan Hoàng Anh Tuấn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm