Ca ghép gan tại Viện Nhi Trung ương đã thành công mỹ mãn
(Dân trí) - Ca phẫu thuật kéo dài hơn 14 giờ đồng hồ cuối cùng đã thành công tốt đẹp. Sức khoẻ của cả hai bố con cháu Tuấn đều tốt. Trong suốt thời gian diễn ra phẫu thuật, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng (phó trưởng khoa Ngoại) đã giữ liên lạc thường xuyên và duy nhất với báo Dân trí qua internet và điện thoại từ phòng mổ. Toàn bộ nhóm bác sĩ và trợ lý ở phía ngoài phòng mổ cũng liên lạc với 2 phòng mổ qua kênh Dân trí.
* Đúng 20h20, ca phẫu thuật đã kết thúc tốt đẹp trong những giọt nước mắt sung sướng của gia đình bệnh nhân, sự vui mừng và xúc động của các y bác sĩ, những người tham dự và các nhà báo tại bệnh viện.
* * *
TƯỜNG THUẬT TẠI CHỖ CA GHÉP GAN NGÀY 2.7
20h00, trưởng đoàn Hàn Quốc, giáo sư - bác sĩ Suk Koo Lee và giáo sư Nguyễn Thanh Liêm xuất hiện trong hội trường. Các bác sĩ vẫn mặc trên người bộ đồ phẫu thuật.
Chị Đông, mẹ cháu Tuấn nghẹn ngào cảm ơn Giáo sư Suk Koo Lee, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm và toàn bộ các y bác sỹ thực hiện ca phẫu thuật
Với khuôn mặt phấn khởi, Giáo sư Lee đánh giá ca mổ đã thành công mỹ mãn. Tuy nhiên ông cũng nói phải 1-2 tuần mới có thể đưa ra đánh giá tiếp theo.
Giáo sư Lee khẳng định đội ngũ bác sĩ của Việt Nam có lòng nhiệt tình, chuyên môn cao. Trong tương lai đội ngũ này có thể dễ dàng thích ứng với những ca khó khăn tương tự. Giáo sư Lee cũng cảm ơn sự chuẩn bị hoàn hảo của Viện Nhi Trung ương.
Ở Hàn Quốc, chi phí cho 1 cuộc phẫn thuật như thế này là 50.000 - 100.000 USD. Ở Việt Nam, chi phí cho một cuộc phẫu thuật tương tự rất đắt, người bệnh rất khó có khả năng chi trả.
Trong lúc này kíp mổ vẫn đang hoàn thành những thao tác cuối cùng.
Tuy đã trực chiến liên tục hơn 14 giờ đồng hồ (từ 6h sáng) song các nhà báo vẫn rất kiên nhẫn bám theo từng diễn biến nhỏ nhất của ca phẫu thuật. Phải nói rằng bệnh viện Nhi Trung Ương đã rất chu đáo trong việc chuẩn bị đồ ăn, nước uống trong suốt một ngày cũng như đảm bảo điều kiện kỹ thuật (đường truyền internet ADSL, truyền hình trực tiếp tại hội trường) cho phóng viên tác nghiệp.
Báo Dân trí xin gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các y bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, phó trưởng Khoa Ngoại và kỹ sư Nguyễn Thế Vinh, những người đã giúp đỡ chúng tôi vô cùng tận tình trong việc tường thuật trực tiếp ca phẫu thuật từ phòng mổ.
(19h50) Đến phút này, bác sĩ Hưng cho Dân trí biết ổ bụng của cháu Tuấn đã được lau xong và các bác sĩ đang đặt ống dẫn lưu. Đóng ổ bụng là khâu cuối cùng của ca phẫu thuật. Dự kiến ca mổ sẽ kết thúc trong 30 phút nữa.
(19h30) Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm bước ra khỏi phòng mổ trong tràng vỗ tay của các nhà báo và những người theo dõi. Bác sĩ cho biết: " Đến thời điểm này ca phẫu thuật về cơ bản đã thành công. Nếu ca mổ thành công như dự kiến thì đây sẽ là bước tiến lớn cho ngành phẫu thuật gan ở Việt Nam. Tất nhiên muốn biết ca phẫu thuật có thực sự thành công hay không thì chúng ta phải đợi ít nhất sau một tháng nữa mới có thể có kết luận chính xác được. Điều quan trọng nhất bây giờ là chăm sóc sức khỏe, hồi phục cho cả 2 bố con. Bệnh viện sẽ làm tất cả những gì tốt nhất cho bệnh nhân".
PGS Nguyễn Thanh Liêm, GĐ Viện Nhi, một trong 2 phẫu thuật viên chính của kíp ghép gan trong vòng vây của các nhà báo
PGS Liêm cũng cho biết, có khá nhiều sự cố ngoài dự kiến. Ví dụ dự kiến lúc đầu cắt gan đơn giản nhưng khi thực hiện phẫu thuật mới thấy cực kỳ phức tạp. Do gan của cháu Tuấn bị xơ đã lâu, và trong quá trình phẫu thuật máu chảy rất nhiều, ngay cả bố của cháu cũng có nhiều bất thường. Khi rạch vào bụng của anh Thanh, đường mật đã không bình thường, buộc phải lấy thuỳ gan phải. Một khó khăn nữa là phần gan của ông bố bình thường cần một miệng nối, nhưng trường hợp này lại cần 2 miệng nối, mà một trong 2 miệng nối lại cần kỹ thuật vi phẫu. So với trường hợp mổ ghép gan ở Viện 103 thì ca mổ này phức tạp hơn nhiều. Mà những bất thường này lại không thể dự tính trước được.
Cũng có một số sự cố xảy ra trong quá trình chuẩn bị phẫu thuật. Ví dụ cần phải có đường ống dẫn lưu đặc biệt, hay 22 giờ đêm hôm qua, cần phải có đá để bảo quản gan và rửa, rồi những khay đựng để tiệt trùng ngay, dung dịch làm đá, nhưng đến 12 giờ đêm, mọi việc đã được giải quyết tốt đẹp.
Giáo sư Liêm cũng cho biết, chỉ cần từ 1-2 ca nữa là các bác sĩ VN có thể tiến hành những ca mổ phức tạp như thế này. Theo các bác sĩ Hàn Quốc thì họ có 45 triệu dân nhưng có tới 500 ca ghép tạng mỗi năm. Còn ở VN với 80 triệu dân có thể ghép được 1000 ca mỗi năm, nếu ca mổ này thành công, thì có thể sẽ có ca ghép gan thứ hai nữa cũng thực hiện ở Viện Nhi đến cuối năm nay.
Tương lai, các kíp phẫu thuật, kíp gây mê, hồi sức đã rất tự tin và chỉ 3 trường hợp nữa là họ có thể tự gây mê được. Kíp phẫu thuật cắt gan bệnh lý ghép gan, còn trường hợp lấy gan ở người cho thì các bác sĩ còn cần nhiều thời gian hơn.
Trước khi quay lại phòng mổ, Giáo sư Liêm đã gửi lời chúc hạnh phúc đến chị Đông, mẹ cháu Tuấn và rất mong chị an tâm vì hiện nay, ngoài các bác sĩ còn có một kíp chăm sóc anh Thanh chu đáo.
Các mốc thời gian quan trọng 8h08: Rạch da bụng bố * Hai phẫu thuật viên chính của kíp ghép gan là Giáo sư Suk Koo Lee và Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm. |
* Phần nối mật đã xong, các bác sĩ đang kiểm tra lần cuối để chuẩn bị khâu đóng ổ bụng cháu bé, kết thúc cuộc phẫu thuật.
(19h10) Đến giờ ca mổ đang đi đến giai đoạn cuối cùng. Các mạch máu được nối xong và 15 phút nữa sẽ nối đường mật. Sau đó sẽ khâu ổ bụng và dự kiến hơn 1 giờ nữa ca mổ sẽ hoàn tất - PGS Nguyễn Thanh Liêm cho biết từ phòng mổ.
Trưởng đoàn Hàn Quốc trực tiếp kiểm tra siêu âm mạch và khẳng định kết quả tốt.
Những thông tin mới từ phòng phẫu thuật vẫn liên tục được truyền ra. Lúc này người nhà bệnh nhân vẫn ngồi chăm chú theo dõi trên màn hình. Chị Đông dường như căng thẳng tới tột độ. Những người xung quanh cũng rất căng thẳng. Những thông tin từ phía bác sỹ và các phóng viên xung quanh, rằng cuộc phẫu thuật đang tiến triển tốt đẹp, cũng chỉ giúp họ an tâm phần nào.
Chúng tôi gặng hỏi chị Đông, chị cho biết: “Chưa bao giờ tôi thấy lo lắng như lúc này, trong lòng thấy như lửa đốt”. Xung quanh chị, thân nhân đã có người gục đầu xuống vì mệt mỏi. Con gái chị thì chạy xuống tận khu vực PV để tận mắt đọc những thông tin mới nhất truyền ra từ phòng phẫu thuật.
Một đường âm thanh được nối ra từ phòng phẫu thuật. Chúng tôi nghe được tiếng trao đổi của các BS, chuyên gia. Xem ra đến phút này mọi sự đều tốt đẹp.
(18h45) Từ trong phòng mổ, bác sĩ Hưng cho Dân trí biết qua điện thoại di động hiện ca mổ đã đến giai đoạn nối mật - ruột. Hiện đã nối xong 1 trong số 2 đường mật, bắt đầu siêu âm kiểm tra động mạch sau khi nối. Diễn biến ca mổ tốt.
Hiện tại các bác sĩ đang tiến hành siêu âm mạch máu, sơ bộ cho thấy kết quả khâu nối mạch máu tốt.
Gan của người bố được lấy ra là 556gr, gan bệnh của cháu Tuấn lấy ra là 800,37 gr.
(18h20) Một phút thư giãn cho tất cả những người đang căng thẳng theo dõi ca mổ khi màn hình lớn bỗng chiếu cảnh 1 kíp bác sĩ và y tá đang ngả lưng trên ghế bành nghỉ ngơi. Trông gương mặt tất cả đều toát lên sự mệt mỏi.
Theo dự định ban đầu, các bác sĩ sẽ cắt thuỳ gan trái của anh Thanh để ghép cho con. Nhưng đến nay, việc ghép gan lại được đổi thành thuỳ gan phải. Vì sao lại như vậy và có ảnh hưởng gì tới tình trạng bệnh nhân không? PV dantri.com.vn đã có cuộc phỏng vấn ngắn với TS Khu Thị Khánh Dung, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.
TS có thể cho biết các bác sĩ đã quyết định việc này như thế nào?
Ngay khi nhận thấy đường gan mật trong gan người bố không ở vị trí bình thường, các bác sĩ Hàn Quốc và Việt Nam đã hội ý và đi đến quyết định ngay là phải đổi sang cắt thuỳ gan phải để ghép cho cháu bé.
Vì sao lại như vậy, thưa TS?
Nếu lấy thuỳ gan trái như dự định ban đầu thì phải nối lại đường mật cho người bố, sẽ phức tạp và nguy hiểm hơn. Thông thường khi ghép gan, người ta lấy thuỳ gan trái, nhưng trong trường hợp này, lấy thuỳ gan phải sẽ tốt hơn nhiều.
Vậy ghép thuỳ gan phải với cháu bé có ảnh hưởng gì không?
Ghép thuỳ gan phải như vậy lại rất tốt cho cháu bé. Thuỳ gan phải thường to hơn thuỳ gan trái, các chức năng cũng tốt hơn. Có thể khối lượng gan của người bố còn lại sẽ ít hơn so với dự định ban đầu một chút, nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng gì và đặc biệt với con thì rất tốt.
|
(17h40) Hàng trăm con mắt vẫn căng thẳng hướng về màn hình truyền trực tiếp từ phòng phẫu thuật. Các công đoạn vi phẫu vẫn được tiến hành vừa khẩn trương, vừa thận trọng, dịch luôn được bơm vào và hút ra để làm sạch vùng mổ.
(16h55) Các bác sỹ đang tiến hành nối động mạch gan. Sau giai đoạn ghép động mạch sẽ đến giai đoạn ghép đường mật. Công đoạn nối đường mật là giai đoạn cơ bản cuối cùng của cuộc phẫu thuật.
16h40 mới chỉ có một bác sỹ và một y tá của nước bạn, cùng một bác sỹ của ta được ăn...trưa, bác sỹ Hưng cho biết.
(16h30) Cắt thùy gan phải chứ không cắt thùy trái như dự định.
Theo thông tin mới nhất, thùy gan được cắt là gan phải, vì theo bác sỹ Lộc, khối lượng gan trái không đủ yêu cầu để phục vụ ca ghép gan. Bác sỹ Lộc cho biết ca phẫu thuật sẽ chậm hơn so với dự kiến hơn 1 tiếng.
Các bác sỹ đang tiến hành giai đoạn vi phẫu. Bác sỹ Hưng từ phòng mổ cho Dân trí biết, cháu bé đã được nối tĩnh mạch trên gan phải, tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch trên gan dưới phải và đang chuẩn bị nối động mạch gan.
Hơn 8 tiếng từ khi ca mổ bắt đầu, nhiều phẫu thuật viên vẫn chưa được nghỉ ngơi và ăn uống gì, không ngừng theo dõi ca phẫu thuật. Mặc dù khá căng thẳng, nhưng tâm trạng các bác sỹ đều phấn chấn vì nhiều công đoạn của ca phẫu thuật đã hoàn thành thuận lợi.
(15h20) Ổ bụng anh Thanh đã được đóng xong, ca mổ cho anh Thanh gần như đã hoàn tất. 15h30, gan người bố đã được chuyển sang để ghép cho con. Các bác sỹ bắt đầu nối tĩnh mạch trên gan.
Kíp ghép gan gồm Giáo sư Suk Koo Lee, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm và Tiến sỹ Trần Ngọc Sơn. Hai phẫu thuật viên chính là Giáo sư Lee và Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm.
(14h45) Cháu Tuấn đã được truyền: 8 đơn vị khối hồng cầu, 10 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh, 4 tủa lạnh yếu tố 8, 1/2 đơn vị tiểu cầu máu.
Bác sỹ Đỗ Minh Cầm trưởng khoa truyền máu cho biết, lượng máu truyền như vậy là tương đối ít, càng ít các yếu tố dị nguyên thì nguy cơ thải ghép gan càng giảm.
Tâm trạng các bác sỹ trong phòng mổ rất phấn khởi vì đến giờ phút này, ca mổ diễn ra khá suôn sẻ.
(14h30) Từ phòng mổ, bác sỹ Hưng cho biết, tình trạng bàn mổ người cho gan, người nhận gan và kíp rửa gan đều diễn biến tốt. Anh Thanh đang được các bác sỹ khâu đóng ổ bụng.
(14h00) Đến thời điểm này, kíp mổ phòng anh Thanh đã hoàn thành việc cắt gan, đúng như kế hoạch các bác sỹ đã dự kiến. Anh Thanh đang được khâu vết mổ và sẽ được đưa vào phòng hồi sức cấp cứu đặc biệt ngay lập tức. Bên ngoài, mẹ cháu Tuấn, chị Đông cho biết, chị như trút bớt được một phần gánh nặng khi chồng chị, anh Thanh đã được tách gan an toàn.
Lá gan hỏng của cháu Tuấn. |
Thùy gan vừa cắt tách của anh Thanh đang được rửa bằng nước đá vô trùng để chuẩn bị đưa vào ghép.
Thùy gan vừa cắt tách đang được rửa trong |
Kíp rửa gan gồm các bác sỹ Sung Joo Kim, bác sỹ Bùi Đức Hậu, bác sỹ Tô Mạnh Tuấn. Công đoạn rửa gan kết thúc lúc 14h08 phút.
Phần gan hỏng của cháu Tuấn sắp được loại bỏ. Hiện các bác sỹ đang kiểm tra lại đường mật, động mạch, tĩnh mạch của phần gan được cắt ra.
Đúng 14h15 toàn bộ phần gan hỏng của cháu Tuấn đã được cắt bỏ.
Theo nhận định của bác sỹ Lộc, sau khi được ghép, gan có thể phát triển lớn lên khoảng 5-15% trong cơ thể người nhận.
(13h30) Theo thông tin mới nhất từ bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, hiện kíp phẫu thuật đã hoàn thành 70% công đoạn cắt gan của anh Thanh.
Ca phẫu thuật sẽ kéo dài hơn dự kiến khoảng 2 giờ đồng hồ. Theo bác sỹ Hưng, những ca mổ như thế này ở Hàn Quốc kéo dài khoảng 10 đến 11 tiếng, vì vậy ca mổ ghép gan cho cháu Tuấn dự kiến sẽ kết thúc vào lúc 19 hoặc 20h tối nay.
6 tiếng đồng hồ đã trôi qua, nhưng toàn bộ hai kíp mổ vẫn chưa nghỉ luân phiên và vẫn chưa được ăn gì, bác sỹ Hưng cho biết.
Theo quan sát của PV Dân trí các bác sỹ bên phòng mổ của cháu Tuấn đang khẩn trương chuẩn bị cho việc nhận gan.
(13h00) - Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, bác sĩ Nguyễn Văn Lộc (phó giám đốc BV) cho biết quy trình nhận gan gồm các giai đoạn:
- Bộc lộ gan người nhận
- Chuẩn bị các đường nối và buộc thắt các vị trí để mạch máu tạm ngừng chảy.
- Chuẩn bị đường mật ruột để nối với gan người cho.
Các giai đoạn này thường kéo dài từ 3 - 4 tiếng.
Trong phòng mổ của cháu Tuấn, tình hình cũng căng thẳng không kém phòng mổ của anh Thanh.
Bây giờ đã quá trưa, hội trường J đã trở nên thưa thớt hơn do nhiều người đã tạm rời hội trường để đi tìm chỗ ăn trưa. Chỉ còn gia đình bệnh nhân và một số nhà báo vẫn đang chăm chú theo dõi ca mổ qua màn hình lớn.
Tiếp tục cập nhật.
(12h05) - Đúng lúc này các bác sĩ đang tiến hành cắt thùy trái của anh Thanh.
Bên phòng mổ của cháu Tuấn, các bác sĩ cũng đã sẵn sàng cho việc nhận gan.
(11h30) - Kíp phẫu thuật đang phải bơm huyết thanh để nhìn động mạch rõ hơn. Bác sĩ Kính cho biết ê kíp phẫu thuật đang tiến hành kỹ thuật khó, bóc tách túi mật.
Lúc này, trong phòng mổ cho cháu Tuấn, các bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật, chuẩn bị đón gan của người bố. Ở phòng mổ của anh Thanh, ê kíp phẫu thuật đang tiến hành cắt thùy gan trái. Tình hình cả 2 phòng mổ đều thuận lợi, tốt đẹp.
Đã hơn 4 tiếng đồng hồ kể từ khi bệnh nhân được đưa vào phòng mổ. Tại hội trường, người nhà bệnh nhân tỏ ra khá căng thẳng. Cháu Hoàng Thị Vịnh, chị gái của bệnh nhân mắt rưng rưng, không nói được câu nào khi nhà báo tới bắt chuyện. Cố gắng lắm Vịnh mới trả lời lúc này cháu chỉ cảm thấy trống rỗng.
Lúc này, người nhà bệnh nhân ngồi một góc phía trên hội trường J. Tất cả đều đăm chiêu lo lắng. Bên trên hội trường, một màn hình nữa cũng đã bật lên, quay phòng phẫu thuật của em Tuấn.
Chị Đông hết nhìn sang màn hình chiếu phòng chồng lại nhìn sang phòng con. Những lúc màn hình chiếu tới cận cảnh các bộ phân nội tạng trong cơ thể, chị và con gái phải quay mặt đi không dám nhìn. Những thân nhân khác thì liên tục xuýt xoa lo lắng, mặt nhăn nhó như thể chính họ đang bị cắt gan.
Bác sĩ Ngọc Khang trấn an mọi người trong hội trường. Ông cho biết ê kíp chuyên gia Hàn Quốc rất có kinh nghiệm trong mổ gan như thế này. Mỗi tuần họ thường tiến hanh 2 ca phẫu thuật như vậy.
Trong phòng mổ hiện có 8 bác sĩ và y tá. Các bác sĩ đang phối hợp nhịp nhàng việc thắt các mạch máu để hạn chế tối đa chảy máu khi hoàn thành cắt gan.
(Tiếp tục cập nhật)
(10h30) 10h00, các bác sĩ hội ý để quyết định sẽ cắt gan như thế nào. Kỹ thuật viên đang bơm thuốc vào động mach gan. Phải tìm được động mạch thì các bác sĩ mới tiến hành cắt.
Đúng 10h08’, các bác sĩ bắt đầu cắt gan người bố. Bác sĩ Khang, bác sĩ Dũng (Bộ Y tế) đang theo dõi ca mổ cùng nhà báo nhận định gan của người cho rất tốt.
Cả hai kíp mổ đang phối hợp rất nhịp nhàng. Kíp rửa gan đang sẵn sàng nhận
* (9h30’) Đến thời điểm này, các bác sĩ đang cắt gan của anh Hoàng Văn Thanh, bố cháu Tuấn. Kíp phẫu thuật sẽ cắt thùy trái gan và để lại thùy phải. Đây là một kỹ thuật khó, phẫu thuật viên phải cắt sao để không chảy máu.
Theo nguồn tin riêng của báo Dân trí từ trong phòng mổ, gan của người bố rất tốt, hồng đẹp.
Bác sĩ Lộc cho phóng viên Dân trí biết gan cắt đến đâu sẽ được kẹp luôn đến đấy để tránh chảy máu. Các bác sĩ phẫu thuật đang làm rất tốt việc này. Trong phòng mổ các bác sĩ chỉ được dùng ký hiệu khi cần lấy y cụ, không được nói. Nếu nồng độ chất độc trong gan cao, bị suy gan hay suy thận cấp sẽ phải tiến hành lọc máu.
Tiến sĩ Kính cho biết ông rất tin tưởng vào thành công bởi ca phẫu thuật này đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
* (9h sáng) Trong lúc này tại hội trường J - BV Nhi Trung Ương, hàng trăm nhà báo và những người quan tâm đang dõi theo màn hình lớn truyền trực tiếp từ phòng mổ. Con trai cả của anh Thanh, cháu Hoàng Đức Vương vẻ mặt đầy căng thẳng, mắt dán vào màn hình theo từng đường dao của kíp mổ. Vương nói: "Cháu rất lo cho em và bố, cháu rất căng thẳng."
Còn cháu Hoàng Văn Vinh, con thứ hai của gia đình tỏ ra sợ hãi khi nhìn từng đường mổ. Cháu Vinh 16 tuổi, hiện đang học cấp ba trường tại quê.
Hiện tại Kỹ thuật viên đang chia làm các kíp: Lấy gan, rửa gan, ghép gan, vi phẫu, nối ruột, gây mê hồi sức, hồi sức sau phẫu thuật
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, Vu trưởng Vụ điều trị Lý Ngọc Kính và các bác sĩ trong vụ đang theo dõi ca mổ.
Tiến sĩ Lý Ngọc Kính cho biết lấy gan ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người cho gan, tùy theo khối lượng gan. Bộ Y tế đã trình từ năm 2004 xin phép lấy gan từ người chết lâm sàng nhưng Quốc hội chưa thông qua.
Bởi theo ông Kính, rất khó xác định thế nào là chết lâm sàng vì chỉ có lấy gan ở gần thời điểm đó thì mới có tác dụng. Nếu lấy được gan thì phải có ngân hàng lưu trữ.
Các bác sĩ đang chuẩn bị cắt hạ phân thùy 2,3,4.
* Lúc này (8h sáng), các bác sĩ của Viện Nhi Trung ương đang tiến hành gây mê cho cháu Hoàng Anh Tuấn và anh Hoàng Văn Thanh. Tại hội trường J, có rất đông phóng viên báo chí đang theo dõi ca mổ.
Trong hội trường, mọi người đều chăm chú nhìn lên màn hình truyền trực tiếp từ phòng mổ. Đột nhiên nhìn thấy vết đỏ rất lớn trên bụng người bố, mọi người đều ồ lên. Ngay lập tức, bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Viện phó Bệnh viện Nhi Trung ương “”đính chính” với: "đấy chỉ là cồn iốt được bôi khử trùng trước khi mổ thôi".
Người cầm dao mổ đầu tiên, thuộc kíp lấy gan người cho bao gồm:
Giáo sư Choi seong Ho
Bác sĩ Park Jin Wan
Giáo sư Lê Trung Hải
Thạc sĩ Lê Nam Thắng
Hiện tại, các bác sĩ đang chuẩn bị rạch da người cho người bố.
8h08: bắt đầu rạch da
8h11: hiện đang rạch da. Mọi thao tác chuẩn cho bắt đầu rạch da đều tốt
Tình trạng bệnh nhân tốt, huyết áp bình thường.
6h30, chúng tôi lên phòng mổ, nhưng phòng mổ đã bắt đầu “bế quan toả cảng”, các phóng viên được mời xuống Hội trường và theo dõi cuộc phẫu thuật qua màn hình. Tuy nhiên các bác sĩ của Viện Nhi TW cũng rất chu đáo khi tạo mọi điều kiện để các phóng viên tác nghiệp một cách tốt nhất. Một màn hình nối trực tiếp từ phòng mổ xuống Hội trường. Tại đây chúng tôi có thể phỏng vấn trực tiếp các giáo sư, bác sĩ, nhân viên trong kíp mổ lúc nào có thể.
Các nhà báo đang lấy thông tin từ bác sĩ Lộc |
Ông của cháu Tuấn trong chiếc áo giành riêng cho người nhà bệnh nhân có mặt trong hội trường và khác với chúng tôi nghĩ, ông trả lời các câu hỏi của phóng viên rất thoải mái, xác định rõ: Phải chấp nhận tất cả các rủi ro nếu xảy ra, tuy nhiên ông cũng hiểu rằng ông rất tin vào tay nghề của kíp mổ.
8h, các Giáo sư, bác sĩ đang hội chẩn. Khoảng 8h30 nhóm chuyên gia Hàn Quốc sẽ tham gia vào kíp mổ. Vào lúc này Hội trường đã bắt đầu đông dần lên với sự có mặt của các phóng viên, chuyên viên kỹ thuật. Tất cả đều hồi hộp chờ đến giờ bắt đầu thực hiện ca mổ.
Bác sỹ Khánh nói: “Tiêu chí là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả hai”. BS Minh nói: “Chúng tôi phải tới đây động viên tinh thần bệnh nhân trước giờ mổ, để bệnh nhân có trạng thái tinh thần ổn định nhất khi lên bàn mổ”.
Bên ngoài phòng, các y tá bác sỹ đi lại nhộn nhịp. Trong gia đình, Tuấn là út. Các anh chị ruột, thím của Tuấn đi lại đầy bồn chồn lo lắng. Có vẻ như bố con anh Thanh là tâm điểm của mọi sự theo dõi. Ai đi qua cũng ngó vào phòng.
Cháu Tuấn được đưa vào phòng mổ. |
Ngồi lại với mẹ con cháu Tuấn, chị Đông kể nhiều với chúng tôi về con mình, rằng cháu học giỏi, nhưng yếu ớt vì bạo bệnh. Năm nào cũng được đi thi học sinh giỏi, khi thi toán, khi thi văn. Vừa qua cô giáo cũng gửi thư xuống động viên cháu. Sở dĩ nhiều người tưởng nhà cháu ở Hoà Bình vì cháu học trường THCS Lý Tự Trọng- thị xã Hoà Bình, theo bố mẹ đi làm ăn xa.
Chị Đông miệng nói “Tôi tin tưởng vào các thày, các bác sỹ”, nhưng chúng tôi đọc được trong mắt chị vẻ lo âu bồn chồn dễ hiểu của một người mẹ. Có lẽ trong chị, sự căng thẳng đang tới cao độ và chị phải nén lòng ghê gớm, vẫn một mực an ủi động viên con trai.
Đúng 7h30. Cháu Tuấn được đưa lên xe, đi tới phòng phẫu thuật. Xe ra cửa phòng, chúng tôi hỏi em: Lo không- không, đói không- đói (từ đêm qua tới giờ Tuấn mới uống 1 ly sữa theo yêu cầu của BS), hồi hộp không?- Có, em hồi hộp lắm- Cứ yên tâm, chỉ như một giấc ngủ dài thôi em ạ.
Chị Đông và các anh chị ruột của em Tuấn theo xe tới tận phòng phẫu thuật. Bên ngoài phòng phẫu thuật, những bảo vệ có mặt đã chặn tất cả lại. Những người có mặt chỉ biết nói với theo những lời chúc. Tới giờ phút này, tất cả chỉ biết chờ đợi và hy vọng.
Nhóm PV Y tế