1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hồi ức tháng Tư của nữ biệt động thành Sài Gòn

(Dân trí) - 41 năm, với lịch sử một dân tộc là khoảng thời gian không dài cũng không quá ngắn nhưng cần thiết để mỗi người nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa của chiến thắng 30/4/1975. Chia sẻ những hồi ức về tháng Tư lịch sử của một “bông hoa” trên tuyến lửa - nữ biệt động thành Vũ Minh Nghĩa sống động như mới vừa hôm qua...

Hồi ức ngày 30/4/1975 của nữ biệt động thành Chính Nghĩa

Người con “đất Thép” Củ Chi

Bà Vũ Minh Nghĩa (tự là Chính Nghĩa) sinh ra và lớn lên trong cái nôi Cách mạng, trên vùng đất Củ Chi (xã Nhuận Đức - Củ Chi, TP.HCM). Cha mất khi bà mới lên 2 tuổi, một mình mẹ tần tảo nuôi 8 anh chị em…

Con đường dẫn Chính Nghĩa đến với Cách mạng như một "định mệnh”. Bà tâm sự, khi còn rất nhỏ, với tố chất nhanh nhẹn, bà đã trở thành giao liên, tiếp tế lương thực, cơm nước cho các cán bộ hoạt động tại xã.

“Mình quý mến các cô chú nên khi Má và láng giềng biểu xách cơm cho các cô chú thì xung phong đưa ngay chứ lúc đó đã nào biết Cách mạng là gì? Thú thật, đưa thư thì cũng có lúc đưa tận tay chứ mang cơm, tiếp tế lương thực thì thường là đặt đồ ăn, nước uống tại chỗ đã quy ước sẵn chứ nhiều khi còn hổng biết mặt người mình mang cơm cho ăn nữa – Lớn lên chút, mình thích theo các cô chú chỉ vì thích mang dép râu, quấn khăn rằn… nhìn đẹp hết biết!”, bà Chính Nghĩa nhớ lại.

Bà sinh ra, lớn lên và hoạt động cách mạng ở vùng đất thép Củ Chi
Bà sinh ra, lớn lên và hoạt động cách mạng ở vùng đất thép Củ Chi

Ngược dòng lịch sử của dân tộc, vào những năm đầu tiên của thập niên 60, khi hào khí phong trào Đồng Khởi lan tỏa đến vùng đất Củ Chi, người dân miệt vườn đã cùng nhau tham gia phong trào đòi quyền lợi chính đáng với Ngụy quyền.

Trong một cuộc biểu tình, khi bị bắn đàn áp đã có 2 phụ nữ trúng đạn, và một trong hai người ấy là “ruột rà máu mủ” - người chị thứ 3 của Chính Nghĩa. Cũng trong những ngày đó, Mẹ của Chính Nghĩa đã bị chính quyền Sài Gòn bắt giữ trong một cuộc xuống đường đòi gặp Hạ nghị viện Ngụy quyền… Tất cả những ấn tượng đầu tiên ấy đã “nuôi dưỡng” tâm hồn của một cô bé lanh lợi, “chân sáo” ngày nào trở thành một thiếu nữ kiên trung…

Năm 1964, sự kiện anh Nguyễn Văn Trỗi bị chính quyền Mỹ đưa ra xử bắn sau khi kế hoạch đặt mìn ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara bất thành chính là “giọt nước tràn ly”, thôi thúc Chính Nghĩa dấn thân theo con đường Cách mạng, để rồi chưa đầy một năm sau, Đội 5 của biệt động thành hoạt động tại Củ Chi chọn được một cô gái dũng cảm tham gia. Các cô các chú lúc đó nghĩ ngay đến cô bé Chính Nghĩa.

Vào ngày 15/4/1965, Vũ Minh Nghĩa chính thức trở thành Nữ biệt động Sài Gòn dưới sự chỉ huy của đội trưởng Nguyễn Thanh Xuân (bí danh Bảy Bê). Năm đó, Chính Nghĩa bước vào tuổi 18.

Nữ biệt động Sài Gòn - Chính Nghĩa kể về ngày toàn thắng của dân tộc (Video: Phạm Nguyễn)

“Bông hoa” trên tuyến lửa

"Hôm cho tôi theo Cách mạng, má đã gửi gắm các cô các chú rằng bố trí cho Chính Nghĩa vào chỗ nào gian khổ mấy cũng được chứ hoạt động nội thành, dễ bị địch phát hiện, bắt bớ… Nó (tức là Chính Nghĩa – PV) còn nhỏ quá, sợ không qua được các đòn ngón tra tấn mà khai thì lại mang tội với Cách mạng, với đồng chí, đồng bào… Hôm chia tay đi cùng các cô chú, Má con tôi không được gặp nhau. Lúc đeo túi xách lên vai, lòng tôi sao thấy nao nao, bùi ngùi khó tả… Bởi chăng, những năm tháng ấy, ai tham gia Cách mạng cũng mang suy nghĩ rằng khi bước chân ra đi sẽ trở chỉ về khi nước nhà độc lập. Và tôi cứ nghĩ mình sẽ đi xa lắm…”, bà bồi hồi kể.

Nhưng, với tố chất thông minh lanh lẹn của mình, sau khi được đứng vào hàng ngũ Cách mạng, Chính Nghĩa lại được phân công trở về nội đô để hoạt động trong vỏ bọc là một cô thợ may, với nhiệm vụ là giao liên và sau này trở thành biệt động thành.

Nữ biệt động thành Chính Nghĩa kể về những năm tháng tuổi trẻ chiến đấu hăng say
Nữ biệt động thành Chính Nghĩa kể về những năm tháng tuổi trẻ chiến đấu hăng say

3 năm sống trong vỏ bọc cô thợ may, trong trận chiến bi tráng 1968, Chính Nghĩa là “bông hoa” duy nhất trong số 15 chiến sĩ trên “tuyến lửa” đánh trực tiếp vào Dinh Độc Lập.

Sau trận đánh bất thành đó, Chính Nghĩa đã bị bắt, 6 năm nếm trải đủ các ngón đòn tra tấn, trải qua hàng chục nhà tù khét tiếng của chế độ Việt Nam Cộng hòa… địch vẫn không thu thập được bất cứ một thông tin gì của tổ chức Cách mạng từ cô gái trung kiên. Cuối cùng, Chính Nghĩa đã bị đày ra nhà tù Côn Đảo.

Năm 1974, với thắng lợi của Hiệp định Paris, Chính Nghĩa đã được trả tự do cùng hàng ngàn chiến sĩ Cách mạng khác đang bị giam cầm tại “địa ngục trần gian” này. Để rồi chưa đầy 1 năm sau, cô gái kiên trung ấy lại có mặt trong đội quân Tiến về Sài Gòn trong những ngày Tháng Tư lịch sử của dân tộc…

Trong câu chuyện “chắp vá” từ những ký ức xa xưa, nữ thiếu tá Vũ Minh Nghĩa thuật lại Chiến thắng thần tốc của Chiến dịch Hồ Chí Minh với đoạn kết thật hào hùng, vẻ vang và mang màu sắc “hòa bình” ngay trong những giờ phút đầu tiên Sài Gòn ngưng tiếng súng.

Theo Thiếu tá Minh Nghĩa, dân vận, được lòng dân là chính là bài học lớn nhất trong cuộc chiến tranh giành độc lập, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Bà nhớ mãi những hình ảnh khi quân giải phóng tiến đến đâu cũng được đông đảo bà con nồng hậu tiếp đón, cơm nước, chăm lo cho bộ đội mình.

Tuy nhiên, trong lúc hành quân tiến vào nội đô Sài Gòn, cũng có nhiều cô gái Sài Gòn đã nhìn tôi bằng ánh mắt hiếu kỳ pha chút e dè, họ biểu tôi cởi chiếc mũ tai bèo ra cho coi mặt, rồi cũng chính họ đã thắc mắc sao bộ đội mà vẫn mạnh mẽ, trẻ trung và xinh đẹp chứ không giống những lời họ từng nghe tuyên truyền bộ đội rất gầy gò và ốm yếu dữ lắm… (!?)" - nữ thiếu tá Vũ Minh Nghĩa nhớ lại.

Những sự kiện xảy ra cho gia đình, truyền thống cách mạng của địa phương đã dẫn bà đi theo con đường cách mạng
Những sự kiện xảy ra cho gia đình, truyền thống cách mạng của địa phương đã dẫn bà đi theo con đường cách mạng

Giọng của Nữ biệt động thành cũng có lúc như trầm lại, bà chia sẻ: Có thể nói, do ảnh hưởng dòng chảy lịch sử của dân tộc, nhiều người trở thành binh lính, sĩ quan chế độ cộng hòa thời đó là do "thời cuộc". Chính vì thế, không ít người trong số đó đã “cởi bỏ áo lính” ngay trong những thời khắc đầu tiên Sài Gòn im tiếng súng.

“Tôi nhớ mãi hình ành hàng trăm binh lính, sĩ quan Cộng hòa đã đồng loạt cởi bỏ quân phục, trên người họ chỉ còn là áo thun trắng, nhìn từ xa như một đàn vịt, đàn chim vỡ tổ, bay toán loạn... chỉ còn thấy màu trắng phếu. Họ cứ chạy ngay trước mặt tuyến hành quân của đơn vị tôi khi tiến vào nội đô Sài Gòn. Rồi trên đường phố là những chiếc cờ 3 sọc của chế độ Sài Gòn bị kéo xuống, vứt ngổn ngang, tả tơi... Hình ảnh ấy như muốn nói thay cho lời đầu hàng vô điều kiện”, bà Chính Nghĩa trầm tư nhớ lại.

Theo dòng hồi ức, cũng có lúc nữ Thiếu tá biệt động thành đã tỏ ra phấn khích khi nhắc về ấn tượng lần đầu được đi xe tăng, bà nói: "Qua lần trải nghiệm ấy, tôi mới hiểu rõ hơn về tác dụng của khối thép nặng nề mà "tài tình" này. Xe tăng rất cơ động, lội nước khá nhanh, còn khi lên bờ thì cứ lầm lũi lăn từng bước nhỏ trên đường một cách rất bền bỉ để bước tới... Tôi cứ thầm so sánh, phải chăng sự "linh động" và bền bỉ của chiếc xe tăng đã thể hiện hình ảnh của bộ đội mình. Và cả hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập - biểu tượng quyền lực của Chế độ Sài Gòn trước 1975, cũng đã đi vào tâm khảm của nhiều thế hệ và được lưu giữ như một chiến tích hào hùng" - Bà Chính Nghĩa chia sẻ.

Có thể nói, với hàng triệu người dân Việt, những ngày Tháng Tư lịch sử kết thúc với mốc 30/4/1975 đã trở thành ngày trọng đại, đánh dấu thời khắc chiến tranh lùi dần vào quá khứ, hoà bình trở lại trên quê hương. Đó là ngày của đoàn tụ gia đình, ngày của yêu thương, hạnh phúc vỡ òa khi non sông về một mối.

Bài: Việt Khuê
Ảnh: Nguyễn Quang