1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hội thảo về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Ngày 26/4, tại Hà Nội, Chương trình Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo quốc gia lần thứ hai về Biển Đông với chủ đề “Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: Lịch sử, Địa chính trị và Luật pháp quốc tế.”

Đây là cơ hội để giới học giả nghiên cứu Biển Đông trong cả nước chia sẻ thông tin, đồng thời tập hợp rộng rãi các ý kiến, đánh giá, nhận định về các diễn biến gần đây và những hệ lụy ở khu vực Biển Đông.

Về các cơ sở pháp lý và lịch sử chủ quyền của Việt Nam và các bên liên quan, các đại biểu cho rằng Việt Nam có nhiều bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để chứng minh chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã chiếm hữu thực sự, hòa bình, và thực thi liên tục chủ quyền của mình ở đây.

Một số ý kiến nêu rõ mặc dù đã tập hợp nhiều bằng chứng, nhưng chúng ta vẫn cần tiếp tục sưu tầm, hoàn chỉnh các tài liệu gốc, dịch sang các thứ tiếng và quảng bá rộng rãi các tài liệu, cùng với đó là phải chỉnh sửa và bổ sung các thông tin chưa chính xác hay còn thiếu. Mặt khác, Việt Nam cũng không nên chủ quan, mà cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện các lập luận của mình.

Về yêu sách của Philippines, tham luận tại phiên 1 cho rằng Philippines có điểm mạnh là nước này về mặt địa lý gần quần đảo Trường Sa nhất so với Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Tuy nhiên hình thức thụ đắc năm 1956 của Croma là của cá nhân, không phải trên danh nghĩa nhà nước.

Về cơ sở của Trung Quốc, các đại biểu cho rằng luận điểm của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông dựa trên hình thức thụ đắc lãnh thổ chiếm hữu và hình thức thụ đắc lãnh thổ bằng điều ước quốc tế. Về hình thức thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu, một số ý kiến phát biểu cho rằng Trung Quốc đã không thỏa mãn yêu cầu chiếm hữu hòa bình, thực sự và dưới danh nghĩa nhà nước.

Các học giả cũng cho rằng hệ thống địa danh của Trung Quốc không dựa trên yếu tố lịch sử, việc tập hợp các địa danh không kèm văn bản gốc. Một số công trình nghiên cứu của Trung Quốc khi trích dẫn dựa trên các tư liệu cổ, thường trích dẫn một cách ngắt đoạn, còn một số khác đúng nguồn thì lại hiểu sai về nội dung.

Các đại biểu cũng nhất trí rằng, việc nghiên cứu cơ sở pháp lý của các nước liên quan trong tranh chấp cũng quan trọng và có vai trò tương đương với việc nghiên cứu cơ sở của Việt Nam. Do vậy, cần phải rà soát lịch sử, các tư liệu, bản đồ của các nước có liên quan.

Về các diễn biến gần đây ở khu vực Biển Đông, các đại biểu cho rằng ở khu vực Biển Đông gần đây đã có thay đổi trên một số bình diện. Trước hết, vấn đề Biển Đông từ chỗ chỉ là tranh chấp giữa các nước trong khu vực đã trở thành một trong những vấn đề quốc tế, được đem ra bàn thảo ở những diễn đàn đa phương quốc tế như ARF…

Thứ hai là thay đổi từ ASEAN. Hiện nay vấn đề Biển Đông đã trở thành vấn đề khá nổi bật trong chương trình nghị sự của ASEAN, thể hiện rõ quyết tâm chuyển từ Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) sang Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).

Thứ ba là lập trường của Trung Quốc cũng đã có nhiều thay đổi. Hiện nay, dường như Trung Quốc có xu hướng sử dụng Công ước về Luật biển nhiều hơn, có thay đổi trong hành vi ngoại giao, cũng như có một số điểm mới trên thực địa.

Thứ tư, quá trình đàm phán về vấn đề Biển Đông cũng bắt đầu có nhiều chuyển biến, các nước bắt đầu đàm phán trực tiếp về COC.

Về vấn đề hợp tác trong khu vực, các đại biểu nhất trí rằng Biển Đông không chỉ là vấn đề xung đột, tranh chấp, đối đầu mà còn là cơ hội để các nước tăng cường hợp tác.

Về các kịch bản có thể diễn ra ở Biển Đông trong thời gian tới, các học giả cho rằng có thể có 4 kịch bản xảy ra. Một là, tình hình khu vực sẽ tốt hơn hiện nay nếu như các bên, đặc biệt là Trung Quốc, hành xử đúng theo những gì mình đã nói, đó là “tạo dựng Biển Đông thành một vùng biển hòa bình và hợp tác.” Hai là, tình hình sẽ cơ bản như hiện nay, quá trình hợp tác và đấu tranh tiếp tục và đan xen lẫn nhau. Ba là, tình hình xấu hơn hiện nay tức mặt xung đột, tranh chấp nhiều hơn hợp tác nhưng chưa có xung đột quy mô lớn. Bốn là, xảy ra xung đột lớn.

Về việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông, các học giả cho rằng, COC chưa phải là phương tiện để giải quyết các tranh chấp mà sẽ là một công cụ để xây dựng lòng tin nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau và khuyến khích hợp tác sử dụng và quản lý Biển Đông một cách hòa bình. Do vậy, COC không nên dừng lại ở cam kết của các bên thực hiện các nguyên tắc khung mà cần phải xác định rõ những hành vi không được phép tiến hành.

Ngoài ra COC cũng cần quy định những điều kiện và cơ chế thích hợp cho phép các bên tăng cường đối thoại, giảm thiểu căng thẳng. Trước mắt, các bên cần thúc đẩy thực thi đầy đủ DOC ký giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002.

Hội thảo đã diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn, đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến khu vực Biển Đông hiện nay.

Cùng với các hội thảo quốc tế, Hội thảo quốc gia về Biển Đông là một kênh quan trọng để huy động trí thức của cả nước về vấn đề Biển Đông./.

TTXVN/Vietnam+