Hội móc len đan “tai giả” gửi tuyến đầu chống dịch Covid-19
(Dân trí) - Chị Nguyễn Thanh Trà (Hà Nội) vận động các chị em phụ nữ trong hội yêu thích đan móc len cùng nhau đan những chiếc tai giả gửi các y bác sỹ trong tâm dịch Covid-19.
Nhận thấy ý tưởng đan móc "tai giả" hiệu quả trong việc hỗ trợ những người ở tuyến đầu chống dịch, chị Nguyễn Thanh Trà – Trưởng nhóm đan móc len đã vận động các chị em trong hội phụ nữ cùng làm để cung cấp tới những đơn vị cần sử dụng.
“Với những người phải đeo khẩu trang liên tục như các y bác sĩ hay những bạn làm ở tuyến đầu chống dịch thì thường bị đau ở vành tai. Những chiếc “tai giả” bằng len sợi này sẽ giúp mọi người đỡ đau hơn. Đồng thời, nó cũng giúp đeo khẩu trang chặt hơn, chống lây nhiễm tốt hơn...”, chị Trà cho biết.
“Tai giả” được đan bằng các loại sợi có công dụng giúp tai đỡ đau khi đeo khẩu trang. Dây khẩu trang được đeo vào hai nút "tai giả", giúp người dùng không bị đau tai do đeo khẩu trang nhiều giờ liền.
Nhờ đan móc thủ công, sản phẩm “tai giả” này đa dạng về kích cỡ màu sắc, bắt mắt sáng tạo. Khi đeo vào, tai giả giúp các y bác sĩ cảm thấy mềm mại và dễ chịu.
Việc đan từng cái móc tai như thế thì không tốn nhiều thời gian. Mỗi thành phẩm mất tầm 10 phút gồm hai giai đoạn: Móc len và đơm nút. Trong nhóm, công việc được phân chia rõ ràng, ai biết đan móc thì đan móc, ai không biết thì đính cúc làm quai.
Công việc đan móc len này không phân biệt độ tuổi, từ già đến trẻ đều có thể làm được. Đây cũng là công việc không tốn quá nhiều công sức và tiền bạc nhưng đem lại ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần cổ vũ tinh thần tới những người đang ngày đêm chống dịch.
Với mọi người, việc đan móc "tai giả" có thể làm mọi lúc mọi nơi, khi xem phim, xem thời sự, thời gian nghỉ trưa,...
Chị Trà chia sẻ thêm: “Thời gian đầu, chi phí mua len, các loại sợi đều được mọi người trong nhóm tự bỏ ra, sau đó nhờ sự vận động thêm từ bên ngoài, nhóm đã được hỗ trợ thêm.
Đồng thời, nhóm cũng được nhiều bạn trẻ gửi tặng thêm các sản phẩm “tai giả” nhằm tăng số lượng gửi tới các đơn vị đăng ký nhận.”
Nhóm móc “tai giả” đã hoạt động từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Hàng ngàn sản phẩm được làm và gửi tặng các đơn vị y tế ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Buôn Mê Thuật.
Dự định, nhóm sẽ mở rộng mô hình không chỉ dừng lại ở việc đan móc “tai giả” mà còn triển khai thêm nhiều sản phẩm khác đem lại ý nghĩa hơn cho cộng đồng.