Hối hả đón xuân
(Dân trí) - Những ngày này, trên khắp mọi miền đất nước, từ thành thị đến nông thôn, đều tràn ngập một không khí hối hả, tấp nập đón xuân.
Ướm thử tấm áo mới, Bling Bế, nhà ở xã Zuôih lội bộ xuống Chà Vàl sắm Tết cùng một chị bạn tỏ ra rất thích thú. Từ ngày xã làm đường mới từ Zuôih xuống Chà Vàl, người cùng làng với Bling Bế đi chợ sắm Tết dễ hơn nhiều. Bling Bế nói: “Mỗi năm sắm áo mới một lần thôi vì mấy ngày ni họ mới lên. Ngày thường chỉ có rau, có cá, có đồ ăn thôi...”.
Còn chị Nguyễn Thị Mai, nhà ở xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) lên mở sạp hàng tạp hóa ở xã Tà Pơ, ngay gần trung tâm hành chính mới của huyện thì nói: “Tui lên trên ni mở sạp bán có gần cả chục năm ni rồi. Tết thì tui nhập hàng nhiều hơn, nhất là bia, nước ngọt, bánh kẹo và gia vị các loại. Hàng Tết năm ni ở dưới chở lên bỏ cho đại có tăng giá nhưng không nhiều lắm, chủ yếu là bia, nước ngọt tăng giá”.
Để có được chút tiền dành dụm sắm Tết, bà con đồng bào Cơ Tu những tháng này ai ai cũng năng đi rừng hơn để hái đót, hái lá chuối… về bán lấy tiền đi sắm Tết. Vùng cao Quảng Nam đợt này đang vào đầu mùa đót. Bà Bling Đo, nhà ở xã Zuôih, năm nay gần 50 tuổi rồi mà hễ ngày tạnh ráo là bà tranh thủ đi rừng hái đót. Bà nói, mỗi ngày bà hái được hơn 20 kg đót, bán đổi được gần 100 nghìn. Người làng mùa này ai ai cũng đi hái đót bán lấy tiền mua bánh kẹo, áo quần, dầu ăn...
Trao đổi với PV Dân trí, bà Phạm Thị Như, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, trên địa bàn huyện có hai đơn vị chính là Công ty thương mại bình ổn giá và đoàn kinh tế Quốc phòng 207 phục vụ hàng hóa cho bà con mua sắm Tết, chủ trương “mua tận gốc, bán tận ngọn”, không để xảy ra tình trạng đột biến giá trong dịp Tết.
Huyện cũng đã triển khai cấp phát 156 tấn gạo của chính quyền địa phương hỗ trợ, và đang triển khai cấp phát tiếp 100 tấn gạo đến cho hơn 4000 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn 12 xã của huyện trong mùa giáp hạt cũng là dịp cận Tết này. Ngoài ra, huyện cũng phân bổ về 65 thôn của 12 xã trực thuộc mỗi thôn 5 triệu đồng để tổ chức Tết cộng đồng ở các nhà Gươil, nhà Moong trong đêm 30 tháng Chạp, Mồng 1 Tết âm lịch tới.
Những chậu cúc, mai, đào rực rỡ đã mang về không khí xuân cho TP Đông Hà.
Đang tưới nước cho ruộng hoa kịp nở rộ đúng vụ, bác Nguyễn Hoàng Hải cho biết: “Năm nay so với các năm khác thì hoa không đẹp bằng, nhưng được như thế này là mừng lắm rồi, hoa cúc thì giá năm nay thấp hơn só với các năm trước, chỉ có 1.000 đến 1.500đ/1 bông, hoa hồng thì giá 3.000 đến 4.000đ/1 bông”.
Không chỉ làng hoa Phủ Vân đang diện lên mình một “tấm áo rực rỡ”, thành phố Phủ Lý cũng bắt đầu đón những chuyến xe mang sắc xuân về.
Với cách bài trí những ngôi nhà lá tái hiện nông thôn miệt vườn miền Tây, các nghệ nhân trong trang phục truyền thống sẽ trình diễn các loại hình thủ công như đan thúng, đan rổ, dệt chiếu, làm bánh tráng, đổ bánh xèo,… Các món ăn đặc trưng của 3 dân tộc Việt, Hoa, Khmer được các nghệ nhân chế biến một cách khéo léo, đẹp mắt và ngon miệng. Cùng với đó là các hoạt động trình diễn nghệ thuật như: thắt lá dừa, chưng mâm ngũ quả và thư pháp… gợi nhớ nét đặc trưng ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Xay bột
Khói thơm bánh tráng lan toả
Gian hàng các bánh đặc trưng của bà con dân tộc Khmer (Ảnh: Nguyễn Hành)
Khánh Hiền - Đăng Đức - Thủy Tùng - Nguyễn Hành