1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Chất vấn trong Quốc hội:

Hỏi đến cùng để không còn “vùng cấm”

(Dân trí) - Mấy ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến các phiên chất vấn của Quốc hội đối với các thành viên của Chính phủ. Bầu không khí chất vấn “nóng” nhờ những câu hỏi “truy kích” đến cùng của các đại biểu Quốc hội. Sau những phiên chất vấn, tác giả của những câu hỏi “nặng ký” nói gì?

Trưởng đoàn  Đại biểu QH Ninh Thuận Nguyễn Ngọc Minh: Tôi đặc biệt ấn tượng với Chủ tịch Nguyễn Văn An

 

 

Hỏi đến cùng để không còn “vùng cấm” - 1
 

Nếu so với trước đây, tôi cho rằng kỳ họp này đã có sự đột phá về chất vấn và trả lời.  Đó là chất vấn trực tiếp đã thay cho hình thức “đọc” trả lời chất vấn. Nội dung đi vào trọng tâm không lan man. Nhiều đại biểu QH đã có sự đeo bám, truy kích đến tận cùng để làm rõ vấn đề. Tôi đặc biệt ấn tượng với vai trò điều hành của Chủ tịch Nguyễn Văn An để nâng cao chất lượng chất vấn trong cách thức tiến hành, chuẩn bị nội dung.

 

Cũng từ khâu chuẩn bị tốt nên hầu hết các thành viên Chính phủ trả lời đi vào trọng tâm, thời gian trả lời cũng ngắn gọn. Trong các Bộ trưởng trả lời chất vấn, tôi “thích” cách trả lời của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển. Đó là phong thái tự tin, đĩnh đạc cũng như diễn đạt nội dung rất rõ ràng, ngắn gọn mà vẫn đầy đủ.

 

Đối với việc chất vấn của các đại biểu, tôi thấy có 2 dạng, thứ nhất là hỏi đến cùng, truy kích đến cùng vấn đề mà mình đã quan tâm. Để được như vậy đòi hỏi đại biểu phải đầu tư về thông tin, tư liệu, để có thể đưa ra những câu hỏi trúng, nếu chưa thoả mãn có thể hỏi tiếp hoặc phản biện nội dung người trả lời. Nhưng rất tiếc, số đại biểu này chưa nhiều.

 

Dạng thứ 2 là hỏi theo kiểu để biết, hỏi xong là thôi, không có truy kích, dù trả lời chưa thoả đáng. Điều này khiến những người nghe cũng cảm thấy chưa thoả mãn. Tôi cho đó là cái hạn chế mà chúng ta nên khắc phục. 

 

Phó đoàn đại biểu QH tỉnh Thanh Hoá  Lê Văn Cuông: Tôi chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Công an và Tổng thanh tra Chính phủ

 

 

Hỏi đến cùng để không còn “vùng cấm” - 2
 

Ngay từ đầu, dư luận dự đoán chất vấn tại kỳ họp này sẽ rất sôi động, bởi sau đại hội Đảng, QH sắp kết thúc nhiệm kỳ, hàng loạt vụ việc tiêu cực được phanh phui. Và thực tế cho thấy như vậy.

 

Cá nhân tôi đánh giá chung, phiên chất vấn tại kỳ họp này các đại biểu không còn hỏi lan man. Chất vấn và trả lời chất vấn nhờ chuẩn bị tốt nên có chất lượng, câu hỏi ngắn gọn tập trung, các thành viên Chính phủ trả lời đã lưu loát. Vai trò điều hành của chủ toạ thể hiện rất rõ.

 

Tuy nhiên, đi vào cụ thể còn có nhiều mặt hạn chế, tôi có chất vấn ông Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Công an, một số câu  hỏi khá cụ thể về cách xử lý “có vấn đề” 2 vụ việc đã xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng. Tôi hỏi Bộ trưởng cách xử lý như vậy có “nhẹ trên nặng dưới” hay không? Tuy nhiên Bộ trưởng trả lời sẽ cho kiểm tra và báo cáo trả lời sau.

 

Tôi không hài lòng vì cách trả lời không rõ ràng, không tập trung vào vấn đề mà tôi đã chất vấn. Nếu tôi là Bộ trưởng, tôi sẽ nói, nếu đúng như việc đại biểu nêu, đó là sai. Đấy là cách thể hiện quan điểm của nguời đứng đầu một ngành rất quan trọng.

 

Ngoài ra, cách trả lời của ông Quách Lê Thanh, Tổng Thanh tra nhà nước, cũng chưa rõ ràng. Một đại biểu trong đoàn chúng tôi đã chất vấn nhưng chưa thỏa mãn. Có lẽ do ông Quách Lê Thanh hoạt động nhiều về bên Đảng nên khi trả lời chất vấn, ông ấy đã viện dẫn nhiều quy định, nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, theo cách đặt vấn đề của đại biểu Trần Ngọc Đường, đó là ông Thanh nêu báo cáo trước QH theo góc độ pháp luật chứ không phải theo tư cách một đảng viên.

 

Chuyên viên HĐND Nguyễn Nam Hùng: Các đại biểu còn thiếu thông tin

 

Tôi thấy các đại biểu QH chất vấn thường dựa vào thông tin báo chí, nhất là trong các vụ việc vừa qua. Dường như kênh thông tin của QH rất ít và hầu như không có. Nếu thông tin từ báo không đúng thì chất lượng chất vấn không cao mà ngay cả  uy tín của đại biểu cũng sẽ giảm đi. Tại phiên chất vấn này đã xảy ra hiện tượng đó.

 

Đại biểu thường không có nhiều điều kiện để nắm bắt thông tin, đặc biệt là thông tin về những lĩnh vực chuyên ngành. Trong các chất vấn về những lĩnh vực chuyên môn, tôi thấy có ít đại biểu đeo bám, chỉ hỏi một lần rồi thôi. Còn việc trả lời đó đúng hay sai cũng rất khó biết.

 

Nhìn chung cả hoạt động giám sát hiện nay vẫn còn rất nhiều tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”, lấy thông tin từ báo cáo mà ngành mình giám sát. Nếu chất vấn từ những thông tin này thì chỉ đi “kêu” hộ cho người ta chứ không phát hiện ra được sai phạm.

 

Nhìn chung, đại biểu QH chưa độc lập được về thông tin. Đây là những hạn chế trong công tác giám sát nói chung của QH cần phải cải thiện.

 

Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu QH tỉnh Đồng Nai Cao Thị Tuyết: Không còn “vùng cấm” trong chất vấn

 

 

Hỏi đến cùng để không còn “vùng cấm” - 3
 

Theo dõi phiên chất vấn của QH trong mấy ngày qua, nói chung là các Bộ trưởng trả lời chưa sâu, còn chung chung. Mặt khác, nhiều đại biểu QH cũng còn lúng túng trong cách đặt câu hỏi, nhiều người sợ khi hỏi, người được hỏi không hiểu hết ý nên trong diễn đạt còn rườm rà và lan man.

 

Tuy nhiên các đại biểu đã mạnh dạn hơn vì có sự kiện, có vấn đề. Điều đặc biệt mà tôi đánh giá cao là dường như không còn “vùng cấm” trong chất vấn nữa. Trước đây, có rất ít chất vấn “động” đến lĩnh vực Thanh tra nhà nước, Bộ kế hoạch đầu tư, Tài chính... Nhiều ý kiến cho rằng không nên “động” đến các ông này vì sẽ ảnh hưởng đến địa phương nhưng giờ thì khác. Các đại biểu hỏi rất thẳng thắn, rất gay gắt. Thậm chí còn “chỉnh” nếu trả lời không trúng vấn đề. 

 

Cán bộ hưu trí Nguyễn Mạnh Cường, 54 phố Nam Ngư: Cử tri theo dõi từng hành động của đại biểu và các Bộ trưởng

 

 

Hỏi đến cùng để không còn “vùng cấm” - 4
 

Trong các vị đã trả lời chất vấn, tôi thấy một số vị bộ trưởng trả lời còn rất chung chung, như là các ông bộ trưởng Công an, Bộ Nội vụ, Tổng Thanh tra Nhà nước. Tôi ngạc nhiên nhất là trả lời của ông Bộ trưởng Công an , hỏi một đằng ông ấy trả lời một nẻo.

 

Đặc biệt trong phiên chất vấn này, ông Nguyễn Văn An đã điều hành rất tốt, rất hợp tình hợp lý. Chẳng hạn khi người bị chất vấn trả lời xong, ông hỏi đại biểu chất vấn đã cảm thấy thoả mãn hay chưa. Điều đó, đã tạo ra một không khí thoải mái và động viên tinh thần trách nhiệm của đại biểu.

 

Là người dân, chúng tôi mong muốn những kiến nghị của dân, nếu đó là những vấn đề quan trọng, chính đáng phải được đại biểu phản ánh đầy đủ trước QH, và những người có trách nhiệm phải đi thẳng vào vấn đề, đừng vòng vo né tránh. Nếu khó khăn cũng phải thể hiện để được thông cảm. Cử tri đang dõi theo từng hành động việc làm của đại biểu, các Bộ trưởng và có quyền đánh giá tinh thần trách nhiệm của họ.

 

Chủ tịch HĐND thành phố Thái Nguyên Mai Đông Kinh: Nên học tập cách trả lời của Bộ trưởng Tuyển

 

Theo dõi các phiên chất vấn tại kỳ họp này, tôi đặc biệt có ấn tượng về sự thể hiện vai trò của người chủ toạ, tức là chủ tịch Nguyễn Văn An. Bằng các chính kiến của mình, người điều hành đã “định hướng” cho người trả lời chất vấn đi vào nội dung phải trả lời. Ngoài  ra, trong nhiều trường hợp, không khí kỳ họp rất căng thẳng khi có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau nhưng  sự “điều hoà” kịp thời của người chủ toạ đã kịp thời giảm nhẹ.

 

Đối với trả lời chất vấn, cá nhân tôi cho rằng cách trả lời của bộ trưởng Thương Mại Trương Đình Tuyển đã là một chuẩn mực mà các Bộ trưởng khác nên học tập, đó là tập trung vào vấn đề, ngắn gọn nhưng đủ ý, nếu có sai sót thẳng thắn thừa nhận. Còn đối với những đại biểu chất vấn, tôi có cảm giác nhiều người vẫn còn thiếu về lý lẽ, có lẽ họ đã thiếu thông tin. 

 

Thái Sơn (thực hiện)