1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Hội chính là nhân dân, cùng nhà nước giải quyết nhiều vấn đề”

(Dân trí) - Thảo luận lần đầu tại hội trường Quốc hội về dự án Luật về Hội chiều 26/11, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng các hội chính là nhân dân, cùng nhà nước giải quyết nhiều vấn đề mà xã hội đang đặt ra.

 


Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc phát biểu trước Quốc hội (ảnh: Quochoi.vn)

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc phát biểu trước Quốc hội (ảnh: Quochoi.vn)

“Hiến pháp đã quy định rất rõ theo hướng đó. Không phải tất cả các vấn đề nhà nước đều đứng ra giải quyết, mà nhiều vấn đề sẽ do các tổ chức xã hội cùng nhà nước tham gia, dưới sự lãnh đạo của Đảng để phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Đương nhiên có một số ý kiến đại biểu băn khoăn có một số hội để lại ảnh hưởng xấu, tiêu cực đến xã hội nhưng tôi cho rằng số đó không nhiều. Tôi đánh giá rất nhiều hội có vai trò tích cực trong xã hội chúng ta”- ông Phúc nói.

Xuất phát từ tên gọi Luật về hội chứ không phải Luật về lập hội nên theo ông Phúc, phạm vi của luật có thể mở rộng quy định về quyền lập hội của công dân Việt Nam, các pháp nhân Việt Nam và quyền lập hội của người nước ngoài ở Việt Nam. Đồng thời có thể quy định về quyền hội họp gắn với quyền về lập hội tương tự như việc quy định về quyền tự do ngôn luận ngay trong Luật Báo chí.

Dẫn ra quy định tại điều 25 Hiến pháp 2013 về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội, đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) khẳng định, thông qua quyền lập hội, các tổ chức xã hội được thành lập sẽ có tiếng nói của người dân trong việc tập hợp lại với nhau, cùng với nhà nước bảo vệ mình, chống lại tiêu cực trong xã hội, tham nhũng, nhũng nhiễu, hách dịch, cửa quyền và tự mình giải quyết công việc không cần can thiệp của nhà nước.

“Vấn đề đặt ra là cần phải tôn trọng các tổ chức này, tạo điều kiện thúc đẩy lập hội của công dân, tạo điều kiện cho việc lập hội độc lập, tự chủ”- ông Rinh nói.

Ủng hộ việc cho phép người nước ngoài sinh sống, làm việc hợp pháp, ổn định tại Việt Nam được tham gia hội do công dân Việt Nam thành lập, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị phải có thêm những quy định bắt buộc họ phải hoạt động phi chính trị, phi tôn giáo, phi lợi nhuận để tránh bị lợi dụng.

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) băn khoăn về việc công chức muốn tham gia thành lập hội hoặc tham gia hội phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước đang quản lý mình bởi việc này phải xem xét, đối chiếu với quy định về quản lý cán bộ công chức, viên chức.

Ông Nghĩa đánh giá việc dự thảo luật không cho phép người thiếu năng lực hành vi không được tham gia hội hoặc thành lập hội là hạn chế quyền của công dân. “Có những người năng lực hành vi kém, không thành lập hội được nhưng họ vẫn tham gia hội được, như người mù tham gia Hội người mù chẳng hạn. Hoặc trên thế giới có những người cùng mắc bệnh nan y giống nhau và tham gia vào một hội để hỗ trợ giúp nhau về thuốc thang, vật chất. Chính vì thế hạn chế quyền lập hội và quyền tham gia hội phải có tiêu chí khác nhau”- ông Nghĩa bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì băn khoăn về việc người có thẩm quyền quản lý cán bộ cho phép cán bộ công chức tham gia hội, lập hội thì áp dụng theo khoản nào, điều nào hay “thích thì cho”. Điều này rất quan trọng bởi khi đã cho phép rồi thì phải để cán bộ công chức tham gia các hoạt động của hội.

“Quốc hội cần cân nhắc điều này bởi nhà nước trả lương để cán bộ làm việc nhưng việc tham gia quá nhiều hội này, hội nó thì sẽ không còn bao nhiêu thời gian làm việc”- ông Cương nói.

Bên cạnh đó, việc cán bộ công chức tham gia vào các hội liên quan trực tiếp tới thẩm quyền quản lý nhà nước của cán bộ cần phải được tính toán kỹ lưỡng.

“Cán bộ nhà nước tham gia hội thả diều, thi chim thì không ảnh hưởng gì cả, nhưng nếu làm việc ở cơ quan quản lý phân bón lại tham gia hội phân bón thì không thể được. Làm ở cơ quan có thẩm quyền cấp phép thực phẩm lại tham gia hội sữa thì không thể được. Một số nước họ đã quy định rất rõ vấn đề này, để tránh khi đương chức thì tạo điều kiện cho tổ chức đó để đến khi nghỉ hưu nhảy sang đó làm việc luôn và hưởng lợi. Họ coi đó là biện pháp để chống tham nhũng”- ông Cương nói.

Thẳng thắn cho rằng dự thảo Luật về hội còn mang nặng tính quản lý nhà nước đối với hội, đại biểu Cù Thị Hậu - Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam đề xuất quy định 3 loại hội: Hội do nhà nước lập ra theo yêu cầu, hội hoạt động với hội viên là người yếu thế (trẻ em, người già) và hội tự trang trải kinh phí như hội nghề nghiệp, giúp đỡ nhau buôn bán, tiêu thụ sản phẩm.

Đáng chú ý, bà Hậu băn khoăn về việc dự thảo quy định cơ cấu tổ chức của hội có “đại hội”, “ban lãnh đạo”.

“Tôi làm ở hội nhưng chưa hiểu tổ chức của hội lại có “đại hội”, “ban kiểm tra” và ban lãnh đạo có 3 người. Điều này không phù hợp với thực tế, bởi cơ cấu tổ chức của mỗi hội phải phù hợp với thực tế số lượng hội viên. Tổ chức hội lại quy định như thế này thì không phù hợp, không nhất thiết hội phải có 4 cấp, mà chúng ta có thể có các hội ở các địa phương do chủ tịch UBND quản lý, quyết định; ở trung ương do Bộ Nội vụ quản lý thì phù hợp hơn”- bà Hậu đề xuất.

Thế Kha