1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Học sinh từ lớp 8 đã dùng smartphone, tăng nguy cơ bị xâm hại?

(Dân trí) - Số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến trong năm 2019, riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã có 1.400 trẻ bị xâm hại, gần bằng số lượng cả năm 2018 (1.579 trẻ). Khảo sát các trường học cho thấy phần lớn học sinh từ lớp 8 trở lên đã sử dụng smartphone, dùng mạng xã hội thiếu kiểm soát dẫn đến nhiều mối nguy trên mạng…

Những con số, vấn đề này được nêu ra tại cuộc làm việc chiều 15/1 của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Quốc hội với Chính phủ, các bộ ngành liên quan. Cuộc làm việc do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì.

Học sinh từ lớp 8 đã dùng smartphone, tăng nguy cơ bị xâm hại? - 1

Đoàn giám sát gồm lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo, ủy viên thường trực các UB liên quan cùng làm việc chiều 15/1.

Báo động trẻ em bị xâm hại trong gia đình, nhà trường

Thay mặt tổ giúp việc của đoàn giám sát, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ đã trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Theo bà Thuỷ, giai đoạn từ 1/1/2015 đến 30/6/2019, toàn quốc phát hiện hơn 7.800 vụ xâm hại trẻ em, với gần 8.600 đối tượng xâm hại và số trẻ em bị xâm hại là gần 8.100 em. Trong đó, số trẻ em nữ bị xâm hại gấp 7 lần số trẻ em nam (1.059 em nam và 7.032 em nữ).

Đáng chú ý, các vụ việc xảy ra chủ yếu là xâm hại tình dục, gồm hơn 6.300 vụ với hơn 6.400 trẻ em bị xâm hại (chiếm hơn 81% tổng số vụ xâm hại trẻ em và chiếm gần 80% tổng số trẻ em bị xâm hại).

“Nhiều tỉnh, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90%, thậm chí gần như 100% số vụ xâm hại trẻ em”- bà Thuỷ nói và dẫn chứng tỷ lệ này ở Cần Thơ là 98,8%, Hậu Giang 95,8%, Kiên Giang 95,5%, Bến Tre 94,6%, Đồng Nai 94,2%...

Theo báo cáo của các địa phương, 10 tỉnh, thành có số lượng trẻ em bị xâm hại nhiều nhất là TPHCM, Hà Nội, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Lắk, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Phước.

Đánh giá về những tồn tại, hạn chế, theo bà Thuỷ, môi trường gia đình vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với trẻ. Theo báo cáo của Chính phủ, đối tượng là người thân trong gia đình xâm hại tình dục trẻ em chiếm 21,3%, bạo lực đối với trẻ em chiếm gần 66%.

Trong khi đó, môi trường nhà trường vẫn xảy ra một số vụ bạo lực học đường, thậm chí có vụ nghiêm trọng dẫn đến hậu quả chết người; có những vụ gây bức xúc trong xã hội do giáo viên sử dụng các biện pháp bạo hành đi ngược với đạo đức nhà giáo…

Thực tế đã xảy ra các vụ thầy giáo, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục nhiều học sinh, thậm chí xâm hại tình dục cả học sinh nam, báo động sự mất an toàn trong một số trường học. Bà Thủy dẫn chứng vụ việc trường Tiểu học- THCS Tam Lập, Bình Dương 13 trẻ bị xâm hại; vụ việc ở trường tiểu học tại huyện Hoài Đức, Hà Nội 9 trẻ bị xâm hại; vụ việc ở trường THCS dân tộc nội trú tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ hàng loạt học sinh nam bị xâm hại trong thời gian dài…

Bà Thủy nêu nhận xét khái quát: “Có thể nói, lẽ ra nhà trường và gia đình là môi trường an toàn nhất cho trẻ em. Song vấn đề mới và nổi lên trong giai đoạn này là việc nhiều trẻ em bị người ruột thịt, người thân trong gia đình, bị thầy giáo, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục, để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho các em”.

Mối nguy trên môi trường mạng

Học sinh từ lớp 8 đã dùng smartphone, tăng nguy cơ bị xâm hại? - 2
Ủy viên thường trực UB Tư pháp Nguyễn Thị Thủy báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tán thành với hướng đặt vấn đề của tổ giúp việc, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đặc biệt nhấn mạnh, gia đình và nhà trường vốn được xem là môi trường an toàn nhất với trẻ em song vừa qua tình trạng trẻ em bị xâm hại trong môi trường này lại rất đáng báo động.

Bà Nga nhắc tới con số, đối tượng là người thân trong gia đình xâm hại tình dục trẻ em chiếm 21.3%, bạo lực đối với trẻ em chiếm 65,88%.

Chủ nhiệm UB Tư pháp cũng nhấn mạnh thực tế, trong môi trường học đường, xảy ra nhiều vụ giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục học sinh, thậm chí xâm hại trong thời gian dài, xâm hại nhiều học sinh, xâm hại tình dục cả học sinh nam.

Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, Bộ Giáo dục & Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ cho biết trước tình hình mới nổi lên vừa qua trong gia đình, trong nhà trường đặt ra vấn đề gì cho công tác quản lý nhà nước, cho công tác của Hội liên hiệp phụ nữ?

Vấn đề nữa, theo bà Nga cũng cần được đặt ra là phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Từ năm 2010 - 2018, các cơ quan phát hiện, xử lý 319 vụ xâm hại tình dục trẻ em sử dụng thủ đoạn mạng xã hội - theo báo cáo của tổ giúp việc đoàn giám sát.

Qua khảo sát các trường học thì phần lớn học sinh từ lớp 8 trở lên đã sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng mạng xã hội nhưng nhiều học sinh trả lời không cho bố mẹ can thiệp vào việc các em sử dụng mạng xã hội và cho rằng đó là quyền riêng tư, dẫn đến tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm với các em trên mạng.

Bà Nga đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết việc giáo dục, hướng dẫn các em kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn thời gian qua ra sao, việc đó có hiệu quả không, việc quản lý điện thoại của các em trong giờ học như thế nào?

Chủ nhiệm UB Tư pháp cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Bộ đã làm gì để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, những việc đó có hiệu quả không, thời gian tới Bộ sẽ triển khai biện pháp gì?

Phương Thảo