1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Học chữ trong tù để viết thư sám hối

“Mấy năm trước, những lá thư mẹ gửi về nhà đều do các chị em cùng phòng viết hộ. Nhưng hôm nay, cô phóng viên vào thăm, cô ấy bảo mẹ nên thường xuyên viết thư để động viên các con… Thế là mẹ đã học lại cách viết chữ, viết thư cho các con đây.”

Người  thân  không ruột thịt…

 

Tôi trở thành “người nhà” của một tù nhân ma tuý vì những đứa trẻ mồ côi ở “bản không chồng”. Một tối cuối tháng 6/2009, Tinh (con phạm nhân Lò Thị Ín) khóc sụt sùi qua điện thoại: “Em nhớ mẹ lắm nhưng đành kìm nén lại. Nếu đi Hà Nội thăm mẹ lần nữa, em sẽ phải tiêu tốn bạc triệu. Trong hoàn cảnh này, em không thể... Mẹ bị “thiểu năng tuần hoàn não, hay đau đầu, chúng em không có tiền để thăm nuôi mẹ, lo quá chị ạ!”.

 

Tôi động viên: “Em yên tâm, chị đã liên hệ với Ban Giám thị của trại giam Thanh Xuân. Hôm trước Trung tá Phạm Văn Thân (Phó Giám thị) đã xuống tận nơi đưa cho mẹ em 2 hộp thuốc chữa bệnh đau đầu rồi. Anh ấy cũng đã gặp gỡ, hỏi han rất kỹ về hoàn cảnh gia đình, rồi động viên mẹ em cải tạo thật tốt. Hiện mẹ em còn hơn 1/2 thời gian cải tạo bắt buộc nữa, quá trình xem xét đặc xá... phụ thuộc rất nhiều vào sự cố gắng của mẹ”.

   

Thỉnh thoảng cần chỗ dựa, Tinh cũng gọi cho tôi, lần nào cũng khóc thút thít. Một ngày chủ nhật, cầm cuốn sổ thăm gặp của gia đình phạm nhân Lò Thị Ín trên tay, tôi giật mình nhớ ra: Dòng thứ 3, trang 2, điền cả tên mình”! Như thế có nghĩa tôi đã vô tình là em của Lò Thị Ín.

 

Kể ra đây cũng là cái “cớ” có lý, có tình, để tôi danh chính ngôn thuận, trở thành người nhà của phạm nhân Ín. Tức là tôi có thể đường hoàng đi thăm một người tù, theo quy định của Cục V26 - Bộ Công an và theo quy định của Trại giam Thanh Xuân. Tôi đã có “người nhà” là tù nhân, giản đơn như thế, ngạc nhiên như vậy. Muốn chia sẻ được với 3 chị em mồ côi, giúp đỡ chúng trong lúc khó khăn, có lẽ đây là cách tốt nhất.

 

Học chữ trong tù để viết thư sám hối  - 1
Hai con của phạm nhân Lò Thị Ín thăm mẹ tại trại giam.

  

Chủ nhật, ngày 19/7, người bạn thân đưa tôi vào trại giam. Mỗi đứa góp 500 ngàn, thành 1 triệu đồng, gửi cán bộ quản giáo để Lò Thị Ín chi tiêu trong việc mua thuốc, bồi bổ sức khoẻ, ngoài chế độ tù nhân được hưởng.

 

Lò Thị Ín bảo: “Từ hôm gặp được các con, chị đã mất cả tuần không ngủ. Những đêm đó, thật dài, chị thức chong chong nhìn lên trần nhà mà nghĩ đến các con. Muốn viết cho chúng nó vài lời mà không biết chữ. Hồi ở Điện Biên, chị mới học hết lớp 1 thì phải bỏ học vì nhà không có điều kiện...”.

 

Trong khoảng thời gian ở tù, Ín được cán bộ quản giáo chữa khỏi bệnh đại tràng. Công việc Ín vẫn làm hàng ngày và thấy đặc biệt yêu thích là “đứng máy may công nghiệp”. Những phạm nhân nữ sống cùng buồng giam rất thương quý nhau, mỗi người một nỗi đời riêng. Không ai biết rằng đã gần 10 năm nay,  Ín mới được gặp con một lần. Gia đình của Ín cũng chỉ còn lại những đứa trẻ bơ vơ, tội nghiệp ấy mà thôi...

 

  thư sám hối  không muộn mằn

 

Sau buổi nói chuyện với tôi, Ín trở về buồng giam, nhờ người bạn tù quê ở Sơn La, dạy chữ, dạy viết thư. Thư được kiểm duyệt theo quy định, đến tay tôi theo yêu cầu của những người trong cuộc. Tôi liên lạc với bọn trẻ, đọc cho chúng nghe một phần lá thư ấy trước khi gửi đến tay chúng, rồi xin sử dụng thư làm tư liệu viết bài.

 

Trong thư Ín viết với nét chữ, câu từ khá ngây ngô, nhiều lỗi chính tả, nhưng thấm đẫm những lời tự sự. Nỗi ân hận, sám hối của người mẹ có tội, dành cho những đứa con của mình.

 

Chúng tôi xin trích đoạn như sau - (Trong bức thư này, chúng tôi vẫn giữ nguyên một số lỗi chính tả của người viết - PV):

 

“Người dạy chữ cho mẹ tên là Phạm Thị Tân, cô ấy viết ý nghĩ của mẹ đến đâu, mẹ chép lại đến đó... làm đi làm lại nhiều lần, cuối cùng, mẹ cũng viết được thư cho các con. Đúng là một chuyện lạ phải không các con? Trong những năm ở tù, không có giây phút nào mà mẹ không nghĩ đến các con của mẹ. Mẹ ân hận và mong các con hiểu, tha thứ cho lỗi lầm của mẹ.

 

Hôm trước, mẹ được gặp 2 con và cô phóng viên ấy, mẹ vừa mừng vừa tủi thân. Mẹ vui mừng vì 2 con đã lớn và trưởng thành, buồn vì mẹ thiếu trách nhiệm của người mẹ. Cho mẹ xin lỗi thay cho cha các con nữa nhé. Cha, mẹ có đã lỗi với các con, có lỗi với ông bà, có tội nhà nước. Vì thế cho nên mẹ trở thành người mất quyền công dân, khi biết được như vậy thì đã quá muộn rồi.

 

Bây giờ mẹ biết rằng, chính ma tuý đã cướp đi tất cả của bố mẹ. Ma tuý đã cướp đi hạnh phúc của người mẹ, làm vợ phải mất chồng, con phải chia mẹ lìa cha. Nhưng mẹ vẫn nghĩ là mình may mắn vì đã sinh được 3 đứa con ngoan. Bây giờ mẹ chỉ mong sao, ông trời phú cho mẹ giữ được một sức khỏe ổn định, sớm trở về đoàn tụ cùng các con làm công dân có ích cho xã hội.

 

Các con ơi! hiện nay các con đã được sự quan tâm của cô phóng viên ấy, còn mẹ thì được sự quan tâm của Ban Giám thị, họ giúp đỡ và động viên mẹ, còn cho mẹ thuốc để chữa bệnh đau đầu... Mẹ cảm động lắm các con ạ! Nhất là khi mẹ được ban giám thị quan tâm, mẹ chỉ khóc mà không còn biết mình  phải nói như thế nào nữa... Còn cô phóng viên, mẹ cảm nhận cô ấy là người uôn nhân (ân nhân -  PV) của các con.

 

Cô ấy có tấm lòng bao dung, nhân hậu. Hy vọng mẹ sẽ sớm trở về và cảm tạ ngàn lần cô ấy, cô ấy theo mẹ nhìn nhận là người phóng viên tốt bụng và sống biết quan tâm đến người khác. Sống biết quan tâm đến các đứa trẻ mồ côi cha, mẹ và biết để ý đến các điều phương (địa phương - PV). Mặc dù các điều phương  đường xá xa xôi, cũng không mặc cảm (quản ngại - PV), cố gắng, trải qua vất vả để đi, để được nhìn tận mắt, chứng kiến các... cô ấy sống biết làm (bảo vệ) sự công bằng, bình đẳng.

 

Cô phóng viên ấy nhất định mẹ sẽ có ngày gặp lại. Các con nói với cô ấy hộ mẹ nhé lúc đang gặp cô ấy, mẹ cảm động lắm và mẹ rất hồi hộp lắm, chẳng nói được gì cả, ba con ở nhà đợi mẹ nhé! mẹ sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm về sum họp với gia đình và xã hội. Thôi nhé. Mẹ dừng bút đây để thư sau mẹ TS tiếp nhé! mẹ của các con

 

Lò Thị Ín."

 

 

Học chữ trong tù để viết thư sám hối  - 2

Lá thư của Lò Thị Ín gửi cho con.

 

 

Một người tù, trong bộ quần áo kẻ sọc to rộng, nước da xanh xao vì thiếu sương gió phong trần... đó là tất cả những gì tôi quan sát ở cái vẻ bề ngoài của Lò Thị Ín. Nhưng bên trong sâu thẳm bà Ín cũng chẳng khác tôi. Khắc khoải, yếu đuối, mỏng manh, rất đàn bà.

 

Trước đây, gặp chị em Tinh trong “ngôi nhà ma ở bản không chồng”, tôi không biết trước, bài viết đó sẽ tác động ra sao đến cuộc đời các em? Chỉ biết, nếu tôi cũng “làm thinh”, thì vô cảm quá. Thời gian đã trả lời  tất cả. Bố mẹ chúng có tội, chứ chúng nào có lỗi chi đâu? Ma tuý ở Thanh Yên có thể sẽ đỡ đi phần nào, nếu người dân ở đó biết gìn giữ, nâng niu cái giá trị thiêng liêng của tính chân - thiện - mỹ.

 

Theo Thu Hoài – Minh Thanh

Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm