Hoạt động của người dân cả nước sáng ngày đầu năm mới Tân Sửu
(Dân trí) - Sáng mùng 1 Tết, chợ nổi Cái Răng yên ả, vắng lặng. Tại Đà Nẵng, Hội An, người dân vẫn duy trì thói quen đi chùa, xin lộc đầu năm. Người dân TPHCM kéo tới đường hoa Nguyễn Huệ du xuân...
TPHCM: Nhiều người dân bị giữ lại đo thân nhiệt ở đường hoa Nguyễn Huệ
Cần Thơ: Sáng mùng 1 Tết, chợ nổi, đường phố vắng bóng người
Sáng mùng 1 Tết, những tuyến đường chính trong nội ô TP Cần Thơ như đường 3 tháng 2, đường 30, tháng 4, Bến Ninh Kiều, đường hoa xuân Cần Thơ... đều vắng bóng người. Một vài ngã ba, khu vực gần chợ, chỉ những người bán vé số vẫn hành nghề, dù các cửa hàng, hàng quán ăn đóng cửa im ỉm.
Những địa điểm vốn sôi động nhất thành phố như bến Ninh Kiều, đại lộ Hòa Bình, chợ nổi Cái Răng... cũng vắng bóng người. Đặc biệt là khu chợ nổi Cái Răng, nơi thường ngày đón hàng nghìn khách du lịch (thời điểm chưa có dịch Covid-19), nay không một bóng tàu du lịch. Khúc sông nơi họp chợ mỗi ngày chỉ còn vài chiếc ghe tam bản neo đậu.
Một số hình ảnh PV Dân trí ghi lại trong ngày đầu năm mới Têt Tân Sửu 2021:
Đà Nẵng: Người dân nô nức lễ chùa, xin lộc ngày đầu năm
Sáng ngày đầu tiên của năm Tân Sửu 2021 (tức ngày 12/2/2021), dòng người từ khắp nơi đổ về các chùa tại Đà Nẵng để cầu an, xin lộc cho gia đình và người thân.
Chị Nguyễn Thị Xuân (quận Sơn Trà) chia sẻ: "Đi lễ chùa cầu an và xin lộc là việc không thể thiếu của gia đình tôi vào ngày đầu năm. Sáng sớm đầu năm, gia đình tôi luôn đi lễ chùa cầu an. Mỗi thành viên thắp nhang, cầu nguyện cho bản thân và người thân có một năm mới dồi dào sức khỏe, thành công và thuận lợi trong cuộc sống. Đồng thời mỗi thành viên sẽ xin một nhành lộc để tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng trong năm mới".
Khác với chị Xuân, chị Lê Thị Mỹ Hạnh (quận Hải Châu) chia sẻ mục đích đi lễ chùa không phải để cầu may mà vì chị thích du xuân đầu năm tại những nơi tạo cảm giác yên bình như đền chùa.
Theo chị Hạnh, khi đến cửa Phật, mùi khói nhang hòa với màu sắc rực rỡ của hoa, đèn và không gian thanh tịnh làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.
Mỗi người dân đi lễ chùa với nhiều mục đích khác nhau: có người cầu tài lộc, người mong bình an; có người chỉ đến lễ chùa để tận hưởng giây phút bình yên sau một năm bộn bề, lại có người chỉ đi du xuân,...
Tuy nhiên, có thể nhìn thấy điểm chung của mọi người khi đi lễ chùa đều mang theo tấm lòng thành kính và trang trọng khi đến với chốn linh thiêng.
Không chỉ riêng người dân Đà Nẵng mà đối với người dân trên khắp mọi miền đất nước, đi lễ chùa và xin lộc cầu may là những hoạt động văn hóa truyền thống không thể thiếu của mỗi gia đình.
Sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt, đi lễ chùa và xin lộc đầu năm không chỉ để cầu an và ước nguyện tiền tài, sức khỏe mà đó còn là mong muốn gạt bỏ được những ưu phiền và vất vả sau một năm tất bật, đồng thời giúp mỗi người tìm về với cội nguồn dân tộc từ ngàn xưa.
Hội An: Người dân đeo khẩu trang, sát khuẩn tay vào lễ chùa đầu năm
Nghệ An: Ngàn người đi hái lộc thánh đầu xuân
Ngày Mùng 1 Tết, hàng ngàn giáo dân thuộc giáo xứ Cầu Rầm, thành phố Vinh (Nghệ An) tề tựu tại trung tâm Thánh đường của giáo xứ để hái lộc thánh đầu năm. Người dân cùng vào nhà thờ để đọc kinh, cầu nguyện cầu xin cho một năm mới an khang, sức khỏe và an lành, một năm với bao mong ước sẽ trở thành hiện thực.
Trong khi đó, vào ngày đầu năm mới, người dân trên địa bàn thành phố Vinh cùng tổ chức chào cờ tại mỗi khối phố.
Ngoài ra, tại các đền chùa như Quang Trung, đền Hồng Sơn, Đền Củi, đền ông Hoàng Mười… người dân thành phố Vinh và vùng phủ cận đã tề tựu đông đủ để cầu bình an trong ngày đầu năm mới.