Nghệ An:
Hoành tráng lễ kỷ niệm 50 năm đường mòn Hồ Chí Minh
(Dân trí) - Sáng nay 12/5, tại di tích Km số 0 thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã long trọng diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại và ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 -19/5/2009).
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hồ Đức Việt nhấn mạnh: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta giành được thắng lợi vẻ vang, non sông đất nước ta thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội… là thành quả của cả một quá trình đấu tranh cách mạng bền bỉ, gian khó và cả sự hy sinh to lớn của các thế hệ những người đi trước, trong đó có các thế hệ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên tuyến đường Trường Sơn. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống vì độc lập tự do, thống nhất và sự phồn vinh của Tổ quốc”.
Kể từ ngày thành lập, từ một tuyến đường nhỏ bé, đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành một mạng lưới đường với 5 trục dọc Đông và Tây Trường Sơn, 21 trục ngang liên hoàn với tổng chiều dài gần 20.000km; ngoài ra còn có tuyến đường sông với 500km, đường ống dẫn xăng dầu với tổng chiều dài 1.400km. Từ biên chế ban đầu chỉ có 1 tiểu đoàn với 440 cán bộ chiến sĩ đã phát triển thành 9 sư đoàn, 21 trung đoàn trực thuộc cùng hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và công nhân giao thông,...
Trải qua 16 năm (từ 1959 đến 1975) kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các lực lượng bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, công nhân giao thông nước ta và các nước bạn trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã làm nên một kỳ tích huyền thoại, tạo nên thế trận cầu đường liên hoàn, vững chắc ở cả Đông và Tây Trường Sơn, tạo thế thuận lợi vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược phục vụ kịp thời cho các hướng chiến trường.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu, quân và dân ta với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã làm nên chiến thắng vang dội, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975).
Mở rộng lợi thế và tiếp tục tạo thế thuận lợi về chiến lược quân sự, hội nhập, phát triển cả 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Bộ Chính trị đã quyết định thi công đường Hồ Chí Minh công nghiệp hoá trên nền của tuyến đường Trường Sơn năm xưa.
Trọng điểm của tuyến đường Hồ Chí Minh đi quan miền Trung đã phá thế độc tuyến giao thông Bắc - Nam, hỗ trợ đắc lực cho quốc lộ 1A thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt cục bộ trong mùa mưa lũ hàng năm, tạo thế liên hoàn, vững chắc trong chiến lược quân sự bảo vệ đất nước, đoàn kết chiến đấu của 3 nước Đông Dương Việt Nam, Lào, Campuchia; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá của vùng đất phía tây rộng lớn, giàu tiềm năng của nước ta.
50 năm nhìn lại một con đường Hồ Chí Minh lịch sử không những mãi mãi là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa và giá trị bền vững lâu dài trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ta hiện nay.
Nghệ An là nơi khởi nguồn đường Hồ Chí Minh, cũng là một trong những tỉnh có quân số vào chiến trường Trường Sơn nhiều nhất, sớm nhất và chịu sự hy sinh, mát mát to lớn nhất. Qua 16 năm chiến đấu, trên 23.000 người đã anh dũng hy sinh, trên 30.000 người đã để lại một phần thân thể của mình trên đại ngàn Trường Sơn, hàng chục ngàn người bị nhiễm chất độc hóa học mà nỗi đau còn dai dẳng cho đến tận bây giờ...
Với những đóng góp to lớn của mình, Tập thể Bộ đội Trường Sơn đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; 81 tập thể và 48 cá nhân được phong tặng dang hiệu Anh hùng LLVTND.
Cũng trong dịp này, Nhà xuất bản Nghệ An đã cho ra mắt cuốn sách “Ký ức đường Trường Sơn”. Cuốn sách gồm 320 trang với 44 bài viết và chùm 6 bài thơ của các tác giả là Cựu chiến binh Trường Sơn. Lời giới thiệu cho cuốn sách, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn) viết: “…Trải qua 16 năm chung sống với đại ngàn Trường Sơn đầy gian khổ, hy sinh ác liệt, đã để lại những ký ức của những cựu chiến binh Trường Sơn biết bao kỷ niệm vui buồn, để mỗi khi hồi tưởng lại, lòng những xao xuyến bồi hồi xúc động…”. Cuốn sách NXB Nghệ An in ấn và phát hành Con đường Trường Sơn được hồi tưởng, đặc tả qua các ký ức xúc động: “Ngày đầu nhập tuyến 559” (Nguyễn Khắc Tuyên), “Những ngày đi không dấu” (Phan Xuyến Thanh Đồng), “Nguyễn Đức Thông - liệt sỹ Trường Sơn đầu tiên” (Mạc Phương), “Nhớ mãi một thời làm lính Trường Sơn” (Nguyễn Văn Chất)… góp thêm tư liệu phong phú về con đường Trường Sơn lịch sử. |
Nguyễn Duy